Thứ Ba, 20/10/2009 13:43

Dư địa lớn cho bảo hiểm vi mô 

"Mặc dù có tốc độ tăng trưởng 20% đối với bảo hiểm phi nhân thọ và 10% đối với bảo hiểm nhân thọ trong 6 tháng đầu năm 2009 nhưng qua cơn bão số 9 (mạnh nhất trong vòng 40 năm nay) vừa xảy ra cho thấy, số DN và người dân tham gia bảo hiểm vẫn còn rất hạn chế", ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) nói với ĐTCK.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do người dân còn khó khăn về kinh tế để tham gia bảo hiểm, nhưng điều quan trọng hơn là tập quán mua bảo hiểm cũng như thủ tục giải quyết tiền bồi thường còn chậm, nhiêu khê, khiến người dân chưa hào hứng. Hiện cả cơ quan quản lý và DN bảo hiểm đều đang tích cực triển khai các sản phẩm mới để người dân tiếp cận với bảo hiểm nhiều hơn. Một trong những sản phẩm đó là bảo hiểm vi mô.

Ông Hoan cho biết, hiện Bộ Tài chính đã cho phép một số DN triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô hướng đến người nghèo ở nông thôn. Các sản phẩm này bao gồm bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm y tế. Hiện Công ty Manulife đang triển khai thí điểm tại Hải Phòng và Kiên Giang các sản phẩm nói trên. Với mức phí 100.000 - 280.000 đồng/năm, khi xảy ra ốm đau, tai nạn, rủi ro…, người dân có thể được bồi thường từ 10 đến 20 triệu đồng. Mặc dù đang trong quá trình thí điểm nhưng hiện đã có 4.000 hợp đồng bảo hiểm được ký. Ông Hoan cho biết thêm, cuối tháng 10 này Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm sẽ cùng các DN tổng kết sau quá trình làm thí điểm, nếu làm tốt sẽ triển khai trên diện rộng. DN bảo hiểm có thể thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân để phân phối những sản phẩm này.

Trên thực tế, đã có không ít sản phẩm bảo hiểm vi mô được các DN cũng như tổ chức triển khai trước đó. Năm 1998, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam tiến hành thử nghiệm bán bảo hiểm cho nông dân tại Nghệ An. Tuy nhiên, dự án này đã không mấy thành công do mức phí quá cao (100.000 đồng/tháng). Sau đó, mô hình này tiếp tục được triển khai ở Huế nhưng với mức phí thấp hơn nhiều (77.000 đồng/năm) và đã có kết quả tốt hơn. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng phối hợp với Quỹ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (CEP) để bán bảo hiểm y tế tự nguyện cho 1.500 thành viên ở TP. HCM. Các tổ chức, hội tương hỗ như Quỹ hỗ trợ phụ nữ Đông Triều, Quỹ tương trợ Phương Đông…, cũng đã và đang cung cấp các quyền lợi cho thành viên của mình như tiền trợ cấp mai táng, hỗ trợ khi thân nhân chết, hỗ trợ ốm đau. Với các hình thức này, mức phí đóng quỹ rất thấp, tương ứng là 2.000 đồng/tháng, 1.000 đồng/tháng và 200 đồng/tuần.

Về phía các DN, bảo hiểm nông nghiệp đã được Bảo Việt và Groupama triển khai, nhưng kết quả thực hiện hầu như không đáng kể. Ngoài ra, năm 2004, Bảo Việt đã thử nghiệm triển khai thông qua quan hệ đối tác với Quỹ hỗ trợ Ninh Phước để phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tín dụng cho thành viên vay vốn có thu nhập thấp, với phí bảo hiểm là 0,9% số tiền vay/năm. Mô hình này được đánh giá là tương đối thành công. Đến năm 2005, Prevoir sử dụng mạng lưới tiết kiệm bưu điện để bán bảo hiểm tử kỳ do tai nạn cho đối tượng có thu nhập thấp (phí bảo hiểm là 26.000 đồng/năm). Tuy nhiên, do yêu cầu khách hàng phải có tài khoản tiết kiệm bưu điện tối thiểu là 2,5 triệu đồng, nên kết quả hoạt động qua kênh bưu điện của Prevoir vẫn chưa phát triển theo đúng bản chất của bảo hiểm vi mô. Vì thực tế, đây vẫn là mảng thị trường có thu nhập trung bình.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của các DN bảo hiểm cho thấy số lượng người dân có thu nhập thấp được tiếp cận với bảo hiểm hầu như không đáng kể so với tổng số người nghèo trên toàn quốc. Các sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. "Trong tương lai, nếu nhận được sự đồng thuận của Hội phụ nữ, Hội nông dân thì việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm vi mô sẽ khá thuận lợi, vì mức phí thấp, số tiền bảo hiểm hợp lý. Các DN bảo hiểm cũng có thể bị lỗ nhưng trước mắt sẽ giúp người dân nghèo quen với tập quán mua bảo hiểm. Sau này, kinh tế khá lên họ sẽ tiếp cận với bảo hiểm thông thường", ông Hoan kỳ vọng.

Việc đẩy mạnh sản phẩm bảo hiểm vi mô hướng đến với người nghèo cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ, vì nó hỗ trợ đáng kể cuộc sống người nghèo - một chủ  trương mà chính sách tam nông đang hướng đến.

Bảo hiểm vi mô có nguồn gốc từ tài chính vi mô và được triển khai từ lâu. Kể từ cuối những năm 90, bảo hiểm vi mô được triển khai độc lập với các chương trình tài chính vi mô. Bảo hiểm vi mô ngày càng trở nên phổ biến ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. Nó đã và đang đóng góp đáng kể cho công cuộc xoá đói giảm nghèo thông qua việc cung cấp sự bảo vệ cho người nghèo không thể tham gia bảo hiểm thông thường hoặc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Nhà nước.

Thanh Đoàn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   9 tháng, bảo hiểm BIC đạt 116% kế hoạch lợi nhuận (13/10/2009)

>   Thị trường bảo hiểm: Lực đẩy từ cạnh tranh lành mạnh (12/10/2009)

>   Mua bảo hiểm mới được vay tiền (12/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật