Sẽ hạn chế cho vay kinh doanh chứng khoán?
Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tại phiên họp sáng 2//11.
Gồm 10 chương, 62 điều, phạm vi điều chỉnh của dự luật đã được mở rộng từ chỗ chỉ điều chỉnh từ tổ chức và hoạt động sang điều chỉnh về thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại và giải thể các tổ chức tín dụng, trong đó có nội dung quản lý là thay đổi lớn nhất.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, những vấn đề mới của dự luật còn bao gồm tiêu chí phân loại giữa ngân hàng và các tổ chức tín dụng không phải là ngân hàng; quy định về quản trị tài chính tín dụng…
Một số quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn và được phân thành các nhóm quy định khác nhau. Theo đó, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra - của Quốc hội cho rằng quy định này là quá chặt chẽ, khi có hiệu lực sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Quy định của pháp luật hiện hành vẫn cho phép các ngân hàng cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Do đó, đề nghị quy định cấm cho vay để đầu tư cổ phiếu với mục đích nắm giữ lâu dài để đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhưng cho phép các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay kinh doanh cổ phiếu trong ngắn hạn để thúc đẩy thị trường vốn, trong giới hạn cho phép. Trong trường hợp thị trường chứng khoán có dấu hiệu bất ổn, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng một số công cụ như nâng mức dự phòng rủi ro đối với những hoạt động này để hạn chế các ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán.
Cũng nằm trong các hạn chế để đảo bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, dự luật quy định tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp để làm trụ sở kinh doanh, cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết hoặc nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay.
Liên quan đến đảm bảo phòng ngừa từ xa sự đổ vỡ của các tổ chức tín dụng, dự thảo luật đã đưa quy định mới nhằm tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp sớm và kịp thời chấn chỉnh hoạt động của tổ chức tín dụng thông qua quy định một tổ chức tín dụng có thể bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Đó là khi tổ chức tín dụng hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và khi không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của luật trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục.
Cũng như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Chính phủ đề nghị hiệu lực thi hành của luật này là từ ngày 1/1/2011.
Nguyên Hà
TBKTSG Online
|