Thứ Sáu, 20/11/2009 17:54

Quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc: Cái gai tỷ giá

Việc Trung Quốc duy trì tỷ giá thấp giữa đồng nhân dân tệ và đô la Mỹ trong một thời gian dài đã thúc đẩy kinh tế nước này tăng trưởng vượt bậc, nhưng cũng gây căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ. Chuyến viếng thăm đầu tiên tới Trung Quốc của Tổng thống Barack Obama dường như đã không tháo gỡ được vướng mắc này.

Xuất hiện trước báo chí trong buổi trưa ngày thứ Ba 17-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục Trung Quốc hãy để cho đồng nhân dân tệ tăng giá, trong lúc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tránh nhắc đến đồng nhân dân tệ hoặc đồng đô la Mỹ. Hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ đã kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh song phương mà trong đó những căng thẳng về thương mại giữa hai bên đã bị biến thành những tuyên bố đầy thiện chí.

Vào lúc tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã lên tới 10,2% lực lượng lao động, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Obama trong chuyến thăm Trung Quốc là thuyết phục Bắc Kinh nới lỏng chính sách tỷ giá, yếu tố dẵn tới sự mất cân bằng thương mại to lớn giữa hai nước.

Nhưng không rõ khả năng thuyết phục của ông Obama như thế nào mà khi xuất hiện trước báo chí, ông Hồ Cẩm Đào chỉ nhấn mạnh tới việc chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, rõ ràng ám chỉ nỗi bực bội của Trung Quốc trước việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên vỏ xe, ống thép và nhiều sản phẩm khác nhập khẩu từ Trung Quốc.

Từ lâu Washington vẫn cho rằng, đồng nhân dân tệ bị định giá quá thấp đã đặt các nhà sản xuất Mỹ vào thế bất lợi và gây mất cân bằng thương mại toàn cầu.

“Tôi rất vui lòng lưu ý tới cam kết mà Trung Quốc đã đưa ra trong những tuyên bố trước đây rằng theo thời gian sẽ chuyển sang chính sách tỷ giá theo thị trường”, ông Obama nói khi ông Hồ Cẩm Đào đứng bên cạnh. Và ông cho rằng, hành động về tỷ giá của Trung Quốc sẽ là “đóng góp đáng kể vào nỗ lực tái cân bằng kinh tế toàn cầu”.

Nhưng việc ông Obama đề cập tới “những tuyên bố trước đây” ám chỉ rằng Bắc Kinh không nhất thiết sẽ có hành động ngay về vấn đề tỷ giá. Ngược lại, ông Hồ Cẩm Đào nói rằng, hai nhà lãnh đạo đã bàn tới như cầu giữ liên lạc mật thiết về “những chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô, và tiếp tục tham vấn lẫn nhau, trên cơ sở bình đẳng, cách xử lý và giải quyết thích đáng những xung đột thương mại và kinh tế”.

Theo ông Tôn Triết (Sun Zhe), Giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, việc ông Hồ Hồ Cẩm Đào không đề cập tới vấn đề tỷ giá cho thấy thái độ miễn cưỡng của Bắc Kinh không muốn bị coi là đưa ra chính sách nhượng bộ dưới áp lực của nước ngoài.

“Cá nhân tôi nghĩ rằng, sẽ có sự điều chỉnh nhỏ, mang tính tượng trưng về chính sách tỷ giá sau khi ông Obama rời Trung Quốc, nhưng trong thời gian thăm viếng thì không có sự thay đổi nào”, ông Tôn nói. “Nhưng cũng đừng kỳ vọng nhiều. Trung Quốc tin rằng, vấn đề chính không phải là sự yếu kém của đồng nhân dân tệ mà là sự yếu kém của đồng đô la Mỹ. Cảm giác ở xứ này là “tại sao chúng ta phải làm vật tế thần cho những vấn đề của đồng đô la của các người?”, ông Tôn nói thêm.

Phản ánh cái tâm lý mà ông Tôn nói tới, Trung Quốc đầu tuần này tiến hành đợt chỉ trích mới, thẳng thừng hơn, đối với chính sách tiền tệ và tài khóa của Mỹ mà họ cho là quá lỏng lẻo, có nguy cơ xói mòn thêm nữa giá trị của đồng đô la.

Phát biểu tại một diễn đàn về tài chính khai mạc sáng thứ Hai 16-11 ngay sau khi ông Obama đặt chân tới Thượng Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu (Zhu Guangyao) nói rằng, các quốc gia mà đồng tiền được các ngân hàng trung ương toàn cầu cất giữ làm quỹ dự trữ vẫn không chịu trách nhiệm đầy đủ về ảnh hưởng toàn cầu của các chính sách nội địa của họ. “Chúng tôi kêu gọi các nước phát hành những đồng tiền dự trữ chính phải có những chính sách tiền tệ có trách nhiệm”, ông Chu nói bằng tiếng Anh.

Hai phần ba trong tổng số quỹ dự trữ ngoại tệ trị giá khoảng 2.270 tỉ đô la Mỹ hiện nay của Trung Quốc là những tài sản định giá bằng đô la Mỹ và ngay từ hồi tháng 3-2009, lúc giá đô la Mỹ vẫn còn cao, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thúc giục Chính phủ Mỹ bảo vệ giá trị các món nợ mà Trung Quốc nắm giữ.

Tại diễn đàn này, một quan chức hàng đầu trong ủy ban điều hành ngân hàng của Trung Quốc, ông Lưu Minh Khang (Liu Mingkang), cũng chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED); ông này cho rằng, cam kết của FED giữ lãi suất căn bản ở mức thấp nhằm hạ chi phí vay vốn và đồng đô la yếu là “một nguy cơ mới mang tính hệ thống”.

Cả ông Chu và ông Lưu đều không đề cập tới lời phê phán của giới tài chính quốc tế về chính sách kìm giữ giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc dưới mức giá trị thực để giành lợi thế về xuất khẩu.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc thì tuyên bố chắc chắn rằng, Trung Quốc sẽ giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ ổn định, một phần vì điều đó có lợi cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. “Tỷ giá đồng nhân dân tệ có liên quan rất ít tới sự mất cân bằng thương mại”, ông Diêu Kiện (Yao Jian) nhận định và nói thêm rằng, thật là không công bằng khi chỉ thúc đẩy một quốc gia gia tăng giá trị đồng tiền trong lúc giá trị của các đồng tiền khác thì liên tục suy giảm.

Tuy không trực tiếp nhưng tuyên bố của ông Diêu Kiện có ý ngầm phản bác nhận định mà ông Dominique Strauss-Kahn, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vừa đưa ra đầu tuần này. Ông Kahn cho rằng, một đồng nhân dân tệ mạnh phải là một phần trong chiến lược cải tổ mà Bắc Kinh phải thực hiện để gia tăng sức tiêu thụ nội địa và góp phần làm dịu đi tình trạng mất cân bằng kinh tế toàn cầu.

“Để cho đồng nhân dân tệ và các đồng tiền châu Á khác tăng giá sẽ giúp gia tăng sức mua của các hộ gia đình, nâng giá trị của lao động trong thu nhập và cung cấp sự khích lệ đúng đắn cho việc tái định hướng đầu tư”, ông Kahn nói. IMF công nhận Chính phủ Trung Quốc đã có những bước tiến trong việc thúc đẩy tiêu dùng của hộ gia đình, chẳng hạn như cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe. “Nhưng còn nhiều việc cần phải làm để bảo đảm một sự chuyển dịch mang tính chất cơ cấu và bền vững sang hướng tiêu dùng, bằng cách mở rộng quy mô các chính sách phúc lợi xã hội, cải cách khu vực tài chính và cải cách phương thức điều hành doanh nghiệp”, ông Kahn nói.

Trước đó, vào hôm Chủ nhật, vấn đề tỷ giá hối đoái đã nóng lên trên Diễn đàn Kinh tế APEC khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tranh cãi. Theo hãng tin Reuters, tuyên bố chung sau hai ngày hội nghị cấp cao APEC đã cắt bỏ điều khoản đề cập tới “chính sách tỷ giá hối đoái theo hướng thị trường” mà hội nghị bộ trưởng tài chính APEC đã đưa vào dự thảo trước đó. Một quan chức APEC cho biết, việc cắt bỏ này là do phản đối của Bắc Kinh.

Việc Bắc Kinh gây áp lực buộc APEC phải thay đổi giọng điệu về chính sách tiền tệ được nước này giải thích là nhằm tránh làm cho giới đầu cơ kỳ vọng vào sự lên giá của đồng nhân dân tệ trong thời gian tới, có thể kích thích dòng tiền nóng đổ vào nước này, làm phình lên bong bóng tài sản và gây lạm phát. Theo ông Lưu Minh Khang, dòng tiền nóng đổ vào Trung Quốc hiện nay là do lãi suất cực thấp của Mỹ kích thích nhà đầu tư tìm lợi nhuận ở các tài sản nước ngoài và có nguy cơ đe dọa sự phục hồi mong manh của kinh tế thế giới.

Vào lúc ông Obama tới Trung Quốc, báo New York Times đăng bài “Thế giới mất cân bằng” của cây bút bình luận nổi tiếng Paul Krugman. Ông giáo sư được giải Nobel kinh tế này kỳ vọng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ bàn bạc thực lòng về vấn đề chính sách tiền tệ.

Theo ông Krugman, “vấn đề mất cân bằng thương mại quốc tế sẽ tồi tệ hơn hơn nhiều. Và nguy cơ tiềm tàng một cuộc đối đầu ngu xuẩn cứ lớn dần lên trừ phi Trung Quốc sửa chữa cung cách của mình”. Nhưng những diễn biến gần đây cho thấy, kỳ vọng của ông Krugman đã không biến thành sự thực và Trung Quốc vẫn muốn theo đuổi chính sách mà ông Krugman gọi là “biến hàng xóm thành hành khất” (beggar-thy-neighbor).

Ông Derek Scissors, nhà kinh tế về thương mại của Quỹ Heritage ở Washington thì bi quan hơn: “Về mặt thương mại, đây là thời điểm khó khăn cho quan hệ Mỹ-Trung. Những dấu hiệu thật sự trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt lên”.

Quỳnh Hoa

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Nợ nước ngoài lên, dự trữ ngoại hối giảm (20/11/2009)

>   Giá vàng trong nước ở mức cao, nhà đầu tư thận trọng (20/11/2009)

>   Giá vàng thế giới tăng tiếp bất chấp USD phục hồi (20/11/2009)

>   Khuynh gia bại sản vì môi giới (20/11/2009)

>   Hệ lụy do giá vàng tăng (20/11/2009)

>   USD âm thầm tăng giá trở lại (19/11/2009)

>   Tìm lời giải cho “ẩn số” giá vàng (19/11/2009)

>   "Giá vàng sẽ tăng không quá 1.250 USD/ounce" (19/11/2009)

>   Giá vàng ổn định, giao dịch dè dặt (19/11/2009)

>   Tuấn Tài không được phép huy động tiền, vàng (19/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật