Chủ Nhật, 22/11/2009 09:40

Hệ lụy một cách hiểu mập mờ

Cơn sốt giá vàng lên đỉnh điểm gần 30 triệu đồng/lượng vào ngày 11/11/2009. Hệt như trong đầu cơ chứng khoán (và nhà đất), người ta đổ xô đi mua khi giá lên, kích cho giá càng lên cao nữa.

Chúng ta quá quen thuộc với vòng luẩn quẩn (phản hồi dương tự duy trì) rất thịnh hành trong các hiện tượng xã hội, nhất là trong các thị trường tiền tệ và bất động sản.

Cơn sốt vàng làm cho nhiều nhà đầu cơ phá sản, nhưng cũng làm cho nhiều người phất lên. Tiệm vàng Tuấn Tài ở thành phố Hồ Chí Minh bị hàng trăm khách hàng, đã trót cho tiệm vay vàng để kinh doanh, kéo đến đòi nợ, hệt như tình trạng một ngân hàng nhỏ bị người gửi tiết kiệm đổ xô đến rút tiền. Đấy là những dấu hiệu đáng lo ngại.

Những bất ổn như thế đã làm nóng nghị trường quốc hội khi các đại biểu chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thống đốc thừa nhận “không kiểm soát được các sàn vàng”, “đã có kẽ hở về pháp luật” trong quản lý kinh doanh vàng.

Vàng là kim loại quý được dùng với tư cách tiền từ ngàn xưa. Ngày nay, nó vẫn là một loại ngoại tệ mạnh. Vì thế xuất nhập khẩu vàng được coi là giao dịch tiền tệ, và không được tính vào kim ngạch xuất nhập khẩu (năm ngoái Việt Nam do muốn làm đẹp số liệu nên đã tính vài tỷ USD xuất vàng vào kim ngạch xuất khẩu, coi như xuất hàng kim loại quý; chúng ta còn quay lại hệ quả của sự mập mờ này ở sau).

Vàng cũng là một thứ hàng hóa như bao hàng hoá khác. Nếu việc kinh doanh vàng không với tư cách tiền, thí dụ kinh doanh đồ trang sức đơn thuần, thì kinh doanh vàng chẳng mấy ảnh hưởng đến nền kinh tế, không thể gây ra các xáo động xã hội như vừa qua.

Tuy nhiên, với tư cách tiền (hay tài sản) và nếu có yếu tố vay mượn và đầu cơ, kinh doanh vàng hệt như kinh doanh các đồng tiền, kinh doanh ngoại tệ và phải được quản lý. Chính vì thế các biến động về vàng cũng không khó hiểu khi so sánh với những biến động trên thị trường tiền tệ, chứng khoán hay nhà đất.

Các sàn vàng, các tiệm vàng nhận vàng của dân gửi, như Tuấn Tài chẳng hạn, thực sự là các tổ chức kinh doanh tiền tệ, tín dụng. Với tư cách đó, các tổ chức này cần được quản lý như các tổ chức tài chính. Đáng tiếc do sự mập mờ trong cách hiểu về vàng nên mới có “kẽ hở pháp lý”, mới “không kiểm soát được các sàn vàng” và sự mập mờ này có thể gây ra hậu quả khôn lường.

Giá vàng thế giới biến động như giá các đồng tiền, khó dự đoán nhưng có thể hiểu, có thể lý giải khi hiện tượng đã xảy ra.

Với tư cách đồng tiền, vàng được dùng làm công cụ dự trữ, làm phương tiện đầu tư (hay đầu cơ). Do khủng hoảng kinh tế, đồng USD mất giá, cho nên giá vàng (hay giá của các đồng tiền khác như euro chẳng hạn) tính bằng USD tăng. Đồng dollar yếu khiến nhiều nước không còn mặn mà dùng nó làm tiền dự trữ, họ chuyển một phần dự trữ sang vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Vài số liệu sau minh họa cho diễn biến này: Dự trữ vàng của Trung Quốc tăng từ 454 tấn năm 2003 lên trên 1.000 tấn năm 2009. Ấn Độ đã mua 230 tấn vàng trong tổng số 403 tấn vàng bán ra của IMF. Nga dự tính bán một lượng vàng đáng kể nhưng cuối cùng không thực hiện.

Các ngân hàng trung ương khác cũng có động thái mua thêm vàng dự trữ.  Những việc này lại khiến cầu về vàng tăng, đẩy giá vàng tăng liên tiếp. Ta lại thấy một vòng luẩn quẩn nữa.

Đồng tiền Việt Nam được neo vào đồng USD, và thậm chí còn mất giá so với USD mà ai cũng cảm thấy và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, nên giá vàng tại Việt Nam cũng ngày càng tăng thời gian vừa qua.

Chồng lên xu hướng tăng giá vàng thế giới là tác động của giới đầu cơ. Việc làm giá vàng của giới này cũng hệt như cách làm giá chứng khoán hay nhà đất của các nhà đầu cơ trong các lĩnh vực đó. Tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn ở đây cũng vậy. Khi giá lên thì đổ xô đi mua, càng đẩy giá lên cao nữa. Nhưng giá không thể lên vô độ và rồi cũng phải xuống. Khi giá xuống lại đổ xô đi bán, đẩy giá xuống nữa. Hình mẫu khá quen thuộc.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng giũa thị trường vàng và thị trường chứng khoán. Người dân, nhà đầu cơ tin vào vàng hơn tin vào tờ cổ phiếu rất nhiều. Điều này giải thích vì sao khi giá xuống, cái vòng luẩn quẩn (phản hồi dương tự kích) không kéo giá vàng xuống thê thảm như giá của các cổ phiếu (xuống mức chẳng khác gì mớ giấy lộn).

Tránh mập mờ trong lý giải hai chức năng tiền tệ và hàng hoá của vàng, biết được sự giống nhau và khác nhau của các thị trường vàng, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, sẽ giúp nhân dân, nhà đầu tư và các nhà quản lý có cách ứng xử thích hợp, tránh được những hoảng loạn có thể gây bất ổn xã hội.

Nguyễn Quang A

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   Muốn 'lướt sóng' vàng, phải có 10 triệu USD (21/11/2009)

>   Có nên coi vàng như... rau? (21/11/2009)

>   Giá vàng tăng gần 600.0000 đồng sau một tuần (21/11/2009)

>   Vàng sẽ điều chỉnh mạnh nhưng còn tăng tiếp (21/11/2009)

>   Trắng tay với đòn bẩy tài chính (21/11/2009)

>   Vàng tăng nhẹ, USD phục hồi (20/11/2009)

>   Quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc: Cái gai tỷ giá (20/11/2009)

>   Nợ nước ngoài lên, dự trữ ngoại hối giảm (20/11/2009)

>   Giá vàng trong nước ở mức cao, nhà đầu tư thận trọng (20/11/2009)

>   Giá vàng thế giới tăng tiếp bất chấp USD phục hồi (20/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật