DN bảo hiểm tìm kiếm đối tác chiến lược: Không dễ!
Với mục tiêu củng cố sức mạnh nội tại và tăng khả năng cạnh tranh, không ít DN bảo hiểm đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược. Để tìm được đối tác vừa là cổ đông vừa là khách hàng là điều không dễ dàng khi số DN bảo hiểm có nhu cầu tìm kiếm đối tác chiến lược là khá nhiều. Trong khi đó, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước lại gặp nhiều khó khăn về tài chính bởi dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế.
CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) vừa công bố hai đối tác chiến lược là CTCP Đồng Tâm và CTCP Đầu tư và Thương mại Việt Tín. Trên thực tế, VASS đã có quan hệ kinh doanh với Tập đoàn Đồng Tâm từ những năm trước. Với việc chính thức trở thành cổ đông chiến lược, Đồng Tâm sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ của VASS. Hiện Đồng Tâm là một trong những nhà sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản lớn, có mạng lưới hoạt động rộng. Tuy nhiên, do số vốn điều lệ tăng khá lớn (từ 300 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng), hai đối tác chiến lược kể trên cũng chưa mua hết số cổ phần mà VASS phát hành lần này. Mặc dù vậy, trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch VASS vẫn tin tưởng sẽ thực hiện thành công đợt tăng vốn cho đối tác chiến lược do ngành bảo hiểm còn nhiều tiềm năng.
Mặc dù đã lên sàn cách đây 2 năm và có thương hiệu của ngành dầu khí đứng sau, nhưng đến nay CTCP Bảo hiểm Dầu khí (PVI) vẫn chưa tìm thêm được đối tác chiến lược. Ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI cho biết, hiện Tổng công ty vẫn đang trong quá trình đàm phán với các đối tác. Một trong nhiều tiêu chí trở thành cổ đông chiến lược của PVI là phải là có tiềm lực tài chính mạnh.
Tại Tập đoàn Bảo Việt, ngoài cổ đông sáng lập là HSBC còn có Vinasin - một đơn vị có hàng trăm DN thành viên hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, mới đây Vinashin đã phải thực hiện thoái vốn cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) để tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính. Việc tiếp nhận SCIC với vai trò là cổ đông chiến lược của Bảo Việt có thể nói là khá miễn cưỡng. Bởi Vinashin với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh rộng, giá trị lớn, có thể thực hiện nhiều hợp đồng bảo hiểm với Bảo Việt, trong khi SCIC chỉ là một định chế có hoạt động đầu tư tài chính là chủ yếu. Ở một góc độ nào đó, hai DN trùng lắp lĩnh vực hoạt động và khó hỗ trợ nhau trong kinh doanh.
Một nguồn tin từ CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cho biết, DN này đã đạt được thỏa thuận với Swee Ree (tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu Thụy Sỹ) về việc phối hợp thiết kế các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn… Về lâu dài, ABIC nhắm đến Swee Ree như một đối tác chiến lược. Sở dĩ ABIC lựa chọn DN này vì phía sau một DN bảo hiểm bao giờ cũng là một nhà tái bảo hiểm để chia sẻ các rủi ro.
Tranh thủ sự hồi phục của TTCK, hiện nhiều DN đang đi tìm đối tác để nâng sức cạnh tranh của DN. Nhưng làm thế nào để tìm được đối tác vừa là cổ đông lại vừa là khách hàng thì không hề đơn giản.
Theo phân tích của CTCK Thăng Long, tiềm năng phát triển của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn còn rất lớn, bởi Việt Nam vẫn là nước đang phát triển và đang trong giai đoạn phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có mối liên hệ chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, tăng trưởng các ngành năng lượng, xây dựng, vận tải... Tiềm năng phát triển ngành lớn nhưng mức độ gia nhập ngành cũng lớn. Bộ Tài chính đang dần dần dỡ bỏ rào cản gia nhập cho các DN bảo hiểm nước ngoài theo cam kết lộ trình gia nhập WTO. Một loạt công ty bảo hiểm mới xuất hiện trên thị trường như Bảo hiểm Hùng Vương, AAA, Ace None Life, AIG Non Life…, trong khi thị trường đang khó khăn, phí bảo hiểm giảm, tỷ lệ bồi thường cao sẽ là những khó khăn lớn cho các DN bảo hiểm. Thực tế, trong năm 2008, phần lớn DN bảo hiểm theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có kết quả kinh doanh bảo hiểm thua lỗ, nhưng nhờ có hoạt động tài chính bù đắp lại. Trong thời gian tới, xu hướng này cũng khó thay đổi.
Vậy nhưng, ngành bảo hiểm vẫn có một lợi thế khá lớn về tiềm năng, bởi hiện nay ý thức tham gia bảo hiểm của người dân và các DN vẫn còn thấp, doanh thu phí bảo hiểm chưa tương xứng với quy mô nền kinh tế, mức độ xâm nhập của ngành bảo hiểm tính đến cuối năm 2008 chỉ đạt khoảng 0,73% GDP, mức thấp so với mức trung bình của thế giới là 2,1% GDP. Đó có thể là một trong những yếu tố hấp dẫn các NĐT nước ngoài mua cổ phần của DN bảo hiểm Việt Nam, thay vì lập công ty mới hoặc chi nhánh với chi phí gia nhập thị trường không phải là nhỏ.
Đông Hải
đầu tư chứng khoán
|