Thứ Năm, 10/12/2009 09:41

Khi DN “sợ” có cổ đông lớn

Có lẽ DN nào cũng mong muốn có được cổ đông lớn để tận dụng lợi thế về vốn, quản trị…, hoặc đơn giản là nâng cao uy tín. Đặc biệt, đối với DN niêm yết, một trong những điểm quan trọng nhất của việc niêm yết là minh bạch hóa thông tin và nâng cao chất lượng quản trị. Thế nhưng, vẫn có những DN “khép mình” trước sự tìm hiểu của NĐT lớn.

Trong lần về thăm một DN ngành sản xuất bao bì đã niêm yết trên HNX cùng hai công ty quản lý quỹ (hai cổ đông lớn), người viết vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến vị giám đốc DN mặt đỏ bừng bừng nói: “Sao các anh chị cứ can thiệp vào chuyện của chúng tôi?”. Đây là cách mà lãnh đạo DN “ứng xử” khi hai cổ đông lớn về DN mục sở thị tình hình kinh doanh và đề nghị DN đưa ra dự kiến kế hoạch của năm 2010. Rốt cuộc, sau chuyến về thăm DN, hai cổ đông này vội bán ra cổ phiếu thay vì theo đuổi ý định mua thêm để trở thành cổ đông lớn.

Trường hợp khác là đại diện một DN ngành cơ khí điện, cũng đang niêm yết trên HNX, đã chia sẻ với lãnh đạo một CTCK khi anh này có ý định đầu tư vào DN: “Nói thật với anh, đợt trước, giá cổ phiếu của Công ty tự nhiên lên tận 70.000 đồng/CP, chúng tôi phải nghĩ mọi tin xấu có thể để công bố nhằm làm giảm giá…”. Lý do là, DN làm ăn ổn định, hiệu quả tương đối cao, nhưng chỉ muốn giá cổ phiếu thấp thôi, để cổ đông là cán bộ  công nhân viên đừng bán ra.

Đại diện DN cho biết, giai đoạn cổ phần hóa, ông đã phải đi gặp từng ngân hàng quen biết để đề nghị cho nhân viên công ty được vay tín chấp mua cổ phiếu. Theo ông, việc này sẽ giúp cán bộ công nhân viên tập trung làm việc tốt hơn, mang lại hiệu quả cao hơn cho DN. Và ông nói thẳng, ngoài lý do trên còn một lý do quan trọng nữa là ông  không muốn NĐT tổ chức mua cổ phiếu của DN, vì sợ sau mua xong, họ đẩy giá lên; khi đó, cán bộ công nhân viên sẽ bán hết, không còn nhiệt tình cống hiến cho DN.

Trong cả hai trường hợp trên, việc DN “khép lòng” đều có lý do “nhẹ nhàng”, bởi thói quen quản trị chưa cởi mở hoặc do nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề sở hữu cổ phiếu của người lao động và lợi ích của việc giá cổ phiếu tăng. Câu chuyện dưới đây thì lãnh đạo DN thực sự “khép lòng” với cổ đông chiến lược, mà nguyên nhân chỉ có thể giải thích bằng cách khác.

Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc của một DN niêm yết trên HNX đã nói thẳng khi có một nhóm NĐT về DN tìm hiểu để trở thành cổ đông chiến lược: “SCIC nắm 39%, V (tên một tập đoàn nhà nước) nắm 29%, thành viên HĐQT nắm 10% nên còn hơn 20% vốn bên ngoài, các anh có mua cũng không làm gì được đâu”. Sau đó khuyên: “Anh em có cổ phiếu thì bán hết đi, sang năm Công ty tệ lắm”. Vị lãnh đạo DN này nêu các điểm yếu kém về từng lĩnh vực hoạt động chính của DN, mà không hề biết rằng, trong số những người về DN tham quan, có người là chuyên gia trong lĩnh vực mà DN đang hoạt động. Nhóm NĐT khẳng định, nếu DN làm ăn minh bạch, lợi nhuận có thể gấp vài lần con số hiện tại, nhưng không tài nào thuyết phục được ông Chủ tịch “mở lòng” chia sẻ thông tin thực, cũng như chia sẻ quyền điều hành DN để thúc đẩy DN đi lên.

Có lãnh đạo DN còn “đánh lạc hướng” NĐT bằng cách gợi ý một cơ hội béo bở: “Nếu các anh thích, tôi sẽ giúp các anh đầu tư một DN quen biết (chưa niêm yết), chỉ tính vốn đầu tư thấp thôi, DN sẽ cho EPS cao lên, rồi các anh đẩy lên sàn, bán 5 - 7 ‘chấm’, tốt hơn là đầu tư vào công ty chúng tôi?”.

Những trường hợp nêu trên không phải là nhiều, nhưng vấn đề đại chúng hóa DN, phát huy được ưu điểm của nó thì là không dễ làm. Đôi khi, vấn đề nằm ở nhận thức và kiến thức của ban lãnh đạo DN, nhưng cũng có thể nó lại nằm ở lợi ích của một số cá nhân (lợi ích vật chất và quyền điều hành), trong khi khả năng giám sát độc lập của các cổ đông ngoài DN là rất hạn chế. Còn những NĐT lớn vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, nơi lãnh đạo DN thực sự là những người làm việc vì lợi ích tối cao của cổ đông.      

Bùi Sưởng

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Thị trường sắp có sóng theo ngành (10/12/2009)

>   Chứng khoán Nhất Việt thay đổi địa điểm trụ sở chính (09/12/2009)

>   GIL bổ sung mục đích sử dụng danh sách cổ đông (09/12/2009)

>   TDH và FPT khởi động dự án ERP SAP trị giá hơn 1 triệu USD (09/12/2009)

>   VFS thay đổi địa chỉ trụ sở chính  (09/12/2009)

>   Cần có chế tài thực hiện việc lưu ký tập trung (09/12/2009)

>   Giao dịch chứng khoán T+: Điều cần bàn luận (09/12/2009)

>   TTCK: Một năm nhìn lại (09/12/2009)

>   Tìm kênh đầu tư hiệu quả (09/12/2009)

>   HNX chấm dứt tư cách thành viên đối với CK Gia Anh (08/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật