Thị trường vàng nữ trang VN : Đang mất lợi thế cạnh tranh
Thị trường vàng nữ trang tại TP HCM mỗi năm cung ứng khoảng 2,5 triệu sản phẩm nữ trang. Quy mô mua bán của thị trường này lên tới cả ngàn tỷ đồng. Thế nhưng tại VN hiện nay lại chưa hề có những tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng cho mặt hàng này.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của Trung Quốc xâm nhập VN bằng nhiều con đường, khiến khách hàng của thị trường này đang phải chịu những thiệt hại về giá trị sản phẩm.
Cạnh tranh quyết liệt bằng giá
Theo chị Trần Thanh Loan – Chủ DN vàng bạc Kim Loan, hiện nay có một số đơn chào vàng Trung Quốc với giá rẻ hơn khoảng 70.000 đồng/lượng so với nhập khẩu qua đường chính thức. Tại các khu vực chợ vàng của TP HCM cũng có nhiều DN vẫn bày bán những sản phẩm trang sức vàng Trung Quốc. Chị Loan cho biết thêm, hàng nữ trang xâm nhập từ Trung Quốc chủ yếu là vàng 18 K, 14 K, giá ngang với vàng "bảy tuổi rưỡi" (75% vàng) trong nước hay vàng trắng. Tuy nhiên, không giống với những sản phẩm trang sức khác bị tính giá gia công từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy kiểu, những sản phẩm nữ trang nhập từ Trung Quốc thường được miễn phí gia công nên giá thành phẩm rẻ hơn.
So với giá sỉ của các Cty, DN kinh doanh vàng trong nước, mỗi lượng vàng 18 K của Trung Quốc được chào giá thấp hơn khoảng 2 USD. Vàng trắng, vàng 14 K giá càng mềm hơn, giảm 3 - 4 USD so sản phẩm sản xuất trong nước.
Phải thận trọng
Đại diện một số đơn vị kinh doanh vàng nữ trang trong nước cho rằng, trong khi vàng trang sức trong nước phải nhập khẩu với giá khá cao, đặc biệt là dòng vàng trắng cao cấp, thì vàng Trung Quốc giá thấp đang bắt đầu khai thác thị trường đầy tiềm năng của VN.
Có thể nói người tiêu dùng đang phải chịu thiệt vì mua phải vàng trang sức thiếu tuổi. Thậm chí nếu nơi bán không chịu mua lại thì khách hàng cũng không thể kiện vì không có quy định buộc người bán hàng chịu trách nhiệm về việc này.
Đại diện một số đơn vị kinh doanh vàng nữ trang có thương hiệu trong nước cho rằng, vàng nữ trang Trung Quốc không cạnh tranh được với họ bởi vướng một số hạn chế về bảo hành, thu đổi, chính sách hậu mãi. Mặc dù vậy, với những lợi thế không mất tiền “ gia công”, tuổi vàng không chính xác, các sản phẩm nữ trang Trung Quốc ngày càng có lợi thế để bước vào thị trường VN.
Thực tế, hiện các quy định của VN không có tiêu chuẩn cụ thể trong trang sức là hàm lượng vàng tối thiểu phải đạt cho từng loại là bao nhiêu. Hơn nữa trang sức được xếp vào loại hàng hoá thông thường nên nhà kinh doanh được phép tự đăng ký và chịu trách nhiệm về chất lượng đăng ký.
Thiết nghĩ, muộn còn hơn không, các nhà quản lý cần có những giải pháp kịp thời để giúp DN trong nước tự tin cạnh tranh “sòng phẳng” với các sản phẩm nhập khẩu.
Ông Phạm Văn Tám - Phó Chủ tịch Hội kim hoàn TP HCM :
Trước đây, khi thuế nhập khẩu vàng là 1% thì lượng vàng nhập lậu gấp 2-3 lần vàng nhập khẩu chính ngạch. Từ khi thuế nhập khẩu vàng xuống còn 0,5% thì lượng vàng nhập lậu này chỉ còn chiếm trên dưới 50% vàng nhập theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, vẫn cần có biện pháp mạnh xử lý hiệu quả và đồng bộ việc một số DN nhập khẩu vàng lậu từ Trung Quốc.
Các DN kinh doanh vàng hãy cẩn trọng với loại vàng này. Bởi vàng nhập lậu từ Trung Quốc, do chất lượng không cao nên khi dùng loại vàng này để chế tác đồ trang sức sẽ làm mất uy tín của chính DN.
Chuthichanh: Trong khi vàng trang sức trong nước phải nhập khẩu với giá khá cao, thì vàng Trung Quốc giá thấp đang bắt đầu khai thác thị trường đầy tiềm năng của VN
Hải Ngọc
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|