Doanh nghiệp bảo hiểm: “Cố thủ” thị trường nội địa
Cùng trong khối tài chính, nhưng nếu như trong lĩnh vực ngân hàng, chuyện đầu tư ra nước ngoài không còn là mới lạ thì các DN bảo hiểm, đặc biệt là khối bảo hiểm phi nhân thọ (ngoài BIC đã đầu tư sang Lào vào Campuchia), hầu hết đều chưa có động tĩnh gì trong việc “mang chuông đi đánh xứ người”. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nội lực của hầu hết DN còn yếu, thị trường trong nước vẫn còn khá nhiều khoảng trống chưa thể lấp đầy...
Tiên phong…
Là DN tiên phong thực hiện chiến lược đầu tư mở rộng thị trường ra các nước láng giềng, tháng 6/2008, BIC đã thành lập và đưa vào hoạt động Liên doanh Bảo hiểm Lào - Việt (LVI) tại Lào với 2 đối tác là Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) và Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (LVB). Đến tháng 8/2009, BIC được giao quản lý và điều hành hoạt động Công ty Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI) do BIDV thành lập tại Campuchia. Như vậy, tới thời điểm hiện nay, BIC là công ty bảo hiểm đầu tiên của Việt Nam triển khai đầu tư, kinh doanh tại địa bàn 3 nước Đông Dương.
Bắt đầu khảo sát, nghiên cứu thị trường bảo hiểm của Lào và Campuchia từ năm 2007, ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc BIC cho biết, thị trường bảo hiểm của Lào tuy không lớn nhưng có ít DN bảo hiểm hoạt động và là thị trường hoạt động khá chuyên nghiệp, có chất lượng quản lý rủi ro tốt… Quyết định đầu tư sớm vào Lào là bước đi quan trọng để chiếm lĩnh thị trường khi mức độ cạnh tranh còn chưa cao để xác lập lợi thế kinh doanh của Công ty.
Thực tế thì việc đầu tư sang Lào của BIC có thuận lợi nhờ BIDV đã có Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt hoạt động 9 năm trên thị trường này. Đối tác trong liên doanh là Ngân hàng Ngoại thương Lào, là ngân hàng lớn nhất ở đây, có hệ thống mạng lưới rộng khắp và số lượng khách hàng rất lớn. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư của DN Việt Nam sang Lào đang tăng mạnh, mối quan hệ tốt đẹp hữu nghị hai nước đã giúp LVI tạo được lợi thế cạnh tranh. Ngay trong năm đầu tiên thành lập, LVI đã nhanh chóng thiết lập được hệ thống bán hàng, các kênh phân phối rộng khắp 17 tỉnh, thành của Lào. Từ giữa năm 2009, doanh thu của LVI đã tăng nhanh chóng, trung bình tăng 30% qua mỗi tháng.
Ngoài thị trường Lào, từ tháng 8/2009, BIC được giao quản lý, điều hành toàn diện Công ty Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam, đây là công ty bảo hiểm có vốn 7 triệu USD được thành lập tại Campuchia từ nguồn vốn của BIDV thông qua Công ty Đầu tư tài chính IDCC. Theo ông Tùng, với hệ thống kinh doanh trong nước đang dần ổn định, cùng 2 công ty LVI và CVI sẽ giúp BIC liên kết phát triển trên thị trường Đông Dương. Quan trọng hơn, đây là bước thử nghiệm để BIC tiếp tục bước ra các thị trường khác. “Việc đầu tư ra nước ngoài không những mang lại lợi ích trực tiếp cho BIC mà còn góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của ngành bảo hiểm Việt Nam. Đối với các công ty bảo hiểm khác, nếu có khách hàng, dịch vụ tại 2 thị trường này có thể thông qua LVI, CVI để cấp đơn và tái bảo hiểm chỉ định về Việt Nam. Đây là mô hình hiệu quả không những cho BIC mà cả thị trường bảo hiểm Việt Nam”, ông Tùng nói.
…chưa có người tiếp bước
Mặc dù nhận thấy có khá nhiều cơ hội khi đầu tư ra nước ngoài, nhưng trao đổi với ĐTCK, đại diện nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, họ chưa có chiến lược gì trong việc tiếp cận những thị trường mới. “Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn chưa khai thác hết thì nói gì đến chuyện vươn ra nước ngoài”, phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm cổ phần trong nước chia sẻ và cho rằng, trên thực tế, thị trường bảo hiểm trong nước còn tiềm năng rất lớn nhưng đang hoạt động rất lộn xộn, cạnh tranh chưa lành mạnh và sản phẩm bảo hiểm đưa ra thị trường cũng chưa nhiều. Trong khi đó, người dân trong nước cũng chưa nhận thức được hết lợi ích của việc mua bảo hiểm. “Chỉ tập trung khai thác thị trường bảo hiểm trong nước cho thật tốt và hết công suất của thị trường đã là một thách thức đối với các DN bảo hiểm trong nước chứ chưa nói đến chuyện ra nước ngoài”, ông này khẳng định.
Hiện tại, thị trường trong nước chỉ tính riêng khối bảo hiểm phi nhân thọ cũng chỉ có vài DN như Bảo Minh, Bảo Việt, PVI…, là nắm giữ thị phần tương đối lớn, còn các DN phi nhân thọ khác vẫn đang lẹt đẹt với mức nắm giữ từ 1% đến 5% thị phần.
Các chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, đầu tư ra nước ngoài bây giờ cũng là chuyện bình thường, do nhu cầu tìm kiếm thị trường mới của mỗi DN và tùy theo chiến lược của từng công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu không có điểm tựa như BIC thì cũng không phải dễ. Hơn nữa, dù tiềm năng nhưng việc triển khai hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ sang Lào và Campuchia chỉ phù hợp với mảng bảo hiểm tài sản, nếu làm bảo hiểm xe cơ giới thì rất khó, vì ở những nước này số lượng xe đăng ký không cao, ý thức chấp hành luật lệ giao thông còn kém.
Một chuyên gia trong ngành cũng nhận định, trình độ của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ ở trong nước còn nhiều bất cập. Việc khai thác bảo hiểm trong nước vẫn chủ yếu là dựa trên quan hệ cá nhân và chi hoa hồng cao cho đại lý, mà hệ thống đại lý bảo hiểm cũng chưa thực sự phát triển chuyên nghiệp. “Các công ty bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ chắc cũng hiểu rằng nội lực của mình còn yếu, lại đang phân tán trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, nên vẫn án binh bất động với thị trường nước ngoài”, vị này bình luận.
Ngọc Lan
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|