Tuấn Tài không được phép huy động tiền, vàng
Kinh nghiệm từ vụ tiệm vàng Tuấn Tài đóng cửa: Cho tiệm vàng vay với tư cách cá nhân thì hai bên phải lập hợp đồng vay tài sản.
Sự kiện tiệm vàng Tuấn Tài (Công ty TNHH SX-TM-DV Tuấn Tài, 39 Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5) tạm ngừng hoạt động và có nhiều người kéo đến đòi nợ đang gây xôn xao dư luận. Bên trong sự kiện này xuất hiện tình tiết là Tuấn Tài có giấy biên nhận tiền, vàng của khách hàng và trả lãi theo kỳ hạn ba tháng 1% và lãi suất không kỳ hạn là 0,8%.
Vấn đề đặt ra ở đây là một công ty kinh doanh vàng có được phép huy động tiền, vàng của người dân hay không?
Tổ chức tín dụng mới được huy động tiền gửi
Trả lời phóng viên, ngày 18-11, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết theo quy định, chỉ có các tổ chức tín dụng mới được phép huy động tiền gửi, vàng trong dân cư. Pháp luật về ngân hàng quy định chặt đến mức với các công ty tài chính cũng chỉ được huy động tiền gửi dài hạn chứ chưa được huy động vốn ngắn hạn.
“Việc tiệm vàng Tuấn Tài có nhận tiền, vàng của nhiều khách hàng gửi và có trả lãi suất kỳ hạn ba tháng và lãi suất không kỳ hạn là sai” - ông Hạnh khẳng định.
Ông Hạnh cũng cho biết trong cuộc họp ngày 18-11 giữa UBND TP, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, UBND quận 5 về sự việc Tuấn Tài, phía Công an quận 5 báo cáo là chủ tiệm vàng này không bỏ trốn và có cam kết trả nợ cho những người đã gửi tiền, vàng.
Ông Hạnh cho biết tại cuộc họp này, Công an quận 5 cho biết chủ tiệm vàng Tuấn Tài nói việc vay mượn về tiền, vàng là cá nhân vay chứ không liên quan gì đến Công ty TNHH SX-TM-DV Tuấn Tài.
Nếu vay phải lập thành hợp đồng
Việc vay mượn theo dân sự thực hiện như thế nào nhiều người vẫn chưa rõ. Từ sự vụ tiệm vàng Tuấn Tài, luật sư Lưu Trường Hận, Trưởng Văn phòng Luật sư Lưu Trường Hận, cho biết nếu nói đây là một hình thức vay mượn về dân sự thì theo Điều 471 Bộ luật Dân sự, việc vay này phải lập thành hợp đồng vay tài sản.
Cụ thể, trong hợp đồng này phải nêu rõ quyền và nghĩa vụ các bên: bên cho vay và bên vay. Ngay về lãi suất vay là do các bên thỏa thuận nhưng lãi suất này không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Nhận xét về trường hợp vay tiền, vàng của tiệm vàng Tuấn Tài, luật sư Hận nói đây là một hình thức huy động vốn. Vì xét về bản chất, việc người dân gửi tiền, vàng và được tiệm Tuấn Tài trả lãi thì giống y như nghiệp vụ ngân hàng, trong đó giấy biên nhận của tiệm vàng Tuấn Tài xét về hình thức giống như sổ tiết kiệm.
Cấp giấy phép kinh doanh vàng ra sao?
Từ sự kiện Tuấn Tài ngưng hoạt động dư luận đặt câu hỏi việc cấp giấy phép trong lĩnh vực kinh doanh vàng hiện nay như thế nào, có thả lỏng hay siết chặt?
Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH SX-TM-DV Tuấn Tài, một phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM hứa trong ngày 19-11, Sở sẽ cung cấp cụ thể về giấy phép này.
Tuy nhiên, theo một cán bộ cũng thuộc sở này, trong lĩnh vực kinh doanh vàng, thường Sở chỉ cấp giấy đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp dưới dạng mua bán, gia công vàng miếng. Cũng theo vị này, hiện nay các tiệm vàng, doanh nghiệp muốn kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thì phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.
Tuấn Tài cam kết trả nợ trong vòng bảy ngày
Trong hai ngày 16 và 17-11, hàng trăm người đã tụ tập về tiệm vàng Tuấn Tài (quận 5) để đòi tiền và vàng đã gửi khi có thông tin tiệm vàng này vỡ nợ.
Theo nhiều nguồn tin, trước đó chủ tiệm vàng Tuấn Tài đã ký quỹ vay hàng chục ngàn lượng vàng của nhiều ngân hàng lúc giá ở ngưỡng 26 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong ngày 11-11 vọt trên 29 triệu đồng/lượng khiến tiệm vàng này trở tay không kịp.
Thông tin ban đầu về vụ vỡ nợ này cho thấy Công an quận 5 đang thụ lý nhưng bước đầu chủ tiệm vàng Tuấn Tài là ông Trần Thanh Tuấn đã có cam kết trong vòng bảy ngày sẽ trả nợ cho những người gửi tiền, vàng.
Ghi nhận của phóng viên trong ngày 18-11 thì tiệm vàng này đã ngưng hoạt động và không còn cảnh tượng nhiều người tụ tập trước cửa tiệm để đòi nợ nữa.
Pháp Luật
Tiệm vàng lớn ở TPHCM vỡ nợ sau cơn sốt giá vàng
|