Ngân hàng tiếp tục chạy đua thu hút vốn
Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã sát mức 30% - chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong năm nay, thế nhưng hiện các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lãi suất huy động nhằm thu hút thêm vốn để cho vay.
Tăng từ tiền đồng đến đô la Mỹ
Từ đầu tháng 11 đến nay, các ngân hàng liên tục thông báo tăng lãi suất huy động, từ tiền đồng đến đô la Mỹ và cả vàng.
Chỉ từ ngày 15-10 đến nay, Ngân hàng TMCP Việt Á đã tăng lãi suất tiền đồng bốn lần và tăng lãi suất huy động đô la Mỹ hai lần, trong đó có hai lần điều chỉnh lãi suất tiền đồng trong tuần đầu tháng 11 này.
Sở dĩ tăng nhiều lần là do ngân hàng này vừa tăng vừa nhìn động thái của các ngân hàng khác. Sau bốn lần tăng, lãi suất huy động tiền đồng của Việt Á hiện đã nằm trong tốp các ngân hàng có lãi suất cao nhất trên thị trường.
Lãi suất của Việt Á cho kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng hiện chỉ dao động trong khung lãi suất hẹp, từ 9,5% đến 9,75%/năm. Để tăng phần hấp dẫn, ngân hàng này còn tung ra chương trình “Gửi 1 lần trúng 999 lần” kéo dài đến cuối năm với giải đặc biệt là ba ký vàng SJC.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đã thông báo tăng đồng loạt lãi suất tiền đồng, đô la Mỹ và vàng trong ngày 4-11. SCB hiện đang dẫn đầu thị trường về lãi suất huy động với mức lãi suất kỳ hạn một tháng là 9,7%/năm, 9,95%/năm cho kỳ hạn ba tháng, và 9,99%/năm cho kỳ hạn sáu tháng.
Do Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp sẽ thanh tra toàn diện các ngân hàng có lãi suất huy động từ 10%/năm trở lên nên 9,99%/năm là mức lãi suất cao nhất mà các ngân hàng đưa ra ở thời điểm này. Vì thế, cạnh tranh ở các kỳ hạn ngắn vốn còn dư địa để tăng tiếp lãi suất đang là xu hướng hiện nay.
SCB đã điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn 1, 2, 3 tuần lần lượt là 7,6%, 8%, và 8,2%/năm. Mức lãi suất huy động từ dân cư trên được xem là cao, tuy nhiên vẫn không bằng mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, đã tăng đến 10,5%/năm cho kỳ hạn ba tháng.
Không chỉ Việt Á và SCB, các ngân hàng khác, kể cả ngân hàng thương mại nhà nước và nước ngoài cũng tham gia vào cuộc đua này với nhiều hình thức từ tăng lãi suất đến tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho người gửi tiền.
Lý giải nguyên nhân, các ngân hàng đều cho biết đang trong tình trạng khan vốn vì thế lãi suất trên thị trường liên ngân hàng mới được đẩy cao lên như vậy. Do tiền đồng khan hiếm nên các ngân hàng quay sang tăng lãi suất đô la Mỹ để hút vốn, và đang hướng khách hàng chuyển sang vay đô la Mỹ.
Nguyên nhân sâu xa
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu trong cuộc họp với các ngân hàng gần đây đã đề cập đến chỉ thị 01 được NHNN ban hành ngày 22-5-2009, trong đó có yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo quy mô và cơ cấu tín dụng phù hợp với vốn huy động. Tuy chưa phát hiện ngân hàng nào vi phạm nhưng ông cho biết trên thực tế có những ngân hàng đang ở mức báo động.
Thêm vào đó, nhiều ngân hàng đã đi huy động trên thị trường liên ngân hàng, tức vay của các ngân hàng khác để đem cho vay lại mà nguồn vốn trên thị trường này chỉ được dùng để bù đắp thiếu hụt tạm thời dự trữ bắt buộc và khả năng thanh toán.
Ông Giàu cũng cảnh báo sẽ có biện pháp xử lý với những ngân hàng vi phạm quy định trên. Ông cũng phát đi thông điệp: NHNN sẽ không hỗ trợ vốn nhiều cho các ngân hàng trong những tháng cuối năm để thực hiện mục tiêu chống lạm phát. Trước đây, một ngày NHNN có thể bơm ra 12.000 - 16.000 tỉ đồng thông qua các hoạt động nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhưng từ giờ đến cuối năm mức hỗ trợ chỉ còn 7.000 tỉ đồng một ngày.
Ông cũng cảnh báo theo kinh nghiệm các năm trước, thường những tháng cuối năm và cận tết, số tiền gửi trong hệ thống sẽ giảm 21.000 - 32.000 tỉ đồng vì doanh nghiệp rút tiền để chi trả lương, thưởng cho nhân viên và thanh toán, vì thế các ngân hàng phải đặc biệt quan tâm đến thanh khoản của mình.
Với những lời cảnh báo trên, các ngân hàng đã cho vay ra nhiều do e ngại vấn đề huy động bị giảm vào những tháng cuối năm nên phải tăng lãi suất và đưa ra các chương trình khuyến mãi để giữ chân khách hàng. Vì nếu huy động bị giảm thì ngân hàng sẽ bị mất cân đối giữa vốn huy động và cho vay. Vài ngân hàng đua lãi suất thì các ngân hàng lớn cũng không thể đứng ngoài nhìn khách hàng của mình ra đi nên buộc lòng phải nhảy vào khiến cuộc đua tăng lãi suất càng quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm.
Thủy Triều
TBKTSG ONLINE
|