Thứ Sáu, 09/10/2009 07:18

Gợi ý mô hình sàn vàng tại Việt Nam

Hiện tại, đang có tranh luận khá sôi nổi về mô hình tổ chức sàn vàng sao cho bảo vệ được lợi ích của nhà đầu tư, DN và sự an toàn của cả hệ thống tài chính ngân hàng. Người viết bài này cũng muốn đưa ra một gợi ý về việc tổ chức mô hình sàn vàng để tham khảo.

Nếu nhìn ra thế giới về sự phát triển của các mô hình sàn vàng, chúng ta nhận thấy rằng, để có được sự hoàn thiện như hiện nay, các Sở giao dịch hàng hoá (trong đó có vàng hoặc độc lập) đã có một bề dày lịch sử hình thành và phát triển tương đối dài, có khi tới hàng trăm năm.

Kinh nghiệm quốc tế

Theo kinh nghiệm tại các nền kinh tế phát triển, mô hình sàn vàng tập trung và độc lập tương đối (về tài chính) và thông thường là một định chế riêng biệt theo kiểu mô hình Sàn giao dịch hàng hóa (như COMEX ở Mỹ) hoặc sàn giao dịch vàng ở Anh... Mô hình này có thể là tổ chức kinh doanh (thu lợi nhuận) khi thị trường đã phát triển và hệ thống khuôn khổ pháp lý đã tốt. Tuy nhiên cũng có mô hình hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận (phổ biến khi chưa đủ khuôn khổ pháp luật). Mô hình giao dịch hàng  hóa ở Nhật Bản (TOCOM): là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo Luật Sở giao dịch ban hành từ năm 1950 (Commodity Exchange Law - 1950). Tại NewYork có sàn giao dịch hàng hóa NYMEX có độ thâm niên 135 năm.

Cho dù mô hình quản trị có khác nhau (kể cả sở hữu) nhưng nhìn chung nguyên tắc hoạt động của nó là đảm bảo tính độc lập, tính minh bạch... nhằm hạn chế các gian lận trong giao dịch như giao dịch nội gián, làm giá,... và các trục lợi khác. Xét trên phương diện nào đó mô hình giao dịch vàng điện tử (tài khoản) được tổ chức về mặt kỹ thuật theo kiểu một trung tâm thanh toán bù trừ điện tử hoặc tổ chức như một sở giao dịch chứng khoán nên mức độ minh bạch rất cao và  tránh được các rủi ro của các đối tác như mất khả năng thanh toán...

Nhìn về VN

Theo một nghĩa nào đó, người ta cho rằng mô hình sàn vàng hiện nay ở VN phát triển tự phát. Và cho dù thế nào đi chăng nữa cũng cần một cơ chế tổ chức hiện đại hơn nhằm tôn trọng quyền lợi của các bên tham gia.

Tuy nhiên những chuẩn tắc về giao dịch hàng hóa theo kiểu Sở/Sàn hàng hóa hiện nay ở VN hầu như là con số không: thị trường thiếu hẳn một khuôn khổ pháp lý cho giao dịch vàng trên tài khoản, vàng điện tử; không có hệ thống tài khoản kim loại quý; không có quy chuẩn hàng hóa cho giao dịch qua sở/sàn hay giao dịch điện tử; các quy định về bảo vệ nhà đầu tư,... Trong điều kiện đó thì mô hình kỹ thuật hợp lý cho giao dịch vàng tài  khoản/điện tử là trung tâm hoạt động phi lợi nhuận và sau đó đi đến mô hình có lợi nhuận như kiểu Sở giao dịch chứng khoán VN đã trải qua trung tâm giao dịch chứng khoán.

Đề xuất mô hình sàn vàng VN

Theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm về phát triển thị trường, hiện tại các sàn vàng là sự phát triển tự phát và không có định hướng. Thị trường đang rất cần định hướng rõ ràng hướng tới những chuẩn tắc quốc tế.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở VN hiện nay, thiết nghĩ mô hình sàn vàng ở VN nên theo hướng: Về tổng quát, mô hình sàn vàng VN nên đi từ trung tâm tới Sở giao dịch vàng. Nhà nước (NHNN và Bộ Công Thương) cần đứng ra xây dựng cơ sở pháp lý cho trung tâm giao dịch (bao gồm cơ chế hoạt động của sàn, quy chế giao dịch, tổ chức lưu ký vàng tài khoản và vàng vật chất, hệ thống nhận lệnh, khớp lệnh...); Hiệp hội  kinh doanh vàng VN cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng cùng với cơ quan quản lý thống nhất và công nhận một số điều kiện và chuẩn mực giao dịch vàng như hệ thống tài khoản vàng giao dịch, đơn vị hạch toán (là lượng hay oz), điều kiện về vàng trong giao dịch (vàng miếng loại nào, do hãng nào đúc...), điều kiện giao hàng (tối thiểu là bao nhiêu vàng vật chất), các giao dịch nào thực hiện qua trung tâm (giao ngay, giao sau, quyền lựa chọn vàng, giao dịch kiểu margin trading như hiện nay,..); vay vàng thế nào, ứng trước thế nào,... (NHNN kiểm soát đến đâu để khống chế lạm phát...).

NHNN VN, hoặc Bộ Công Thương có thể cho thành lập một trung tâm giao dịch hàng hoá (trong đó có vàng) tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh (như Sở Giao dịch chứng khoán), các NHTM, các Cty môi giới kinh doanh vàng (như các Cty Chứng khoán) là thành viên của Trung tâm giao dịch vàng (sau này là sở giao dịch hàng hoá) và được kết nối với Trung tâm để đặt lệnh của khách hàng/ hoặc quản lý tài khoản cho khách hàng như chứng khoán hiện nay.

Việc phát triển tuần tự và hướng tới chuẩn mực quốc tế sẽ đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư vàng, các DN và ổn định hệ thống tài chính (quốc gia). Việc thành lập Trung tâm (sau đó là Sở giao dịch hàng hoá/ giao dịch vàng) sẽ không ảnh hưởng gì đến các Cty kinh doanh vàng trên tài khoản hiện nay mà chỉ là bước chuyển đổi tài khoản của khách hàng. Mô hình và định hướng phát triển cần phải rõ và kiên định ngay từ bây giờ nếu không để hàng loạt sàn phát triển tự phát và ào ạt thì sau này sửa sai là vô cùng tốn kém cho xã hội và quốc gia.

Ths Lê Văn Hinh

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Vàng tăng nóng, kinh tế có “sôi”? (09/10/2009)

>   Giá vàng thiết lập đỉnh mới, trên 1,050 USD/oz (08/10/2009)

>   Thị trường vàng nữ trang VN : Đang mất lợi thế cạnh tranh (08/10/2009)

>   Vàng thế giới có thể tăng giá gấp đôi so với hiện nay (08/10/2009)

>   Nín thở theo dõi diễn biến giá vàng (08/10/2009)

>   Chiều 07/10, giá vàng “bốc lửa” (07/10/2009)

>   Thị trường ngoại tệ đang dần cân đối cung-cầu (07/10/2009)

>   Vàng thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao kỷ lục (07/10/2009)

>   Giá vàng tiến sát ngưỡng 23 triệu đồng một lượng (07/10/2009)

>   Quy định KD vàng trên tài khoản: Nhiều điểm bất hợp lý (07/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật