Thứ Năm, 19/11/2009 11:01

Cho vay đầu tư chứng khoán: Mở hay siết?

Cho vay đầu tư chứng khoán hay không, cho vay như thế nào… là một trong nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận xung quanh dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua vào đầu năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Phần lớn đều cho rằng, nên cho vay nhưng phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ bởi sự an toàn của hệ thống tín dụng phải được ưu tiên hàng đầu. ĐTCK ghi nhận một số ý kiến của ĐBQH.

ĐB Trần Du Lịch, Đoàn TPHCM

Theo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng thì chỉ các tổ chức tín dụng mới được thực hiện cho vay nhưng không đề cập đến việc cho vay đầu tư chứng khoán. Trong khi đó, repo chứng khoán hiện các CTCK đang làm (theo Luật Chứng khoán) cũng là một thứ tín dụng. Nếu tiếp tục thực hiện cho vay chứng khoán thì nên quy định trong dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này và thực hiện sửa Luật Chứng khoán (chỉ tổ chức tín dụng mới được thực hiện tín dụng, trong đó có repo). Như thế sẽ thống nhất được quản lý. Về sản phẩm phái sinh, theo tôi cũng nên dè dặt vì thị trường Việt Nam vẫn còn phôi thai.

ĐB Phạm Thị Loan, Đoàn Hà Nội

Về quy định cấm NHTM, công ty con của NHTM mua, nắm giữ cổ phần của các tổ chức tín dụng khác trong Khoản 6, Điều 103, tôi thấy  không phù hợp. Theo tôi, nên cho phép các ngân hàng, các tổ chức tín dụng được phép góp vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác để hỗ trợ nhau về vốn, về kinh nghiệm quản trị cũng như sức mạnh khác. Tuy nhiên, cần quy định tỷ lệ tối đa được phép mua, đầu tư trên phần vốn chủ sở hữu của ngân hàng, của tổ chức tín dụng đó, tỷ lệ có thể là không quá 15%.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có ý kiến là nên cho vay để đầu tư chứng khoán ngắn hạn và không ưu tiên đầu tư chứng khoán dài hạn. Quan điểm của tôi ngược lại, nên cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay để đầu tư chứng khoán dài hạn, bởi vì đầu tư chứng khoán dài hạn là một kênh huy động vốn trong thị trường vốn có khả năng thanh khoản cao. Nếu chúng ta tập trung nhiều quá đến thị trường chứng khoán theo kiểu ngắn hạn, lướt sóng thì đó là thiên về đầu cơ. Tôi đề nghị chúng ta quan tâm đến đầu tư dài hạn nhiều hơn, đó cũng là một hình thức coi như đầu tư trực tiếp vào DN và cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để cho các chi nhánh cũng như ngân hàng nước ngoài tăng cường cho vay đầu tư chứng khoán dài hạn.

ĐB Hoàng Thị Hảo, Đoàn Hải Dương

Một số quy định trong dự thảo luật có vẻ mở rộng nhưng thực chất là thắt chặt một cách thái quá khiến nhiều người cảm tưởng những gì mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không quản được thì cấm cho an toàn, gây nên sự bất ổn từ chính sách và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư. Khoản 7, Điều 126 không nên cấm ngân hàng thương mại cho vay đầu tư chứng khoán, bởi NHNN vẫn có công cụ kiểm soát và khống chế. Chỉ nên quy định chặt chẽ hơn với điều kiện cho vay và giới hạn tỷ lệ vay phù hợp với giai đoạn thị trường chứng khoán còn nhiều khó khăn hiện nay.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng, Đoàn TPHCM

Dự án Luật các Tổ chức tín dụng đã quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân là 5% và tổ chức là 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, theo tôi là quá thấp so với một số nước trong khu vực. Ở những nước này, họ quy định tỷ lệ đó là 20% đối với cá nhân và 30% đối với các tổ chức. Do đó, tôi ủng hộ ý kiến của Uỷ ban Kinh tế đề nghị quy định tỷ lệ là 10% đối với cổ đông là cá nhân và 20% đối với cổ đông là tổ chức.

Chưa thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng thực hiện chính sách nới lỏng thận trọng

Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội sáng ngày 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, đầu năm 2009, NHNN dự kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ vào khoảng 21-22%. Đến tháng 6/2009, nền kinh tế bước ra khỏi suy thoái, NHNN đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tín dụng lên 25%, đến tháng 9/2009, nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, NHNN tiếp tục điều chỉnh mục tiêu này lên 30% và hiện tại đã vượt quá 33%. Trả lời một đại biểu về việc liệu có xảy ra tình trạng thắt chặt chính sách tiền tệ được coi là "quá sốc" như năm 2007 hay không, ông Giàu khẳng định, hiện NHNN chưa tính tới việc thặt chặt chính sách tiền tệ. Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc cho biết, sở dĩ có động thái thắt chặt tiền tệ năm 2007  vì năm đó thặng dư ngoại tệ tăng đột biến (vào khoảng 10,17 tỷ USD) do đầu tư gián tiếp nước ngoài và kiều hối khiến NHNN phải bỏ VND ra mua lại số ngoại tệ này. Sau đó nâng lãi suất để thu hút tiền về khiến lãi suất trên thị trường tăng mạnh. Nhưng năm nay, thặng dư ngoại tệ đang âm nên không sử dụng công cụ này.

Cũng theo ông Giàu, trong những tháng tới, NHNN chưa đặt vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ mà vẫn tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng một cách thận trọng, nhưng khi có dấu hiệu lạm phát quay trở lại thì có thể sẽ sử dụng biện pháp này. Động thái đầu tiên của việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ bắt đầu từ nâng dự trữ bắt buộc (hiện là 3% đối với tiền gửi không kỳ hạn) và sau đó sẽ là tăng lãi suất.

Đông Hải

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Savimex: Báo cáo phân tích công ty (19/11/2009)

>   Mạnh tay xử phạt thông tin chứng khoán thất thiệt (19/11/2009)

>   Tanimex ước lợi nhuận bình quân sau 5 năm đạt 90 tỷ đồng (19/11/2009)

>   Định hướng phát triển TTCK giai đoạn 2010-2020 (18/11/2009)

>   Sàn Hà Nội giao dịch thông sàn từ 2010 (18/11/2009)

>   ASP thu 100 tỷ đồng nhờ bán 1 triệu trái phiếu doanh nghiệp  (18/11/2009)

>   Vincom phát hành xong 100 triệu USD TPCĐ quốc tế (18/11/2009)

>   TBX: Chồng của Thành viên BKS đăng ký bán 2,000 cổ phiếu (18/11/2009)

>   BTH: Người thân của Giám đốc đã bán hết 8,000 cp (18/11/2009)

>   HBE: Cổ đông nội bộ đăng ký bán hết cổ phiếu đang sở hữu (18/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật