Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm tăng đột biến
Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển có tỷ lệ bồi thường đến 56,8%
|
Giảm được sự cạnh tranh bằng hạ phí, thị trường bảo hiểm trong 10 tháng năm 2009 đang phải đối mặt một thách thức không nhỏ, đó là tỷ lệ bồi thường tăng đột biến. Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, toàn thị trường đã giải quyết bồi thường 3.540 tỉ đồng, chiếm 35,9% doanh thu, trong đó, các doanh nghiệp có tỉ lệ bồi thường cao gồm: AIG 70,4%, Bảo Minh 57,8%, QBE 49%.
Các nghiệp vụ có tỉ lệ bồi thường cao gồm: bảo hiểm hàng hóa vận chuyển 56,8%; bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản 49,7%; bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người 48,4% và bảo hiểm xe cơ giới 45,1%; tương ứng với các nghiệp vụ này, các doanh nghiệp có tỉ lệ bồi thường cao gồm: PVI 293,6%; QBE 208%; PJICO 65,6% và VIA 93,7%.
Doanh thu toàn thị trường vẫn đạt 9.857 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu cao là Bảo Việt: 2.672 tỉ đồng (tăng 10%), PVI: 2.131 tỉ đồng (tăng 28,2%), Bảo Minh: 1.374 tỉ đồng (giảm 4,6%), PJICO: 897 tỉ đồng (tăng 22%) và PTI: 283 tỉ đồng (giảm 4,3%).
Doanh thu tăng nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt với một thách thức không nhỏ, đó là tỷ lệ bồi thường cao đột biến. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ bồi thường cao là do tổn thất nặng nề từ cơn bão số 9 vừa qua. Các nghiệp vụ chịu thiệt hại chính là bảo hiểm tài sản và bảo hiểm hàng hải.
Cho đến nay, theo số liệu thống kê từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm, con số thiệt hại về người và tài sản đã phát sinh đơn yêu cầu bồi thường lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó: Bảo Việt 80 tỉ đồng, BIC 78 tỉ đồng, PVI 2 triệu USD, PTI 30 tỉ đồng, PJICO 6 tỉ đồng và Viễn Đông 5,5 tỉ đồng.
Sắp tới Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm sẽ tiến hành xây dựng Quy trình giải quyết bồi thường chung cho toàn thị trường và nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới được chọn để áp dụng đầu tiên.
Theo ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đây sẽ là một thuận lợi lớn cho nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới bởi việc quy trình giải quyết bồi thường mới sẽ giảm được các thủ tục hành chính rườm rà, thuận lợi cho khách hàng cũng như người giải quyết bồi thường, từ đó nâng cao được uy tín của doanh nghiệp, hạn chế tối đa tình trạng trục lợi bảo hiểm vốn khá phổ biến trong nghiệp vụ này.
Lan Hương
TBKTVN
|