Rủi ro từ sự “lấn sân” của công ty tài chính
Việc công ty tài chính chạy đua với ngân hàng mở rộng cho vay tới nhóm khách hàng doanh nghiệp có thể đặt hệ thống tài chính trước những nguy cơ rủi ro.
Trên thị trường tài chính Việt Nam đang diễn ra cuộc cạnh tranh âm thầm nhưng rất quyết liệt về tín dụng giữa các ngân hàng và công ty tài chính. Cuộc đua tranh này về ngắn hạn thì có thể nói “kẻ tám lạng người nửa cân”. Nhưng nếu nhìn một cách tổng thể trong dài hạn thì điều này có thể tăng rủi ro cho hệ thống tài chính.
Kẻ tám lạng người nửa cân
Trong thời gian gần đây, chị T.N - Trưởng phòng một công ty kinh doanh và các đồng nghiệp trong cơ quan nhận được khá nhiều e-mail mời vay tín chấp, thế chấp của Công ty Tài chính Việt Nam. Khoản vay được gợi ý từ 10 triệu - 3,2 tỷ đồng, có thời hạn từ 12 tháng tới 7 năm, với những điều kiện hết sức thuận tiện và nhanh chóng trong khâu thẩm định và giải quyết hồ sơ, lãi suất thấp hơn so với ngân hàng từ 0,01 - 0, 02%/tháng.
Nếu các công ty tài chính thu hút khách hàng với lợi thế về lãi suất, thủ tục nhanh gọn, khâu thẩm định không quá khắt khe thì các ngân hàng cũng đua nhau tung ra các gói tín dụng tiêu dùng kèm theo khuyến mại hấp dẫn. Đặc biệt, “chiêu” khá phổ biến của các ngân hàng trong thời gian gần đây là ký hợp đồng hợp tác trực tiếp với các nhà sản xuất để bán chéo sản phẩm.
Mới đây, Sacombank và Công ty Trường Hải ký kết hợp đồng hợp tác về việc cho vay mua ô tô. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín sẽ cho khách hàng của Trường Hải vay mua các sản phẩm ô tô, tất nhiên là từ chính Trường Hải. Nhưng cuộc đua chưa dừng ở đó. Lấn lướt trong mảng tín dụng tiêu dùng cá nhân chưa đủ, gần đây, các công ty tài chính bắt đầu lấn cả sang “sân” cho doanh nghiệp vay. Cuối tháng 9/2009, Công ty tài chính dầu khí (PVFC) và Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) vừa ký thỏa thuận hợp tác về tín dụng và dịch vụ tài chính. Theo đó, PVFC và SDFC sẽ tham gia cấp tín dụng cho các khách hàng của hai bên có chỉ định mục đích phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn của từng bên, trong đó ưu tiên khách hàng là các đơn vị trong ngành của hai bên được vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh và vốn đầu tư dự án.
Theo Th.s Lê Văn Hinh - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, thì trong bối cảnh hiện nay, cuộc cạnh tranh giữa các công ty tài chính và ngân hàng đang đem lại lợi ích cho khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp. Ông Hinh cho rằng, nếu xét về mặt bằng lãi suất (không tính đến gói lãi suất hỗ trợ của Chính phủ vừa qua) thì cả công ty tài chính và ngân hàng đều có mức lãi suất cho vay tương đương nhau, và tất nhiên sẽ có những ưu đãi đặc biệt cho khách hàng ruột của mình. Vì vậy, nếu vay ngắn hạn, doanh nghiệp nên tìm đến các công ty tài chính. Bởi khả năng gom vốn cho một dự án của các công ty này tốt hơn và ổn định hơn so với ngân hàng.
Công ty tài chính có chức năng tạo lập quỹ tiền tệ cho mục đích cụ thể, chương trình cụ thể và đơn lẻ. Đồng thời, khâu thẩm định, đánh giá dự án của công ty tài chính “thoáng” hơn so với ngân hàng. Nhưng đối với các dự án vay dài hạn, doanh nghiệp lại nên tìm đến các ngân hàng. Lý do là sẽ tìm được nguồn vốn ổn định hơn, đi kèm với đó là những dịch vụ mà công ty tài chính không có khả năng thực hiện như bao thanh toán và nhận tiền gửi dưới 1 năm.
Rủi ro tiềm ẩn
Theo thống kê không chính thức, hiện tại thị trường Việt Nam có khoảng 18 công ty tài chính. Một thực tế là các công ty tài chính này ngày càng không chỉ dừng lại ở việc nhắm vào các hoạt động tiêu dùng và bán lẻ nữa, mà đẩy mạnh đầu tư sản phẩm cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, một cán bộ ngân hàng thừa nhận. Thị trường tài chính giờ không còn là sân chơi độc quyền của các ngân hàng nữa. Thực ra, khó khăn của giới ngân hàng trong cuộc đua sắp tới lại nằm chính ở dịch vụ, yếu tố tưởng chừng như đã là thế mạnh của họ. Các ngân hàng thường có được quy mô và sự an toàn cao trong các hoạt động tín dụng, nhưng nhiều khi, sự cẩn trọng lại khiến họ mất đi nhiều khách hàng trước tính năng động của các công ty tài chính, vị cán bộ này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Xuân Giang, một cán bộ trong lĩnh vực ngân hàng, tuy trong ngắn hạn, cuộc cạnh tranh giữa công ty tài chính và ngân hàng khó có thể phân biệt được ai thắng, ai thua, nhưng về dài hạn đây lại là nguy cơ tiềm ẩn rủi ro. Rủi ro tiềm ẩn ở đây, theo ông Giang, đó là khi công ty tài chính “lấn sân” của ngân hàng cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp. “Có thể khẳng định, chất lượng thẩm định của các công ty tài chính không chuyên nghiệp được bằng ngân hàng. Công ty tài chính không có khách hàng nền tảng, hoạt động đầu tư lại thường tập trung ở một nhóm khách hàng dẫn đến rủi ro cao. Nếu đánh giá chất lượng nợ, có thể phân loại nợ là nợ dưới chuẩn”, ông Giang nói.
Th.s Lê Văn Hinh có cái nhìn hơi khác: “Có thể thấy lợi ích mà công ty tài chính mang lại cho các doanh nghiệp là rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà trên thế giới, các tập đoàn lớn thường có ít nhất một công ty tài chính. Công ty tài chính là công cụ để tập đoàn điều tiết vốn và sử dụng vốn một cách có hiệu quả và thuận lợi nhất. Trong phạm vi nội bộ tập đoàn hoặc nhóm công ty có quan hệ lợi ích gắn bó, công ty tài chính có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ các công ty thành viên để tập trung vốn đầu tư. Với tính nội bộ cao trong hoạt động nghiệp vụ, công ty tài chính có thể kiểm soát rủi ro và tập trung vốn lớn cho các dự án quan trọng trong nội bộ tập đoàn”. Tuy nhiên, ông Hinh cũng nhấn mạnh rằng, các lợi ích mà công ty tài chính mang lại chỉ có khi nó làm đúng chức năng (tập trung cho một dự án nhất định, trong một thời gian cụ thể), còn nếu các công ty này cứ “mải miết” lấn sang chức năng của các ngân hàng thì sẽ khiến hệ thống tài chính “bị méo mó”.
Hải Nam
Diễn đàn Doanh nghiệp
|