Mổ xẻ bức tranh lợi nhuận
CTCP Tài Việt (Vietstock) vừa hoàn thành nghiên cứu báo cáo tài chính của 122 DN niêm yết phi tài chính trong 7 quý liên tiếp, từ quý I/2008 đến quý III/2009. Báo cáo đã tập trung mổ xẻ bức tranh lợi nhuận của các DN, dưới đây là một số kết quả đáng chú ý, không chỉ hữu ích đối với NĐT, mà còn đối với cả các nhà hoạch định chính sách.
Dấu ấn gói hỗ trợ lãi suất
Gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ đã tác động tích cực đến hoạt động của nhiều DN, bởi nợ vay ngắn hạn ngân hàng thông thường chiếm 40 - 50% các khoản nợ phải trả lãi. Trong quý I/2008, chi phí lãi vay chiếm 14,03% lợi nhuận trước thuế của các DN. Nhưng trong quý II và quý III/2008, chi phí lãi vay chiếm tới 30% lợi nhuận trước thuế. Mức gia tăng của chi phí lãi vay này tương đồng với sự gia tăng trong lãi suất đi vay của các DN - có thời điểm vượt 20%/năm. Tuy nhiên, dưới tác động của gói hỗ trợ lãi suất bắt đầu thực hiện trong quý I/2009, chi phí lãi vay/nợ vay ngắn hạn ngân hàng của các DN đã giảm đáng kể, từ mức 6,23% trong quý IV/2008 xuống còn 3% và 3,54% trong quý I và quý II/2009. Bước sang quý III/2009, mức chi phí này giảm còn 2,94%. Vì vậy, trong quý III/2009, chi phí lãi vay chỉ chiếm 12,46% lợi nhuận trước thuế, thấp nhất trong 3 quý đầu năm 2009 (quý I và quý II, các mức này là 22,94% và 17,81%) và ngang bằng với quý I/2008 - thời điểm kết quả sản xuất, kinh doanh chưa bị ảnh hưởng mạnh bởi sự thay đổi của các yếu tố vĩ mô như lãi suất.
Giảm thuế
Trong gói kích cầu thứ nhất của Chính phủ, song song với việc hỗ trợ lãi suất, các DN được miễn giảm và gia hạn thời hạn nộp thuế. Tuy nhiên, trái với tác động tích cực của việc hỗ trợ lãi suất, theo nghiên cứu của Vietstock, việc miễn giảm thuế không có tác dụng lớn đến hiệu quả hoạt động của các DN niêm yết. Bộ phận nghiên cứu của Vietstock giải thích là do việc miễn giảm thuế thu nhập DN bình quân 30% và giãn thời hạn nộp 9 tháng được dành cho DN vừa và nhỏ, trong khi DN niêm yết hầu hết đều có quy mô lớn (so với tổng thể các DN trong nền kinh tế). Thống kê của Vietstock cho thấy, trong năm 2008, thuế suất hiệu lực của các DN niêm yết (tổng số thuế thực tế phải nộp/thu nhập chịu thuế) theo từng quý là 7,21%, 13,12%, 9,87% và 0%. Trong hai quý đầu năm 2009, mức thuế suất hiệu lực của các DN tương ứng là 12,94% và 11,7%. Trong quý III/2009, mức thuế suất hiệu lực thậm chí còn tăng lên 17,4%.
“Ngôi sao sáng” bất động sản
Trong quý II và quý III/2009, các DN bất động sản (BĐS) thực sự là nhóm cổ phiếu “ngôi sao” trên cả hai sàn niêm yết khi lợi nhuận sau thuế rất ấn tượng. Trong quý III, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đạt 320,374 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 773,58% so với cùng kỳ năm ngoái; CTCP Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Sông Đà (SJS) đạt 264,105 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 260,79%; CTCP Phát triển nhà Từ Liêm (NTL) đạt 86,944 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 1.277%… BĐS cũng là ngành duy nhất duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 100% trong hai quý liên tiếp. Cụ thể, trong hai quý II và quý III/2009, các DN BĐS niêm yết có mức tăng trung bình 133% và 178,7% về lợi nhuận so với quý liền trước. Điều này đã hậu thuẫn cho việc tăng giá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu này suốt 3 tháng qua.
Vietstock cho rằng, ngoài sự “ấm lên” cục bộ của thị trường BĐS tại hai địa bàn lớn là Hà Nội và TP. HCM thì sự thay đổi về chính sách và phương pháp kế toán có vai trò đáng kể “làm tăng” lợi nhuận của các DN. Cụ thể, Thông tư số 129/2008/TT- BTC ngày 26/12/2008 hướng dẫn việc thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã thay đổi cách hạch toán doanh thu của DN BĐS, thay vì chỉ ghi nhận doanh thu khi giao nhà như trước, các DN sẽ ghi nhận ngay khi khách hàng đóng tiền.
Theo Vietstock, sự phục hồi của nền kinh tế thời gian qua có thể “nhìn thấy được” trong báo cáo tài chính của các DN niêm yết khi doanh thu của các DN bắt đầu có sự tăng trưởng mạnh từ quý II/2009. Tuy nhiên, trong quý III/2009, doanh thu và lợi nhuận của 122 DN được phân tích tăng trưởng chậm lại. Điều này phần nào giải thích tại sao VN-Index tăng 59,7% trong quý II, nhưng chỉ tăng 29,6% trong quý III.
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|