Thứ Tư, 23/12/2009 06:15

Cổ phiếu ngành Nhựa: Triển vọng lợi nhuận 2010

Nhựa là một trong những ngành công nghiệp mới và là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây đạt khoảng 30%/ năm. Với mức P/E trung bình ngành là 7,6x khá thấp so với P/E thị trường là 12x nên cổ phiếu ngành nhựa rất hấp dẫn cho đầu tư dài hạn cũng như ngắn hạn.

Toàn ngành Nhựa hiện có khoảng 2.000 DN, 80% trong số đó là các DNNVV, trình độ công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu. Một thách thức khác là sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Khoảng 73% trong tổng số 70.000 lao động ngành này chưa qua đào tạo chuyên môn và chỉ có 1% lao động có bằng đại học chuyên ngành chất dẻo.

Triển vọng ngành

Hai tổ chức có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành Nhựa là Hiệp hội Nhựa VN và Hiệp hội Nhựa Sài Gòn với khoảng 800 hội viên. Công nghiệp Nhựa được xác định là ngành công nghiệp ưu tiên phát triển ở VN. Trong kế hoạch tổng thể phát triển ngành Nhựa đến năm 2010, Chính phủ chú trọng khuyến khích: Phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu cho ngành Nhựa; Phát triển sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao và sản phẩm nhựa xuất khẩu; Phát triển công nghiệp xử lý phế liệu, phế thải ngành nhựa.

Để có thể hoàn thành nhiệm vụ trên, Chính phủ chủ trương tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên liệu, bán thành phẩm, hoá chất, phụ gia, khuôn mẫu, thiết bị cho ngành nhựa, cũng như các nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa có công suất lớn, ứng dụng công nghệ và thiết bị hiện đại, đồng thời đầu tư mở rộng năng lực của một số nhà máy hiện có.

Biểu đồ chỉ số ROA (ảnh trái) và ROE (ảnh phải) của các cổ phiếu ngành nhựa

Hiện chỉ có PVC và một số bán sản phẩm của nó được sản xuất trực tiếp tại VN với khối lượng khiêm tốn (khoảng 200.000 tấn/năm). Việc chủ động nguồn nguyên liệu nội địa ngày càng trở nên bức thiết, và đây chính là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư và DN nước ngoài, đặc biệt là các nhà cung ứng thiết bị phục vụ sản xuất PP, PVC, PS và PE - những nguyên liệu cơ bản trong ngành gia công chất dẻo. Theo số liệu của Hiệp hội Nhựa VN, nhu cầu về nguyên liệu cho ngành Nhựa vào năm 2010 vào khoảng 4 triệu tấn, trong đó có 1,2 triệu tấn PP, 1,1 triệu tấn PE.

Cùng với sự phát triển của ngành Nhựa, thị trường máy móc thiết bị và khuôn mẫu cũng luôn sôi động và tăng trưởng mạnh mẽ. Cho đến nay, 85% thiết bị máy móc trong ngành Nhựa phải nhập ngoại, chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngành gia công chất dẻo đang từng bước trưởng thành và dần trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước. Cơ hội phát triển của ngành cũng là động lực thúc đẩy công nghiệp hoá dầu của VN phát triển. Đây cũng là tương lai hứa hẹn cho ngành Nhựa VN.

Lĩnh vực ứng dụng quan trọng nhất của các sản phẩm nhựa VN là trong ngành bao bì, chiếm 40% giá trị toàn ngành, tiếp theo là các sản phẩm dân dụng (30%), ngành xây dựng (18%) và nhựa kỹ thuật cao (12%). Sản xuất chất dẻo trong nước hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 10 - 15% nhu cầu gia công, tỷ lệ này cần phải được nâng lên thành 50% vào năm 2010. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu đã có tác động tiêu cực lên toàn ngành, khi giá nhựa nguyên liệu trên thế giới biến động mạnh trong đợt đầu năm 2006.

ROE (thu nhập trên vốn cổ phần)  và ROA (tỷ số lợi nhuận ròng/tài sản) trung bình của ngành Nhựa lần lượt là 12,22 và 23,71. Tỷ suất sinh lợi của các DN trong ngành nhựa khá hấp dẫn khi chỉ số ROA và ROE trong những năm gần đây luôn duy trì ở mức cao ngay cả trong suy thoái kinh tế. Năm 2008, mức ROA và ROE của toàn thị trường thấp và đạt khoảng 5,8% và 14,7% trong khi các DN trong ngành có tỷ suất cao hơn hẳn, đặc biệt là các DN niêm yết trên sàn như: BMP (ROA18% và ROE 21%), NTP (ROA 21,1% và ROE 41,3%)...

Mức phục hồi của các DN ngành nhựa cũng khá tốt. Trong thời gian qua, các cổ phiếu ngành nhựa đã có sự phục hồi đáng kể, trong đó BMP tăng 4,3 lần so với mức đáy, NTP và TTP cũng có mức tăng cao khoảng 300% so với mức thấp nhất trong năm 2009. Thêm vào đó là mức giá của các DN nhựa vẫn còn khá thấp. Vì vậy với tiềm năng tăng trưởng tốt và triển vọng lợi nhuận cao trong năm tới, các cổ phiếu ngành nhựa đang trở nên hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư dài hạn và ngắn hạn.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Cty CP chứng khoán SaiGonBank Berjaya: Đối với thị trường miền Nam, Cty CP Nhựa Bình Minh (BMP) luôn được xem là “Bluechips” ngành nhựa.

Kết thúc 3 quý đầu năm 2009, doanh thu thuần của BMP là 801 tỷ đồng, hoàn thành 98% kế hoạch doanh thu cho cả năm. BMP chiếm lĩnh thị trường phía Nam và được xem là một trong những DN hàng đầu ngành nhựa. Ước tính doanh thu của BMP cho cả năm 2009 khoảng 1.151 tỷ đồng, cao hơn 40% so với kế hoạch doanh thu cho cả năm. Và doanh thu ước tính cho năm 2010 là 1.266 tỷ đồng, tăng 15% so với doanh thu 2009.

BMP là DN hoạt động hiệu quả nhất trong ngành, dự tính ROA và ROE của BMP trong năm 2009 là khoảng 34% và 38%. Với mức giá hiện nay là 107.000 VND. Ước tính P/E 2010 là 6,9x là khá rẻ. Cổ phiếu BMP đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Ông Trịnh Minh Hoàng - Cty CP chứng khoán Bảo Minh: Có thể thấy hiệu quả sử dụng tài sản của ngành Nhựa là khá tốt do quy mô đầu tư cho các hoạt động sản xuất không cao, làm cho tốc độ quay vòng của sản phẩm và khả năng thu hồi vốn nhanh.

Chiếm lĩnh thị phần ngành Nhựa  miền Bắc là Cty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP). Đây được xem là DN lớn trong ngành Nhựa tại thị trường miền Bắc. Kết  thúc 3 quý đầu năm 2009, doanh thu thuần của NTP đạt 1.089,9 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2008 và hoàn thành 96,5% kế hoạch năm 2009. Lợi nhuận sau thuế đạt 264,6 tỷ đồng, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2008 và vượt kế hoạch cả năm là 66,4%. Với nhu cầu đối với vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010, dự kiến doanh thu của NTP năm 2010 khoảng 1.692 tỷ đồng, tương ứng 15%.

Tăng trưởng NTP năm nay khoảng 301 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2008. ROA và ROE lần lượt là 36,9%, 57%. Ước tính chỉ số P/E năm 2010 của NTP là 5,8%, đây là mức khá thấp. Cổ phiếu này cũng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Hải Ngọc

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   VnExpress tiếp tục công bố 100 người giàu nhất TTCK 2009 (22/12/2009)

>   Tổng công ty Sông Đà thành lập thêm công ty con (22/12/2009)

>   Lại lo trích lập dự phòng  (21/12/2009)

>   Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 40% cổ phiếu FPT (21/12/2009)

>   Lúng túng thực hiện thuế thu nhập chứng khoán (21/12/2009)

>   "Kê toa" cho thị trường (21/12/2009)

>   Hết quý 2/2010 kinh tế sẽ lại nóng lên (20/12/2009)

>   Hình thành các broker chuyên nghiệp (19/12/2009)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm sắp đổ bộ lên sàn (18/12/2009)

>   Ai sẽ cứu thị trường lúc này? (18/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật