Có nên coi vàng như... rau?
Từ “địa vị” là hàng quốc cấm thì giờ đây, kinh doanh vàng được tự do thoải mái như hàng hóa thông thường. Và cùng với sự dễ dãi trong quản lý, không chỉ thị trường này bất ổn mà còn gây lộn xộn sang cả lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.
Đã có một thời kỳ, vàng được coi là tài sản mà Nhà nước phải quản lý, công dân không được sở hữu quá 2 chỉ vàng/người. Nhưng đến thập niên 80 thế kỷ trước, mặc dù Nhà nước không chính thức cho phép lưu thông vàng một cách bình thường nhưng khi lạm phát cao, kinh tế khủng hoảng thì việc nắm giữ và buôn bán vàng gần như trở thành phổ biến. Từ đó, giá nhà cửa, đất đai, xe máy, nồi áp suất, bàn là... hầu như đều được định giá qua vàng.
Vàng “loạn” là vàng nào?
Với thực tế trên, Nhà nước đã nới lỏng hơn bằng cách cho phép các công ty vàng bạc nhà nước mở các quầy sửa chữa và thử vàng và nhập khẩu vàng để can thiệp thị trường (Tổng công ty vàng bạc đá quý). Tuy nhiên, những động thái này không có tác dụng nhiều đến thị trường vì đồng tiền vẫn liên tục mất giá, chưa kể việc không kiểm soát được vấn đề mua bán nên nhiều khi nhân viên công ty vàng nhà nước lại tuồn hàng ra “chợ đen”.
Thị trường vàng chỉ ổn định dần sau khi Nhà nước có phương án kiểm soát thành công phi mã lạm phát đầu 1989. Từ đó, việc buôn bán vàng trở nên dễ dàng, nhiều cửa hàng vàng tư nhân ra đời và Nhà nước bắt đầu cho nhập khẩu vàng. Tất nhiên, Nhà nước vẫn quản lý giấy phép nhập khẩu, chứ không quản lý theo kiểu cho nhập khẩu bao nhiêu cũng được. Với cách này, sự ổn định của thị trường vàng được kéo dài trong nhiều năm.
Mười năm sau, Chính phủ ban hành Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với sự rạch ròi hơn từ việc phân loại vàng.
Cụ thể, kinh doanh vàng trên thị trường chỉ được tiến hành đối với loại “vàng không phải vàng tiêu chuẩn quốc tế” mà cụ thể là vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng, vàng nguyên liệu (vàng cám, vàng vụn...).
Còn “vàng tiêu chuẩn quốc tế” thì sao? Theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đây là loại vàng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định số 63/1998/NĐ – CP ngày 17/8/1998 về quản lý ngoại hối. Theo đó, chúng đóng vai trò dự trữ quốc gia dưới hình thái vàng vì muốn có loại hàng hóa này, phải sử dụng ngoại tệ nhập khẩu từ nước ngoài. Bởi vậy, quản lý loại hàng hóa này được thực hiện rất khắt khe bởi Ngân hàng Nhà nước.
Còn loại “vàng không phải vàng tiêu chuẩn quốc tế” không phải dự trữ quốc gia mà chúng chỉ là thứ hàng hóa đáp ứng vai trò của đồng tiền thanh toán hoặc bảo toàn giá trị tài sản có giá trị cao của người dân. Và trong đợt sốt vàng vừa qua, chính là loại vàng này.
Cần siết chặt công tác quản lý
Liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh loại hàng hóa này, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới cho biết: “Theo Nghị định 174, nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước là cấp, thu hồi giấy phép đối với sản xuất vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng theo quy định nghị định 174 và mang theo vàng khi xuất - nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định”.
Theo đó, giấy phép hoạt động kinh doanh vàng do sở kế hoạch và đầu tư địa phương cấp, dĩ nhiên, đã kinh doanh loại hàng này, doanh nghiệp phải đảm bảo một điều kiện khác là “vốn pháp định” theo quy định luật pháp.
Trở lại với những diễn biến của thị trường vàng vừa qua, thấy nổi lên mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, giá vàng biến động vượt quá mức giá thế giới và đạt đỉnh 29,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới tại thời đó xấp xỉ 26 triệu đồng/lượng.
Lý giải nguyên nhân này, ông Khánh nói: “Đợt sốt vàng vừa qua là do trong 18 tháng liền Nhà nước không cho phép nhập khẩu vàng trong khi quý 1/2009, Việt Nam xuất khẩu một lượng vàng khá lớn. Thời kỳ Nhà nước cho phép nhập khẩu thoải mái thì không sốt và giá vàng trong nước chỉ cao hơn thế giới khoảng vài trăm nghìn đồng/lượng. Sự liên thông về cung cầu đã không làm bất ổn giá vàng trong nước”.
Thứ hai, có những đơn vị kinh doanh vàng bạc trang sức đã tự ý sử dụng các nghiệp vụ ngân hàng hoặc nghiệp vụ của công ty tài chính thông qua hình thức mua/bán tương lai, quyền chọn, huy động vốn của người dân lãi suất cao, găm giữ tiền/vàng khách hàng để mua/bán trong phiên sau.
Khi mất khả năng thanh toán, vỡ nợ, hậu quả xấu để lại không nhỏ đối với cả người dân và hoạt động quản lý thị trường tiền tệ mà điển hình là doanh nghiệp tư nhân Tuấn Tài ở Tp. HCM là một ví dụ.
Điều 3, Nghị định 174 quy định khá rõ: “Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này” và như vậy, việc để xảy ra tình trạng lộn xộn trên, không thể nói là không có phần trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba, trên thị trường vàng hiện có rất nhiều thương hiệu vàng, và gần như thương hiệu nào cũng cho rằng vàng của mình là “4 số 9” chứ không phải “3 số 9” nhưng thực tế, cơ quan nào kiểm định và xây dựng một quy chuẩn để tránh lộn xộn trên thị trường thì lại chưa thấy đả động.
Ông Khánh cho rằng, để giải quyết tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” này thì cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý thị trường và công an kinh tế. Ngoài ra, Hiệp hội kinh doanh vàng bạc cũng đang triển khai xây dựng “chuẩn” chung cho sản phẩm vàng đang kinh doanh trên thị trường để tránh tình trạng lộn xộn trên.
Thứ tư, một điều không thể không quan tâm là sự tương tác giữa vàng, ngoại hối, lãi suất. Một chuyên gia nêu ví dụ: “Khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới, sẽ xuất hiện hành vi gom USD trên thị trường tự do, nhập khẩu lậu vàng, từ đó gây sức ép lên quản lý tỷ giá”.
Như vậy, đối với những bất ổn trên thị trường vàng vừa qua, có thể thấy hành lang pháp lý chưa hẳn đã thiếu, có chăng là thiếu sự quản lý sâu sát của các cơ quan chức năng. Có phải tình trạng này là xuất phát từ quan niệm vàng cũng như hàng hóa thông thường khác?
Nguyễn Hoài
tbktvn
|