Thứ Tư, 04/11/2009 10:02

VN-Index chạm vào vùng kháng cự mạnh

Không lâu sau khi vượt lên trên mức 600 điểm, VN-Index đã dần lùi về dưới mốc này, trong đó có những phiên đỏ sàn hàng loạt như ngày 2/11 VN-Index mất tới 25,53 điểm. Sở dĩ ngưỡng điểm 600 khá nhạy cảm bởi trong xu thế hiện nay đây là vùng kháng cự mạnh. Để phân tích sâu mức ngưỡng này, trước hết cần nói qua một số khái niệm về việc xác định thế nào là ngưỡng kháng cự, ngưỡng hỗ trợ.

Kháng cự, hỗ trợ nên hiểu thế nào cho đúng?

Cho đến nay, khái niệm về các mức ngưỡng kháng cự, hỗ trợ đang có một sự nhập nhằng và đôi khi bị lạm dụng. Không biết có phải do các nguồn tiếp nhận kiến thức khác nhau hay không mà các mức kháng cự, hỗ trợ được đưa ra một cách bừa bãi không dựa trên một cơ sở hay một chuẩn mực nào. Điều này không chỉ giữa các nhà phân tích của các CTCK khác nhau, mà ngay trong dự đoán hàng ngày của một CTCK cũng đưa ra các mức thay đổi liên tục.

Đơn cử gần nhất, ngày 26/10/2009, CTCK Bảo Việt (BVSC) đưa mức 605 điểm là ngưỡng hỗ trợ nếu thị trường đi xuống, tiếp đó là 595 điểm là ngưỡng hỗ trợ tiếp theo nếu thị trường tiếp tục đi xuống. Rồi ngày 30/10, lại cũng BVSC đoán mức hỗ trợ tiếp theo là 572 điểm, 550 - 543 điểm. Nghĩa là thị trường rớt đến đâu các nhà phân tích đưa ra mức hỗ trợ tiếp theo đến đó. Tại các mức hỗ trợ này, độ chênh lệnh chỉ xê xích vài chục điểm, có khi chỉ dao động trong khoảng từ 5 - 10 điểm. CTCK Âu Việt, ngày 27/10 dự đoán mức 600 điểm là mức hỗ trợ mạnh, nhưng ngay ngày hôm sau (tức là ngày 28/10) đã hạ thấp mức hỗ trợ xuống còn 590 điểm và ngày 30/10 ngưỡng hỗ trợ lại là 575 - 550 điểm… Với việc thay đổi này, ngay cả giới phân tích chuyên nghiệp lâu năm cũng còn thấy rối tung rối mù, chứ đừng nói đến các NĐT chưa biết và hiểu nhiều về thị trường, cũng như những kiến thức cơ bản.

TTCK Việt Nam có 10 năm hoạt động, đã đến lúc cần phải hoàn chỉnh một số khái niệm cơ bản trong việc phân tích, dự đoán thị trường và các chỉ số. Theo một số CTCK, cơ sở để họ đưa ra các mức kháng cự, hỗ trợ là tính theo tỷ lệ phần trăm. Nghĩa là các chỉ số chuyển động tới một mức phần trăm nào đó (dao động trong khoảng từ 15 - 30%) thì sẽ dừng lại và điều chỉnh bằng những phiên đi ngang và các mức đó họ gọi là kháng cự hay hỗ trợ tuỳ theo biến động trên thị trường. Không biết khái niệm này do cách truyền tải của người dịch hay sự hiểu nhầm của người tiếp nhận kiến thức. Trên thực tế, những phiên dừng lại rồi tiếp tục đi lên hay đi xuống theo xu thế chung của thị trường chỉ là những phiên điều chỉnh chứ không thể gọi là các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ. Vì theo lý thuyết Dow thì các mức ngưỡng này không dựa theo một tỷ lệ phần trăm mà nó dựa vào những biến động trong quá khứ, tức là tại mức đó có một số lượng cổ phiếu trao tay rất lớn dẫn đến việc đảo chiều xu thế (cấp 1, cấp 2…). Chính vì vậy, để xác định được "vùng có vấn đề đó" không chỉ kiến thức là đủ mà đòi hỏi phải có kinh nghiệm lâu năm và trực giác tốt của NĐT. Kháng cự và hỗ trợ không phải là một điểm mà nó nằm trong một vùng. Cơ sở để xác định vùng kháng cự, hỗ trợ là "khối lượng giao dịch lớn", tại đó có một lượng cổ phiếu trao tay rất lớn. Xác định được các mức ngưỡng kháng cự, hỗ trợ này rất quan trọng. Tìm ra được nó, NĐT sẽ đưa ra được thời điểm mua - bán cổ phiếu. Đó là bí quyết thành công của người kinh doanh cổ phiếu.

VN-Index 600 điểm là vùng kháng cự mạnh

Thử nhìn biểu đồ chỉ số VN-Index chuyển động trong hơn 3 năm trở lại đây, ta thấy các vùng kháng cự, hỗ trợ thể hiện khá rõ theo quy luật bình thường. Tại các mức A, B, C (tức là vùng trên dưới 600 điểm) trong quá khứ, ta thấy VN-Index hầu như đều bị đổi chiều xu thế đi xuống (ngắn hạn lẫn dài hạn) trong cả xu thế tăng giá và xu thế giảm giá. Những mức này có thể xác định là ngưỡng kháng cự mạnh và khá chính xác. Khi VN-Index chuyển động đến gần vùng này, NĐT có thể xác định được khả năng đổi chiều xu thế trong ngắn hạn có thể xảy ra. Kháng cự có thể chuyển thành hỗ trợ khi đổi chiều xu thế dài hạn (cấp 1) sẽ diễn ra.

Mức 400 điểm tại các điểm A', B', C' có thể coi là vùng hỗ trợ. Tại các ngưỡng này, VN-Index đều có biến động đổi chiều xu thế đi lên. Chỉ số VN-Index trong xu thế lên giá từ 230 điểm đến 600 điểm, đã từng một lần chạm vào ngưỡng kháng cự tại vùng 510 - 525 điểm và đổi chiều xu thế đi xuống trong ngắn hạn. Mức 400 điểm vẫn là mức hỗ trợ đưa giá cổ phiếu quay trở lại xu thế lên giá. Tại TTCK Việt Nam, NĐT chủ yếu kinh doanh ngắn hạn nên áp lực chốt lời rất lớn. Khi VN-Index chạm vùng kháng cự, không chỉ số lượng cổ phiếu tồn đọng tại đây bán ra để tránh thua lỗ mà áp lực chốt lời ngắn hạn cũng rất lớn. Vì vậy, thị trường thường có những phiên giảm mạnh và sâu. Trong các phiên giao dịch ngày 2 - 3/11 vừa qua, dù Chính phủ đã thông qua gói kích cầu thứ hai, nhưng vì VN-Index đang chạm vào vùng kháng cự mạnh nên thông tin trên đã không tác động nhiều đến tâm lý các NĐT. Việc VN-Index giảm hơn 20 điểm trong hai phiên gần đây nhất cho thấy, khi thị trường đứng giá và đi xuống, lượng cổ phiếu xả ra lớn đến mức nào.

Mặc dù vùng 600 điểm là vùng kháng cự khá mạnh trong xu thế tăng giá, nhưng với lượng tiền luân chuyển trung bình lớn như thơìi gian qua (khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng/ngày) cho thấy, khả năng những phiên điều chỉnh sẽ không kéo dài và thị trường sẽ lại tiếp tục xu thế tăng giá. Để xác định xu thế tiếp theo có lẽ còn phải chờ thêm vài phiên phiên nữa để định dạng các mô hình trên đồ thị sắp tới.

Mai Ly

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Nhiễu tin (04/11/2009)

>   UPCoM-Index biến động theo chu kỳ (04/11/2009)

>   OTC: Nhà đầu tư đánh khống thua lỗ  (04/11/2009)

>   UPCoM không đủ sức bứt phá  (03/11/2009)

>   Tâm lý hay áp lực cung tiền thắng thế? (03/11/2009)

>   Xả hàng trả nợ (03/11/2009)

>   UPCoM-Index lùi về mức 70 điểm (02/11/2009)

>   Săn cổ phiếu sắp chào sàn (02/11/2009)

>   “Sóng” tài chính có trở lại ? (02/11/2009)

>   Thị trường sẽ dao động mạnh (02/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật