“Nhà nước không để doanh nghiệp thiệt thòi!”
Biện pháp yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng chưa thực hiện một cách kiên quyết nên việc thực hiện chưa được như mong đợi. Có quan điểm cho rằng, các doanh nghiệp trong diện phải bán lại một phần ngoại tệ cho ngân hàng theo chủ trương mới đây của Chính phủ đang “tỵ” với người thụ hưởng kiều hối và doanh nghiệp có ngoại tệ ngoài nhà nước.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, nói:
- Các nguồn ngoại tệ hiện nay trên thị trường xuất phát từ hoạt động xuất khẩu, từ việc bán những tài sản được tạo ra hoặc tài nguyên thiên nhiên, từ lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, đến than, dầu, khí... Xét về mặt kinh tế xã hội, nguồn ngoại tệ đó là công sức, tài nguyên quốc gia được tích lũy trong cả quá trình phát triển kinh tế.
Chẳng hạn, để có một hạt lúa xuất khẩu, người dân phải bỏ công khai hoang hàng trăm năm nay, một kỹ thuật canh tác cũng phải đánh đổi bằng những công trình nghiên cứu khoa học hàng chục năm, hoặc vỉa than, mỏ dầu phải mất bao nhiêu công sức, xương máu của nhiều thế hệ đấu tranh mới giành được để đến bây giờ, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ quyền khai thác tài sản để chuyển hóa thành tiền.
Vì thế, việc đưa nguồn lực này quay về phục vụ lợi ích cộng đồng, đất nước, cụ thể là tập đoàn, tổng công ty sở hữu nhà nước đang nắm giữ nguồn ngoại tệ từ nguồn lực đất nước là hành động có trách nhiệm với sự ổn định của nền kinh tế, ổn định thị trường ngoại hối, đồng thời vì cả lợi ích của chính họ.
Hiện tại, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ một lượng ngoại tệ khoảng 1/3 tổng lượng tiền gửi ngoại tệ trên thị trường, nếu họ chia sẻ khó khăn với Chính phủ, việc bình ổn thị trường ngoại hối sẽ dễ dàng hơn.
Trên thực tế, các doanh nghiệp này đã “vì” những điều như ông vừa nói?
Tất nhiên, trong thời gian vừa qua, biện pháp yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng chưa thực hiện một cách kiên quyết nên việc thực hiện chưa được như mong đợi. Hơn nữa, doanh nghiệp nào cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận và bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh thực tế của họ cũng có nhu cầu sử dụng ngoại tệ thực sự nên họ muốn giữ lại.
Nhưng nay, đối với nguồn ngoại tệ nhàn rỗi mà chưa có dự kiến đầu tư hoặc có dự kiến rồi nhưng phải một thời gian sau mới triển khai thì trong lúc cần ổn định thị trường thì họ phải chia sẻ trách nhiệm với Chính phủ.
Khi bán thì Nhà nước cần doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm chung nhưng khi doanh nghiệp muốn mua thì thế nào, thưa ông?
Tất nhiên, nhà nước không bao giờ để cho doanh nghiệp thiệt thòi. Chính phủ đã tính toán và cân nhắc hài hòa lợi ích giữa các bên bán và mua, không để doanh nghiệp bị thiệt. Ví dụ, khi doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa, thanh toán công nợ hợp lệ hợp pháp thì ngân hàng phải bán lại cho họ đủ số lượng với một cơ chế tỷ giá phù hợp.
Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp nhà nước và không tác động xấu đến thị trường thì phải có thống kê phân tích, đánh giá cụ thể đầy đủ nguồn ngoại tệ cũng như nhu cầu sử dụng ngoại tệ ngay của các doanh nghiệp. Từ đó, có giải pháp thích hợp về mặt thời điểm mua bán, tỷ giá nhằm tránh xung đột lợi ích.
Có ý kiến rằng, đó cũng là một phần của kết hối. Ông nghĩ sao?
Đây chỉ là một biện pháp Chính phủ lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty sở hữu nhà nước có nguồn thu ngoại tệ lớn bán lại cho ngân hàng, tham gia góp phần ổn định thị trường ngoại hối, không hoàn toàn là biện pháp kết hối. Việc này hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ quốc tế.
Với thực tế như trên, tại sao Ngân hàng Nhà nước không thực hiện kết hối, trong khi Pháp lệnh ngoại hối cho phép hành động như vậy, thưa ông?
Mặc dù Pháp lệnh ngoại hối cho phép kết hối nhưng đó là vấn đề kỹ thuật hết sức phức tạp. Bởi vì khi thị trường biến động việc xử lý tỷ giá trên thị trường rất khó thực hiện. Hơn nữa, khi kết hối xong buộc phải kèm theo cơ chế hỗ trợ vì khi mua của người ta rồi thì phải hỗ trợ trở lại khi họ cần, dẫu rằng phải xác định nhu cầu đó hợp pháp hợp lệ hay không.
Một điểm nữa, việc xử lý trường hợp rủi ro xảy ra do biến động cung cầu ngoại tệ giữa hai thời điểm mua/bán giữa ngân hàng và doanh nghiệp là cả một vấn đề lớn.
Ví dụ, nguồn lực ngoại tệ của Nhà nước tại thời điểm mua của doanh nghiệp và thời điểm bán rất có thể khác nhau, thậm chí mua hôm nay nhưng cam kết bán tận sang năm, giả định lúc đó thị trường biến động, tỷ giá thay đổi hàng giờ, tương quan dự trữ ngoại hối với thị trường thay đổi thì có thể dẫn đến thực tế những cam kết không thể thực hiện trọn vẹn.
Điều này sẽ tạo ra một tâm lý không thuận lợi cho thị trường. Đồng thời, do kết hối là biện pháp hành chính nên sẽ tạo ra sự méo mó trong vận hành thị trường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu nền kinh tế có nguy cơ mất ổn định như thời kỳ 1997 thì Chính phủ vẫn thực hiện kết hối nhưng chỉ trong ngắn hạn thôi. Và khi thị trường có biểu hiện ổn định thì phải để cho thị trường vận hành đúng quy luật.
Kết hối có vi phạm cam kết WTO?
Hoàn toàn không vi phạm các cam kết WTO. Trong Pháp lệnh ngoại hối có hẳn một điều khoản cho phép Ngân hàng Nhà nước quyền thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm ổn định thị trường trong nước.
Những cam kết WTO và khuyến nghị của IMF không hề mâu thuẫn với Pháp lệnh ngoại hối của Việt Nam. Hiện tại, gần như bất kỳ nước nào cũng có thể thực hiện kết hối mà không e ngại đụng chạm với cam kết thương mại quốc tế.
Nguyễn Hoài
TBKTVN
|