Thứ Bảy, 10/10/2009 15:37

Vẫn tồn tại hai tỷ giá

Việc thị trường phải chấp nhận cùng một lúc một hệ thống hai tỷ giá hối đoái – tỷ giá chính thức của ngân hàng Nhà nước và tỷ giá “chợ đen” – đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân. Liệu có thể duy trì lâu dài tình trạng mà ai cũng biết này?

Khi cần thanh toán cho một đối tác nước ngoài bằng ngoại tệ (chi phí một chuyến đi công tác sắp tới) thì mặc dù hội đủ mọi điều kiện chuyển tiền ra nước ngoài theo quy định quản lý ngoại hối chặt chẽ của Chính phủ, chúng tôi vẫn không thể mua được USD với tỷ giá chính thức do ngân hàng Nhà nước đặt ra.

“Ngân hàng đang ở trong tình trạng thiếu ngoại tệ”, cô nhân viên một ngân hàng thương mại nước ngoài rất ân cần giải thích. “Chúng tôi sẵn sàng làm nghiệp vụ chuyển tiền, nhưng chị thông cảm đi mua đôla ở thị trường chợ đen”.

Chợ đen ở đâu? Những người có ý thức chấp hành luật pháp không cảm thấy thoải mái đi kiếm mua ngoại tệ ở chợ đen, nhất là khi đây được coi là hoạt động trái luật pháp. Trên thực tế, những người chuyên giao dịch xuất nhập khẩu lúc nào cũng có sẵn các số điện thoại của những đầu mối đổi ngoại tệ, có khả năng cung cấp ngoại tệ với số lượng lớn, chỉ có điều giá cao hơn nhiều so với biên độ tăng/giảm 3% so với tỷ giá hối đoái liên ngân hàng mà ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày. Vào ngày 8.10, khi tỷ giá liên ngân hàng là 16.998đ/USD, thì tỷ giá bán ra của thị trường chợ đen là 18.280đ.

Đây là vấn đề nhức đầu kinh niên với hầu hết các doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu thanh toán với nước ngoài. Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều cho biết, mặc dù ngân hàng Nhà nước cam kết đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu về ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại, thì tình trạng thiếu ngoại tệ, thật hay ảo khó xác định, vẫn diễn ra triền miên, tạo ra những lỗ hổng và những khoảng tối thiếu lành mạnh trong hoạt động giao dịch giữa các tổ chức kinh tế. Những doanh nghiệp được ưu tiên giải quyết mua ngoại tệ với giá chính thức là những doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu thiết yếu (ví dụ như nhập xăng dầu) hoặc những doanh nghiệp có quan hệ tốt với ngân hàng, thông thường là những doanh nghiệp lớn, có giao dịch thường xuyên. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc những người có nhu cầu thanh toán vãng lai, việc mua USD với tỷ giá chính thức gần như là không thể. Tuỳ từng giai đoạn, nhu cầu về ngoại tệ, thông thường là đôla Mỹ, tăng mạnh khiến tạo ra những căng thẳng về tỷ giá trên thị trường tự do và những bất ổn trong tâm lý thị trường về giá trị tiền đồng.

Một doanh nghiệp, không muốn nêu tên vì không muốn ảnh hưởng đến quan hệ với ngân hàng, cho biết, trong nhiều trường hợp các ngân hàng sẽ làm thủ tục bán ngoại tệ theo tỷ giá chính thức nhưng cộng thêm nhiều loại phí khiến cho tỷ giá này trong thực tế cũng cao gần bằng tỷ giá không chính thức. Theo ngân hàng nhà nước, các ngân hàng trong trạng thái “âm ngoại tệ” vẫn được cung cấp đủ ngoại tệ theo tỷ giá chính thức. Như vậy, có một sự chênh lệch mà bên bị thiệt thường là các doanh nghiệp.

Điều hành tỷ giá không phải là công việc dễ dàng, nhất là trong tình hình hiện tại, khi nợ nước ngoài của Việt Nam không nhỏ (khoảng 28,8% GDP theo số liệu của Standard & Poor’s); áp lực lạm phát đang tăng trong khi giá USD trên thị trường quốc tế vẫn đang trong xu hướng giảm. Trong khi ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định điều hành tỷ giá linh hoạt, các chuyên gia kinh tế ước đoán rằng đồng Việt Nam sẽ đi theo hướng giảm giá dần từ nay đến cuối năm, với áp lực phải kích thích xuất khẩu (do xuất khẩu vẫn đang trong xu hướng giảm) và áp lực nhập siêu tăng. Đây cũng là lý do khiến cho tâm lý gom, giữ USD vẫn rất phổ biến trên thị trường, gây ra những bất cân bằng hiện nay.

Không ít phân tích gần đây bày tỏ lo ngại về khả năng mất cân bằng cán cân thanh toán, có thể không ngay lập tức, nhưng cũng đang ngày một rõ hơn khi nhập siêu đang có xu hướng tăng, đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đều giảm, và biện pháp đối phó của ngân hàng Nhà nước là cung cấp USD cho các ngân hàng thương mại hiện nay có thể khiến cạn bớt dự trữ ngoại tệ quốc gia. Standard & Poor’s, trong báo cáo kinh tế Việt Nam phát hành giữa tháng 9.2009, dự báo thâm hụt cán cân thanh toán năm 2009 ở mức 4 tỉ USD. Tuy nhiên theo một phân tích khác của công ty chứng khoán Bảo Việt, thì nhập siêu tính đến tháng 9 đã ở mức 6,5 tỉ USD. Dù gì đi nữa, cán cân thanh toán cũng không đáng lo như tình trạng mất cân bằng lên tới 18 tỉ USD của năm 2008. Đợt xuất khẩu vàng thành công hồi đầu năm nay đã góp một phần quan trọng vào việc cân bằng cán cân thanh toán.

Tuy vậy, việc ngân hàng Nhà nước dốc ngoại tệ cung cấp cho một số ngân hàng thương mại trong khi đa số doanh nghiệp vẫn phải chịu đựng tỷ giá không chính thức là một tình trạng không lành mạnh của thị trường hiện nay. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng ngần ngại giải ngân khi không chắc chắn về xu hướng sắp tới của tỷ giá. Đó là chưa kể đến việc tỷ giá bấp bênh càng hỗ trợ cho một nền kinh tế tiếp tục bị đôla hoá, và khi các giao dịch đều được tính toán trên giá trị đôla thay vì đồng nội tệ. Đây rõ ràng là một vấn đề cần được giải quyết sớm thì tốt hơn là để kéo dài quá lâu.

Lan Anh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Giá vàng ổn định trên 23 triệu đồng vào ngày cuối tuần (10/10/2009)

>   Nền kinh tế mới nổi không nên trữ nhiều ngoại tệ (10/10/2009)

>   Nên đầu tư vàng dài hay ngắn hạn? (09/10/2009)

>   Đôla ngân hàng cao kỷ lục (09/10/2009)

>   Giá vàng trượt giảm trước tuyên bố của Chủ tịch FED (09/10/2009)

>   Vàng rớt giá mạnh sau chuỗi ngày bùng nổ (09/10/2009)

>   Gợi ý mô hình sàn vàng tại Việt Nam (09/10/2009)

>   Vàng tăng nóng, kinh tế có “sôi”? (09/10/2009)

>   Giá vàng thiết lập đỉnh mới, trên 1,050 USD/oz (08/10/2009)

>   Thị trường vàng nữ trang VN : Đang mất lợi thế cạnh tranh (08/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật