Thứ Hai, 02/11/2009 17:55

Sức ép cuối năm trên thị trường tiền tệ

 

Giới hạn tăng trưởng tín dụng 30% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến thời điểm này đã được nhiều ngân hàng thương mại sử dụng gần hết.

 

Trong khi lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên, nhu cầu vốn cuối năm ngày càng tăng đã khiến các ngân hàng siết chặt tín dụng để đảm bảo chất lượng các khoản vay và tăng lãi suất huy động nhằm cung cấp đủ vốn cho nhu cầu của nền kinh tế.

 

Lãi suất tăng

 

Thị trường chứng khoán lên điểm, bất động sản “dậy sóng” là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng thương mại khó thu hút tiền gửi từ dân cư. Đồng nghĩa với nó, nhu cầu vay vốn của người dân để đầu tư vào hai lĩnh vực nóng này cũng tăng lên và tạo áp lực không nhỏ đối với các ngân hàng. Từ giữa tháng 10 đến nay, lãi suất huy động trên thị trường đã liên tục được điều chỉnh theo xu hướng tăng nhằm thỏa mãn nhu cầu vốn. Từ ngày 28/10, ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã tiếp tục điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của SHB với hai sản phẩm tiền gửi tiết kiệm VND là tiết kiệm bậc thang và tiết kiệm rút gốc linh hoạt. Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) cũng điều chỉnh lãi suất huy động VND của sản phẩm “Lãi suất cao nhất” tăng mạnh ở một số kỳ hạn như: 1 tháng là 8,85%/năm, 2 tháng là 8.95%/năm, 3 tháng là 9,55%/năm. Với sản phẩm tiết kiệm “Kỳ hạn duy nhất”, lãi suất cho kỳ hạn 13 tháng lên mức 9,65%/ năm.

 

Tại Western Bank đang áp dụng lãi suất “gây sốc” trên thị trường với mức: 1 tháng: 9,5%/năm; 2 tháng: 9,7%/năm; 3 tháng: 9,9%/năm; 12 tháng: 9,98% và từ 13 tháng đến 36 tháng ở mức 9,99%/năm. VietinBank cũng đưa ra biểu lãi suất áp dụng chung với dân cư và tổ chức ở mức không kỳ hạn là 3,6%/năm và có kỳ hạn là 9,2%/năm; một số ngân hàng như MB, Đông Á, VIB cũng đang áp dụng lãi suất huy động khá cao, đều trên mức 9,5%/năm. Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn ngắn ngày 3 - 6 tháng được các NH áp dụng ở mức khoảng 8,5 - 9,3%/năm.

 

Lãi suất USD cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi khá nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy độn và điều chỉnh lãi suất cho vay. Maritime Bank tăng lãi suất huy động bằng USD với mức lãi suất cao nhất lên đến 4%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng. Ở những kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất cũng được điều chỉnh với mức cạnh tranh cao như: kỳ hạn 1 tháng là 2.0%/năm, 3 tháng là 2.7%/năm, 12 tháng là 3.4%/năm, 18 tháng là 3.5%/năm và 24 tháng là 3.6%/năm. Lý giải cho đợt tăng lãi suất lần này, lãnh đạo Maritime Bank cho biết: Gần đây, hoạt động XNK khởi sắc khiến nhu cầu vay vốn ngoại tệ tại các ngân hàng đang tăng mạnh. Tại Vietcombank, lãi suất huy động USD tăng lên mức 3%, bằng lãi suất cho vay ngoại tệ trước đây. Do vậy, ngân hàng này cũng đã thông báo tăng lãi suất cho vay đô la Mỹ lên với mức thấp nhất là 5%/năm.

 

Áp lực lớn

 

Ông Ngô Xuân Dũng – Giám đốc điều hành ngân hàng Quốc Tế (VIB) cho biết: “ hiện tại VIB đang phải rà soát lại toàn bộ các khoản đã cho vay để đáp ứng đúng yêu cầu củaNHNN. Chủ động có kế hoạch thích hợp trong huy động vốn, cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Các khoản vay dành cho sản xuất kinh doanh cùng với các dự án trọng điểm của Chính phủ và các địa phương sẽ được ưu tiên hàng đầu để tài trợ vốn. Đối với các dự án chưa thật sự cần thiết, VIB sẽ bàn bạc lại với khách hàng để giãn kế hoạch giải ngân.” Được biết, tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua chủ yếu là từ các khoản vay và huy động tiền gửi ngắn hạn. Hiện nay huy động vốn của ngành ngân hàng ở mức trên 5 năm chỉ đạt 5-6%, vốn huy động trên 1 năm cũng không nhiều bởi thế hầu hết các ngân hàng đang sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn. Các khoản tín dụng này cũng đang được NHNN khống chế ở mức 30%.

 

Tính đến cuối tháng 9, nếu nhìn vào tổng thể dư nợ của ngành đạt mức tăng trưởng 29,3% thì chưa có Ngân hàng nào vi phạm vượt trần cho phép. Nhưng thực tế hiện nay các NH đang mất cơ cấu nghiêm trọng về nguồn vốn và sử dụng vốn. Khoảng 2-3 tháng trở lại đây tăng trưởng tín dụng thường cao hơn mức tăng trưởng huy động, dễ dẫn đến mất cân đối. Dự báo tăng trưởng tín dụng trong tháng 10/2009 của toàn ngành ngân hàng chỉ khoảng 1%. Thống đốc NHNN mới đây đã đề nghị các ngân hàng không được chủ quan về cơ cấu tổng thể mà xem cơ cấu huy động vốn so với cơ cấu cho vay, nhằm đảm bảo tốt khả năng thanh khoản.

 

Duy Minh

  

Công Thương

Các tin tức khác

>   Vốn cho vay được dự báo sẽ căng thẳng (02/11/2009)

>   Tuần này, Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Ngân hàng (02/11/2009)

>   Quyền lực đang thuộc về người bán (01/11/2009)

>   Ngân hàng tăng lãi suất USD (31/10/2009)

>   Dịch vụ ngân hàng, nhắm vào đâu? (31/10/2009)

>   Dư nợ tín dụng đã lên tới trên 33% (30/10/2009)

>   NHNN kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành trong Quý III/2009 (30/10/2009)

>   Hoạt động ngân hàng từ 23/10-29/10/2009 (30/10/2009)

>   Trong tuần, dư nợ cho vay HTLS tăng hơn 1.104 tỷ đồng (30/10/2009)

>   Cuối năm, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ (30/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật