Thứ Sáu, 09/10/2009 06:44

Vàng tăng nóng, kinh tế có “sôi”?

Mấy ngày gần đây giá vàng liên tục tăng, đạt mức giá kỷ lục với “bước nhảy” cao chưa từng có trong lịch sử: 36 USD! Mức giá vàng trên thị trường thế giới đã lên tới 1.056,3 USD/ounce vào trưa 8-10. Thị trường vàng trong nước cũng sùng sục như chảo dầu. Liệu các hoạt động kinh tế sẽ bị “cuốn” theo đồ thị giá vàng?

Tăng giá, tăng giá, tăng giá...

Những tưởng “vùng kháng cự” của giá vàng thế giới định hình và duy trì trong vòng một tháng nay (từ 7-9 đến 5-10) sẽ tiếp tục dao động ở khoảng 1.000 – 1.020 USD/ounce thì chỉ trong 3 ngày ngắn ngủi trở lại đây giá vàng đã tạo ra cơn “siêu bão” thật sự.

“Bước nhảy” của giá vàng đã lên con số 36 USD, cao kỷ lục trong lịch sử; đồng thời mức giá cũng tiến đến kỷ lục cao nhất từ trước đến nay: 1.056,3 USD/ounce (trưa ngày 8-10), tăng 11,70 USD/ounce so với giá đóng cửa phiên ngày trước.

Thị trường vàng trong nước cũng bị ảnh hưởng mạnh theo. Sau khi giá vàng thoát khỏi mức 22 triệu đồng/lượng và đột ngột tăng nhanh lên mốc 23 triệu đồng/lượng thì thị trường vàng vật chất trong nước bị cuốn theo, các nhà đầu tư nhỏ lẻ hối hả bán chốt lời.

Các nhà kinh doanh vàng thì thay đổi xoành xoạch bảng giá vàng niêm yết trong ngày. Nếu cuối tuần qua vàng SJC được mua vào với giá 22,27 triệu đồng/lượng thì trưa 8-10 giá đã vượt qua ngưỡng 23 triệu đồng/lượng, “leo lên” mức 23,15 triệu đồng/lượng (thu vào) và 23,20 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 230.000 đồng/lượng so với giá chốt chiều 7-10 và tăng hơn 88.000 đồng/lượng chỉ trong vòng 3 ngày.

Riêng ngày 7-10, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã thu mua vào trên 6.000 lượng.

Nhiều nhà đầu tư lẫn chuyên gia trong nước hầu như không đoán được đường đi của giá vàng hiện nay, còn các tổ chức quốc tế lại đưa ra nhiều dự báo khác nhau.

Theo báo Gold Newsletter, giá vàng thế giới sẽ lên đến 1.100 USD/ounce vào cuối năm 2009 nhưng FastMarkets lại tiên đoán giá vàng sẽ lên 1.200 – 1.300 USD vào tháng 12-2009 do đồng USD yếu và áp lực lạm phát quay trở lại.

Xa hơn một chút, Midas Fund cho rằng có nhiều cơ sở để vàng tiến tới mốc 1.200 USD/ounce trong quý 1-2010. Ngược lại, CMC cho rằng giá vàng sẽ quay về vùng 960 – 970 USD/ounce, sau đó mới tăng lên 1.050 – 1.150 USD vào cuối quý 1-2010…

Không ảnh hưởng đến nền kinh tế?

Ngoài dự báo nhu cầu vàng vật chất sẽ tăng trong tháng 10 do tháng này trùng với mùa lễ hội Diwadi ở Ấn Độ thì các dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao của các tổ chức tài chính phần lớn đều dựa trên “sức khỏe” của các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Chẳng hạn, Tập đoàn tài chính Merry Lynch cho rằng năm 2010 giá vàng sẽ tăng lên 1.500 USD/ounce và dầu thô sẽ lên trên 100 USD/thùng do các nền kinh tế phát triển hồi phục.

Cùng với đó, đồng USD vẫn đang “trượt dốc” nên vàng được xem là lựa chọn an toàn và hiện tượng các nhà đầu tư đổ xô thu gom vàng là chuyện đương nhiên. Trong 3 ngày qua, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR – Gold Trust liên tục mua thêm vàng (ngày 5-10 mua 1,52 tấn; ngày 6-10 mua 2,44 tấn, ngày 7-10 mua 8,8 tấn) để nâng quỹ tích trữ vàng lên 1.109,31 tấn.

Không những đồng USD mất giá mà nhiều đồng tiền mạnh khác cũng sẽ cùng cảnh ngộ khi các nước này đẩy mạnh bơm tiền để chống suy thoái kinh tế. Đồng thời, xu thế chuyển sang đầu tư vào vàng ngày càng mạnh lên khi có thông tin các nước Arập tẩy chay USD, chuyển sang dùng đồng tiền khác hoặc vàng để định giá dầu mỏ.

Với tình hình trong nước, có ý kiến cho rằng giá vàng tăng vọt sẽ càng hấp dẫn người dân lao vào mua bán vàng hơn, từ đó cũng gây áp lực làm mất giá USD. Bên cạnh đó, sẽ có lượng tiền đáng kể bị rút ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại và chảy vào thị trường vàng, gây thiếu hụt nguồn vốn và các ngân hàng buộc phải chạy đua tăng lãi suất huy động.

Tuy nhiên, với Phó Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình Phạm Quốc Thanh thì vàng tăng giá chẳng “hề hấn” gì đến nguồn huy động tiền VND lẫn USD của ngân hàng. Theo ông Thanh, với giá vàng tăng bất thường như vậy thì người dân sẽ dè dặt mua bán, chỉ có các nhà đầu tư chuyên nghiệp mới “say vàng” và họ đã có nguồn tiền dự phòng để không “làm phiền” ngân hàng.

Cùng quan điểm, PGS-TS Trần Huy Hoàng, Trưởng khoa Ngân hàng - Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng dù có chuyện rút vốn để đầu tư vào vàng tăng mạnh thì cũng không tác động đáng kể đến lãi suất, nguồn vốn của ngân hàng. Hơn nữa, đồng USD không những không bị ảnh hưởng mà còn ít biến động về tỷ giá, được Ngân hàng Nhà nước điều tiết tăng giá nhẹ dần so với VND để hỗ trợ xuất khẩu.

Do vậy, những hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu của nền kinh tế nước ta sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ sự tăng nhiệt của thị trường vàng.

Hoàng Liêm - Mai Thi

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Giá vàng thiết lập đỉnh mới, trên 1,050 USD/oz (08/10/2009)

>   Thị trường vàng nữ trang VN : Đang mất lợi thế cạnh tranh (08/10/2009)

>   Vàng thế giới có thể tăng giá gấp đôi so với hiện nay (08/10/2009)

>   Nín thở theo dõi diễn biến giá vàng (08/10/2009)

>   Chiều 07/10, giá vàng “bốc lửa” (07/10/2009)

>   Thị trường ngoại tệ đang dần cân đối cung-cầu (07/10/2009)

>   Vàng thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao kỷ lục (07/10/2009)

>   Giá vàng tiến sát ngưỡng 23 triệu đồng một lượng (07/10/2009)

>   Quy định KD vàng trên tài khoản: Nhiều điểm bất hợp lý (07/10/2009)

>   Vàng chạm mức cao kỷ lục mới 1,036.40 USD/oz (06/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật