Lại lo trích lập dự phòng
Nếu thị trường tiếp tục giảm, việc trích lâp dự phòng đầu tư chứng khoán sẽ lại là gánh nặng với một số CTCK, nhất là với những công ty tham gia bắt đáy trong các đợt bulltrap vừa qua.
Ông Trần Thiên Hà, Giám đốc CTCK An Phát chia sẻ, cho đến thời điểm này, giá trị chứng khoán niêm yết của An Phát chỉ còn khoảng 3 tỷ đồng. An Phát đã hoàn thành lợi nhuận năm với lãi khoảng hơn 30 tỷ đồng. Nếu phải trích lập dự phòng thì ước tính công ty này chỉ phải trích lập khoảng 1 tỷ đồng nữa. Dự báo được xu thế của thị trường, An Phát đã "khóa chức năng đặt lệnh của tự doanh" suốt thời gian qua không tham gia bắt đáy thị trường.
An Phát là một trong những CTCK nhỏ, nhưng dù nhỏ cũng vẫn là một công ty đại chúng và vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ mà ĐHCĐ giao. Giữ tâm lý thận trọng với thị trường, một số CTCK đã đứng ngoài thị trường để bảo toàn lợi nhuận thu được từ đầu năm đến nay, đặc biệt là các CTCK quy mô vừa và nhỏ như An Phát.
Thế nhưng, một vài CTCK khác lại giải ngân khá nhiều do hy vọng thị trường sẽ sớm phục hồi trở lại. Theo thông tin của ĐTCK, cách đây hai tuần nhiều CTCK đã giải ngân từ tài khoản tự doanh, tham gia bắt đáy hai lần khi thị trường tăng điểm ở mốc 520 điểm và 450 điểm. Cũng không ít CTCK lại có những khoản đầu tư dài hạn, mua đúng vào thời điểm tháng 9, tháng 10/2009 và hiện đang lỗ 20 - 30% đối với khoản đầu tư này. Việc mua dần theo giá xuống khiến một số CTCK gần cạn tài khoản tự doanh nên phải dùng vốn vay để mua bắt đáy, lướt sóng sau một, hai phiên hoặc ngay trong phiên để giảm giá vốn.
Điều gì xảy ra nếu vào ngày chốt sổ của năm nay, thị trường vẫn giữ như mức hiện nay ở 440 điểm? Hiện, những cổ phiếu mà DN đại diện có đầu tư tài chính lớn như SAM và REE cũng đã giảm giá rất mạnh theo xu thế chung của thị trường.
Cách đây một tháng khi đầu tư vào cổ phiếu của CTCK, NĐT kỳ vọng lợi nhuận của những công ty này tăng lên nhờ lợi nhuận từ tự doanh lớn sau các đợt sóng của thị trường, đồng thời, khoản hoàn nhập từ trích lập dự phòng cũng rất lớn khi cuối năm VN-Index được xác định ở mức 600 điểm.
Nhưng dường như tình hình đã đảo ngược hoàn toàn. Lợi nhuận tự doanh hay trích lập dự phòng của các CTCK đang là một ẩn số, phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến thị trường trong hai tuần cuối của năm. Ngay cả lợi nhuận của CTCK năm 2009 cũng sẽ là sự bất ngờ của thị trường.
Nếu thị trường giữ được mức điểm như hiện nay, có thể lợi nhuận của CTCK sẽ không gây thất vọng quá lớn cho NĐT. Nhưng nếu thị trường tiếp tục giảm và thanh khoản yếu, chắc rằng lợi nhuận của CTCK là điều mà NĐT phải cảnh giác.
Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 12 này, do các nhà ĐTNN nghỉ lễ như thông lệ mọi năm, nên thị trường chỉ còn giao dịch của NĐT trong nước. Xu thế thị trường sẽ bộc lộ rõ trong tuần này bởi trong những phiên giảm điểm thời gian qua, nhà ĐTNN đã mua phần lớn những mã cổ phiếu họ yêu thích như DIG, HAG, NTP…, cũng là những mã cũng có ảnh hưởng đến nhất định thị trường. Khi không còn lực đỡ này, thị trường sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tâm lý NĐT trong nước.
Có những hồ nghi rằng, đến thời điểm chốt báo cáo tài chính cuối năm 31/12, những thế lực có quyền lợi liên quan trong đó có các CTCK sẽ đẩy thị trường lên để có một báo cáo đẹp. Tuy nhiên, đến giờ phút này, khả năng đó là rất mong manh nếu không có thông tin hỗ trợ của kinh tế vĩ mô. Lý do là một vài CTCK lớn đều đã giải ngân vào thị trường và đang kẹt hàng. Không chỉ CTCK kẹt mà các NĐT lớn ở các công ty này cũng bị kẹt hàng. Thông thường, để đẩy thị trường lên, CTCK cần liên kết với các NĐT lớn và tạo điều kiện cho nhóm này mua vào và quay vòng vốn.
Trong đợt giảm điểm mạnh của thị trường vừa qua, nhiều NĐT lớn sử dụng đòn bẩy tài chính bị thiệt hại nặng nề. Chẳng hạn, NĐT có 1 tỷ đồng, vay 3 tỷ đồng để chơi và cắt lỗ ở mức 20% thì tài sản hiện chỉ còn 200 triệu đồng. Với giá trị tài sản còn lại NĐT chỉ có thể vay thêm 600 triệu đồng để tiếp tục đầu tư. Điều đó có nghĩa, thanh khoản của thị trường khó có thể tăng cao như trước khi giá trị tài sản của NĐT đã giảm mạnh theo thị trường?
An Nam
Đầu tư chứng khoán
|