Bảo hiểm tiền gửi còn 'vướng' nhiều rào cản
Tính phí bảo hiểm tiền gửi (BHTG) theo mức độ rủi ro của ngân hàng được coi là bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, có lợi cho người gửi tiền, hệ thống ngân hàng và tổ chức BHTG. Tuy nhiên, việc triển khai phương pháp này đến nay vẫn vướng.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó TGĐ BHTG Việt Nam, cho biết thế giới đã có hơn 60 quốc gia đang áp dụng phí BHTG dựa trên mức độ rủi ro của ngân hàng và con số này vẫn đang tăng lên.
Minh bạch của hệ thống
Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn đang áp dụng chính sách phí BHTG đồng hạng, không dựa trên cơ sở mức độ rủi ro của mỗi ngân hàng, không phù hợp với nguyên tắc thị trường. Theo đó, tất cả các tổ chức tham gia BHTG dù xấu hay tốt đều áp chung mức phí 0,15% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm.
Cách tính như vậy sẽ thuận lợi và dễ dàng khi triển khai, nhưng không tạo được động lực thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và đảm bảo an toàn giữa các tổ chức tín dụng. Trong khi việc áp dụng phí trên cơ sở mức độ rủi ro tuy phức tạp hơn, nhưng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đúng với định hướng phát triển kinh tế thị trường.
TS Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng: “Cách tính phí này, theo tôi, nó cũng như một tín hiệu phát ra để nhắc nhở cho ngân hàng đó biết mình đang ở vị trí nào.
Nếu mức phí thấp có nghĩa là chất lượng hoạt động của ngân hàng đó đang tốt, cố gắng phát huy. Còn nếu mức phí cao có nghĩa là chất lượng hoạt động của mình đang có vấn đề thì điều đó càng thôi thúc mình phải phấn đấu để vượt qua trạng thái đó”.
“Đề án phí trên cơ sở rủi ro thực sự sẽ giảm thiểu rủi ro cho chính doanh nghiệp và người gửi tiền. Các tổ chức tín dụng sẽ luôn phải cố gắng trong hoạt động kinh doanh để giảm phí và điều đó góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp. Và cái được lớn nhất là tính an toàn của cả hệ thống tài chính ngân hàng”, TS Dương Thu Hương nói thêm.
Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống phí này còn giúp tổ chức BHTG nâng cao hiệu quả hoạt động một cách đồng bộ theo mô hình giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, cho người gửi tiền và cho chính quỹ nghiệp vụ bảo hiểm;
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm quyết định các tình huống chính sách trong khung pháp luật quy định, chủ động hơn trong hoạt động và nâng cao năng lực tài chính. Từ đó, tạo cơ sở để thực hiện tốt hơn chính sách bảo vệ người gửi tiền của Chính phủ, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Còn nhiều rào cản
BHTG theo mức độ rủi ro của ngân hàng như vậy có thể coi là công cụ hữu hiệu để "đo lường", giám sát, dự báo, cảnh báo và thực thi biện pháp đảm bảo “sức khỏe” của các tổ chức tín dụng. Việc áp dụng chính sách mới sẽ giúp các ngân hàng tự quản lý tốt hơn và chủ động trong hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống này ở Việt Nam không hề dễ dàng.
TS Dương Thu Hưong cho biết, “khó khăn lớn nhất là phải đưa ra được phương pháp tính phí mang tính thuyết phục, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Tức là nó đảm bảo các điều kiện như tạo ra sự công bằng giữa các tổ chức tín dụng, theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Đó cũng chính là cơ sở quan trọng để tạo sự đồng thuận đối với các đối tượng mà chính sách hướng tới như tổ chức tham gia BHTG, người gửi tiền và các cơ quan quản lý Nhà nước”.
Thêm vào đó, theo bà Hương, “đây là một vấn đề mới, còn nhiều quan điểm khác nhau vì vậy cần phải tìm được tiếng nói chung để bảo đảm lợi ích của các ngân hàng thương mại và sự an toàn của toàn hệ thống ngân hàng trong quá trình hội nhập”.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, thì “có những rào cản từ phía một số ngân hàng hoạt động chưa tốt hoặc chưa sẵn sàng hội nhập, còn khó khăn về cơ sở dữ liệu thông tin. Mặt khác, một số ý kiến cho rằng, chế độ phí đồng hạng hiện nay đơn giản, dễ áp dụng và quản lý.
Cũng có ý kiến e ngại nếu thông tin về mức độ xếp hạng bị "rò rỉ" ra bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh. Đồng thời, việc xác định cơ quan tổ chức nào có trách nhiệm trong việc đánh giá, xếp hạng tổ chức tín dụng cũng là việc khó khăn bởi đó là cơ sở để xác định mức phí”.
Mặc dù vậy, ông Dũng cho biết, những vấn đề trên chủ yếu là trở ngại về mặt kỹ thuật đã được đề án tính phí BHTG tính đến giải pháp. Vấn đề khó khăn lớn nhất là sự chưa đồng thuận giữa cái mới và cái cũ.
“Quá trình đổi mới luôn phải giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ. Thực tế cho thấy, cái mới luôn gặp trở ngại nhưng cuối cùng đều được chấp nhận”, ông Dũng nói. Tuy nhiên, ông cho rằng, “đã đến lúc chuyển sang cái mới sau 10 năm thực hiện cái cũ”.
Cũng đồng quan điểm, TS Dương Thu Hương nhận định, “hệ thống tài chính nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với những lộ trình và cam kết quốc tế. Sử dụng công cụ bảo hiểm tiền gửi cũng là một biểu hiện của sự hội nhập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Chính phủ.
Việc áp dụng mức phí trên cơ sở rủi ro là theo thông lệ quốc tế về hoạt động BHTG. Đề án càng sớm được áp dụng càng tốt, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính ngân hàng nước ta”.
Vượt khủng hoảng bằng bảo hiểm tiền gửi
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều mô hình BHTG khác nhau, nhưng từ kinh nghiệm của chúng tôi, qua các cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua thì có thể thấy rằng, hệ thống BHTG hiệu quả phải có được năng lực cũng như quyền hạn đủ để có thể can thiệp vào cuộc khủng hoảng này. Một hệ thống BHTG hiệu quả cũng có nghĩa là nó phải có quyền hạn đủ để có thể đóng góp cho sự ổn định của hệ thống tài chính.
Đối với một hệ thống BHTG, chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của nó, cần phải nâng cao được nhận thức của công chúng về hệ thống BHTG. Hệ thống BHTG hiệu quả cũng có nghĩa người ta sẽ đặt ưu tiên là vai trò bảo vệ người gửi tiền lên trên tất cả những ưu tiên khác đối với hệ thống tài chính.
Như vậy, có thể thấy, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức BHTG là rất rõ ràng. Đó là: Tổ chức BHTG phải có chức năng can thiệp sớm vào hoạt động của những tổ chức tham gia BHTG gặp vấn đề và xử lý đổ vỡ theo nguyên tắc chi phí tối thiểu. Điều tồi tệ nhất là ngân hàng hoạt động yếu kém và buộc phải đi đến phá sản, chi phí đóng cửa một ngân hàng như thế là rất lớn.
... Nhìn vào cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, chúng ta thấy, quốc gia nào có hệ thống BHTG mạnh thì quốc gia đó cũng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này nhanh hơn, bởi vì xét cho cùng thì đó chính là “câu chuyện” về lòng tin đối với hệ thống tài chính.
Jean Pierre Sabourin - Tổng Giám đốc Tổng Công ty BHTG Malaysia
Hải Đăng
VIETNAMNET
|