Chủ Nhật, 08/11/2009 08:39

OTC vắng vẻ

Dù đang trong giai đoạn điều chỉnh với các phiên giảm mạnh nhưng dòng tiền chảy trên sàn niêm yết vẫn khá sung mãn. Ngược lại, thị trường OTC đang vắng vẻ, thiếu thanh khoản vì nhiều lý do.

Sàn niêm yết hút vốn

Có một mối liên hệ khá rõ ràng trong việc giá trị giao dịch trên sàn niêm yết tăng mạnh trong thời gian vừa qua với sự sụt giảm thanh khoản trên thị trường OTC. Tháng 10 vừa qua là tháng VN-Index vượt ngưỡng 600 điểm thành công, với phiên giao dịch lập kỷ lục về giá trị giao dịch toàn thị trường lên tới trên 8.000 tỉ đồng. Mặt bằng mới về giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán đã được thiết lập với mức tăng rất mạnh. Đơn cử như tuần đầu tiên của tháng 10, giá trị giao dịch mỗi phiên trên HOSE dao động từ khoảng 2.200 tỉ đồng - 2.700 tỉ đồng/phiên. Sang tuần thứ hai là 3.500 tỉ đồng - 4.000 tỉ đồng/phiên. Đến tuần thứ ba là 4.500 tỉ đồng - 5.900 tỉ đồng/phiên... Đến thời điểm này, khi VN-Index đã xuống dưới ngưỡng 600 điểm thì giá trị giao dịch trên sàn vẫn giữ ở mức trên 2.000 tỉ đồng mỗi phiên. Như vậy có thể thấy, dòng tiền chảy trên sàn niêm yết ngày càng tăng, điều này khiến các nhà đầu tư (NĐT) cảm thấy vững tâm hơn dù thị trường đã có những phiên điều chỉnh mạnh trong những ngày đầu tháng 11 vừa qua.

Trái ngược với sức nóng và sự kịch tính của sàn niêm yết, "chợ" OTC từ đầu tháng 10 tới nay rơi vào tình trạng ảm đạm, mất giá và thanh khoản kém. Nhóm cổ phiếu (CP) có “sóng” nhiều nhất trên OTC là tài chính - ngân hàng - sau khi CP chủ lực Eximbank lên sàn niêm yết - trở nên lình xình hoặc giảm giá. Theo nhận định của giới phân tích, sức nóng của sàn niêm yết đã trở thành lực hút dòng vốn trên thị trường OTC. Rất nhiều NĐT đã tạm rời sàn OTC để chuyển lên tìm cơ hội lướt sóng trên sàn niêm yết. Điều đó lý giải vì sao thanh khoản trên sàn OTC ngày càng kém đi.

Lên sàn để bội thu

Khác với trước đây (nhóm CP tài chính - ngân hàng luôn dẫn đầu trong các CP nóng trên OTC), hiện nay, chỉ có một số CP sắp lên sàn, đặc biệt nhóm CP bất động sản mới tạo được sức hút với NĐT trên sàn OTC. Lý do theo thống kê, hầu hết CP lên sàn trong thời gian vừa qua đều tăng giá hết biên độ trong ngày chào sàn và tăng liên tục những phiên sau đó. Đặc biệt, các CP bất động sản đã khiến cả thị trường sững sờ với mức tăng khó tin. Đơn cử như trường hợp CP VPH của Công ty CP Vạn Phát Hưng đã đạt chuỗi tăng điểm liên tục 28 phiên, đưa giá CP này tăng trên 400% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng kể từ khi chào sàn (từ 30.000 đồng/CP lên mức cao nhất là 130.000 đồng/CP). “Ông lớn” ITC của Công ty CP đầu tư - kinh doanh nhà lên sàn trong tháng 10 vừa qua cũng có dấu hiệu sẽ được đẩy giá lên trời với kiểu giao dịch hiện nay. Theo dõi các phiên vừa qua cho thấy, trong khi cột dư mua tràn ngập lệnh thì cột dư bán CP ITC trong tất cả các phiên giao dịch vừa qua kể từ ngày lên sàn đều trống không. Chỉ đến cuối phiên, trước giờ đóng cửa, một lượng CP tối thiểu là 10 đơn vị được khớp lệnh với giá trần. Đến lúc này, ITC đã đạt mức giá 82.000 đồng/CP sau khoảng 20 ngày lên sàn. Các trường hợp này khiến các NĐT đang nắm giữ những CP bất động sản trên OTC rất lạc quan và có tâm lý găm hàng để chờ bội thu khi CP được niêm yết. Đây là một trong các lý do khiến giao dịch trên OTC giảm sút, thanh khoản kém.

Nguyên Hằng

thanh niên

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index trụ vững  (06/11/2009)

>   UPCoM-Index lạc nhịp với niêm yết  (05/11/2009)

>   VN-Index chạm vào vùng kháng cự mạnh (04/11/2009)

>   Nhiễu tin (04/11/2009)

>   UPCoM-Index biến động theo chu kỳ (04/11/2009)

>   OTC: Nhà đầu tư đánh khống thua lỗ  (04/11/2009)

>   UPCoM không đủ sức bứt phá  (03/11/2009)

>   Tâm lý hay áp lực cung tiền thắng thế? (03/11/2009)

>   Xả hàng trả nợ (03/11/2009)

>   UPCoM-Index lùi về mức 70 điểm (02/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật