Thứ Sáu, 20/11/2009 17:38

Nợ nước ngoài lên, dự trữ ngoại hối giảm

“Cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt 1,9 tỉ đô la Mỹ, dự trữ ngoại hối giảm, thị trường ngoại hối có biểu hiện căng thẳng về cung cầu, gây sức ép lên tỷ giá” - đó là những phác họa của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thị trường ngoại hối những tháng vừa qua trong Báo cáo thẩm tra phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, kế hoạch năm 2010 đề ngày 16-10-2009.

Câu hỏi đang được dư luận quan tâm là vì sao dự trữ ngoại hối giảm, mức độ giảm đến đâu, tỷ giá đang chịu những sức ép gì?

Áp lực vàng

Ngày 12-11-2009 lần đầu tiên trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho 6-7 doanh nghiệp và ngân hàng với tổng mức nhập khoảng 10 tấn. ACB được phép nhập 2 tấn; Sacombank 1,5 tấn; PNJ (Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận), Eximbank, SJC mỗi đơn vị 1 tấn... Ở phía Bắc, đầu mối nhập vàng lớn nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, tính toán với giá vàng quốc tế ngày 15-11-2009 ở mức 1.118,5 đô la Mỹ/ounce, giá thành nhập vàng CIF TPHCM chừng 36,2 triệu đô la Mỹ/tấn. Các nhà nhập khẩu có hai tuần để nhập và hạn ngạch hết hạn vào ngày 27-11-2009. Các doanh nghiệp cho biết sẽ nhập hết hạn mức. Như thế nhập siêu của tháng 11 sẽ tăng thêm khoảng 360 triệu đô la Mỹ từ nhập khẩu vàng.

“Cho nhập khẩu vàng, có thể Nhà nước nghĩ rằng chúng tôi sẽ nhập về dự trữ. Khi cung cầu vàng trong nước mất cân đối, doanh nghiệp sẽ mang ra bán để can thiệp. Thực tế không phải vậy. Doanh nghiệp phải tính đến hiệu quả kinh doanh trước tiên, đảm bảo đã nhập là có lời và tiêu thụ được. Nếu nhập để dự trữ, sau này giá vàng quốc tế giảm, doanh nghiệp lỗ, Nhà nước có bù cho không?” - bà Cúc nói.

Điều gì sẽ xảy ra sau ngày 27-11 khi hạn ngạch nhập vàng hết hạn? Nếu nhu cầu trong nước vẫn cao, NHNN có cho nhập tiếp không và nguồn ngoại tệ nào cân đối việc nhập vàng? Đang có những ý kiến nên chăng cơ cấu dự trữ ngoại hối của Việt Nam cần thay đổi, chuyển một phần nhất định từ đô la Mỹ sang vàng như nhiều quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ đã làm. Nhà nước sẽ chọn thời điểm thích hợp để thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối và điều đó không làm giảm bớt dự trữ ngoại hối quốc gia. Với số vàng có trong tay, Nhà nước đủ khả năng can thiệp vào thị trường, dập tắt các tín hiệu đầu cơ là thủ phạm gây nên “cơn sốt” vừa qua.

Nợ nước ngoài tăng, dự trữ ngoại hối giảm

Trong Bản tin nợ nước ngoài số 3 ngày 29-4-2009 Bộ Tài chính công bố dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2008 (bao gồm nợ của Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh) là 21,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,6 tỉ đô la Mỹ so với mức 19,2 tỉ đô la Mỹ của năm 2007. Năm ngoái, tổng mức trả nợ trong kỳ của Chính phủ là 1,104 tỉ đô la Mỹ, tăng 218 triệu đô la Mỹ so với mức 886 triệu đô la Mỹ của năm liền kề. Năm nay, trong báo cáo Phục hồi và Tăng trưởng tháng 10-2009, Dragon Capital trích dẫn số liệu của IMF, IFS và Bộ Tài chính cho biết tổng nợ nước ngoài của Chính phủ ước 23 tỉ đô la Mỹ và tổng mức trả nợ ngắn hạn chưa tới 1,6 tỉ đô la Mỹ. Mức tăng của các con số này tỏ ra hợp lý nếu so sánh với số liệu của giai đoạn 2004-2008 (xem bảng).

Tuy nhiên Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại đưa ra số liệu khác khi nhận xét: “Nợ Chính phủ tăng cao, năm 2008 ướchoc 36,5% GDP, năm 2009 khoảng 40% GDP và năm 2010 chừng 44% GDP”. Nợ của Chính phủ ở đây, ngoài nợ nước ngoài, gồm cả nợ trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ tại thị trường nội địa. Năm ngoái, lượng trái phiếu phát hành trong nước khá cao, nên nợ Chính phủ tăng. Nhưng năm nay thì khác. Nợ trong nước thông qua phát hành trái phiếu là không nhiều bởi chín tháng đầu năm Bộ Tài chính chỉ phát hành được 20.870 tỉ đồng trái phiếu chính phủ (kể cả phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ) so với chỉ tiêu 126.000 tỉ đồng của cả năm. Như vậy, rất có thể dư nợ nước ngoài thực của Chính phủ năm nay tăng lên cao hơn mức 23 tỉ đô la Mỹ mà một số tổ chức dự báo.

Trong khi nợ nước ngoài tăng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam lại giảm. Ngày 19-6-2008, Thống đốc NHNN công bố dự trữ ngoại hối đạt 20,7 tỉ đô la Mỹ. Tại hội thảo “Khủng hoảng tài chính và giám sát an toàn vĩ mô” do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức ngày 15-10-2009 ở Hà Nội, các diễn giả trích dẫn số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết dự trữ ngoại hối giảm từ 23 tỉ đô la Mỹ vào cuối tháng 11-2008 xuống 17,3 tỉ đô la Mỹ vào cuối tháng 6-2009 (Nguồn: VietnamNet “Căng thẳng ngoại tệ” ngày 17-10-2009). Nếu số liệu của ADB là chính xác, thì trong vòng sáu tháng, dự trữ ngoại hối đã giảm 5,7 tỉ đô la Mỹ - một mức sụt giảm tương đối nhanh.

Vì sao dự trữ ngoại hối giảm?

Luồng ngoại tệ qua kênh đầu tư gián tiếp và trực tiếp năm nay tuy không bằng năm 2007, nhưng so với năm ngoái cũng không thấp hơn nhiều. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI 10 tháng đầu năm đã giải ngân được 8 tỉ đô la Mỹ. Năm ngoái vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài rút ra nhiều qua thoái vốn cả cổ phiếu và trái phiếu. Năm nay đầu tư gián tiếp nước ngoài vào cổ phiếu đã dương. Dragon Capital nhận xét lượng tiền có thể rút nhanh ra khỏi Việt Nam qua trái phiếu năm nay chỉ có 3 tỉ đô la Mỹ (so với 8 tỉ đô la Mỹ của đầu năm 2008), nhưng các trái chủ đều nắm giữ và đến giờ hầu như chưa có động thái rút ra. Các ngân hàng nước ngoài cho vay ước 8,5 tỉ đô la Mỹ, phần lớn các khoản vay này cho các dự án FDI dài hạn, nên đây không phải là áp lực hay rủi ro tiềm ẩn lên tỷ giá.Nhìn sang kiều hối, Bộ Tài chính dự báo kiều hối năm 2009 khoảng 6,8 tỉ đô la Mỹ, chỉ thấp hơn 400 triệu đô la Mỹ so với mức 7,2 tỉ đô la Mỹ năm 2008. Song, số liệu của phía ngân hàng lại không khả quan đến vậy. Theo chi nhánh NHNN TPHCM, lượng kiều hối chi trả qua các ngân hàng trên địa bàn 10 tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,6 tỉ đô la Mỹ, bằng 60% so với cùng kỳ (kiều hối của TPHCM thường chiếm hơn một nửa của cả nước). Các ngân hàng phản ánh kiều hối về ít hơn, nhưng quan trọng là người nhận không bán cho ngân hàng theo tỷ giá niêm yết. Họ nhận bằng ngoại tệ, sau đó gửi tiết kiệm ngoại tệ, hoặc mang ra mua bán trên thị trường tự do. Liệu bao nhiêu phần trăm của con số 2,6 tỉ đô la Mỹ kiều hối nói trên chảy vào ngân hàng?

Nút thắt của sự cân đối luồng ngoại tệ vào và ra chính là nhập siêu. Tổng cục Thống kê ước tính nhập siêu 10 tháng đầu năm 8,78 tỉ đô la Mỹ. Nhập siêu cả năm có thể vượt 10 tỉ đô la Mỹ. Về mặt lý thuyết, việc giải ngân vốn FDI, vay nước ngoài, kiều hối... có thể bù đắp nhập siêu. Song thực tế lại vẽ ra một bức tranh khác: các nhà xuất khẩu và các công ty có nguồn thu ngoại tệ đều găm giữ ngoại tệ trên tài khoản, vốn huy động ngoại tệ từ dân cư tăng mạnh, khiến đô la huy động dư thừa, đô la thương mại thiếu hụt. Đến tháng 10-2009, vốn huy động ngoại tệ của Ngân hàng Á Châu đạt 1 tỉ đô la Mỹ, gấp đôi so với năm 2008, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Giới ngân hàng ước tính hiện lượng ngoại tệ trên tài khoản của doanh nghiệp và vốn huy động ngoại tệ của tất cả các tổ chức tín dụng khoảng 18-20 tỉ đô la Mỹ. Nhiều ngân hàng phải đem ngoại tệ huy động gửi ở nước ngoài. Cho dù đô la Mỹ đang mất giá so với các ngoại tệ mạnh và đồng nội tệ của hầu hết các nước Đông Nam Á, nó vẫn lên giá so với tiền đồng cả trên phương diện tỷ giá do NHNN công bố hàng ngày và trên thị trường tự do.

Cho dù đô la Mỹ đang mất giá so với các ngoại tệ mạnh và đồng nội tệ của hầu hết các nước Đông Nam Á, nó vẫn lên giá so với tiền đồng cả trên phương diện tỷ giá do NHNN công bố hàng ngày và trên thị trường tự do.

Lưu Hảo

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Giá vàng trong nước ở mức cao, nhà đầu tư thận trọng (20/11/2009)

>   Giá vàng thế giới tăng tiếp bất chấp USD phục hồi (20/11/2009)

>   Khuynh gia bại sản vì môi giới (20/11/2009)

>   Hệ lụy do giá vàng tăng (20/11/2009)

>   USD âm thầm tăng giá trở lại (19/11/2009)

>   Tìm lời giải cho “ẩn số” giá vàng (19/11/2009)

>   "Giá vàng sẽ tăng không quá 1.250 USD/ounce" (19/11/2009)

>   Giá vàng ổn định, giao dịch dè dặt (19/11/2009)

>   Tuấn Tài không được phép huy động tiền, vàng (19/11/2009)

>   Đã nhập 1,5 tấn vàng (19/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật