Thứ Sáu, 09/10/2009 15:13

Tín dụng: Cả người vay lẫn ngân hàng đều gặp khó

Nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng phản ánh vừa nhận thông báo tăng lãi suất đối với khoản vay cũ. Không chỉ vậy, ngân hàng ngày càng hạn chế khoản vay mới, nhằm tránh tăng tốc độ dư nợ vượt quy định 30% năm nay.

Một người vay tiêu dùng ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) vừa nhận được thông báo điều chỉnh tăng lãi suất vay từ 14,5%/năm lên 15,57%/năm. Không chỉ Vietbank, ngân hàng ACB cũng tăng lãi suất cho vay mua nhà, đất trả góp từ 12,75%/năm lên 13,47%/năm, ABBANK vừa tăng thêm 0,6%/năm lên 13,2%/năm đối với các khoản vay tiêu dùng, mua nhà, đất trả góp. “Dù đã thoả thuận trong hợp đồng, nhưng tôi vẫn choáng váng”, vị khách trên nói.

Tăng lãi suất, lắc đầu cho vay

Tính đến tháng 9, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã lên 28% dù tốc độ tăng đã giảm mạnh ba tháng gần đây. Không chỉ bị giới hạn tăng trưởng tín dụng 30% trong năm, ngân hàng bị ảnh hưởng bởi quy định tỷ lệ tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn.

Chị Hồng, ngụ tại quận Tân Phú, đi vay kinh doanh 300 triệu đồng ở một phòng giao dịch ngân hàng Đông Á và phải chờ cấp trên ngân hàng có đồng ý cho vay không. Nhân viên giải thích với chị rằng, do tốc độ cho vay đã tăng trưởng mạnh, nguồn vốn ngắn hạn được phép dùng để cho vay trung dài hạn có giới hạn, nên ngân hàng đang hạn chế các khoản cho vay mới. “Họ hứa hai ba ngày sau gọi lại cho biết tôi có vay được không”, chị nói.

Nữ nhân viên tín dụng ở ngân hàng khác, kể việc cho vay của chị khó hơn nhiều so với quý 2 qua. Bây giờ, chị phải lựa chọn khách hàng, giảm dần hạn mức tín dụng nếu người vay cũ vay thêm và hầu như từ chối người vay mới. Khoản vay nào cũng phải hỏi ý kiến cấp trên, chứ không như trước đó hai tháng hồ sơ vay được chấp nhận liên tục.

Giám đốc khối cá nhân một ngân hàng thừa nhận, hiện ngân hàng ông cũng không mặn mà việc cho vay. Ông nói: “Có thì cho vay tiêu dùng, chứ không đi tìm thêm khách hàng mới”.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng?

Hoạt động tín dụng đã thu hẹp trong một quý qua khi ngân hàng Nhà nước chủ trương kiểm soát chặt tăng trưởng dư nợ, thanh tra hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, lợi nhuận chín tháng của các ngân hàng vẫn vượt hoặc đạt kế hoạch, trong đó tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Như ABBank, trong 281 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế chín tháng, nguồn thu từ lãi chiếm 60%, dư nợ tín dụng tăng 65% so với đầu năm. Còn ở Sacombank, phần thu từ lãi chiếm 60 – 65% trong tổng thu nhập đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng.

Từ đầu tháng 10, việc ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên mức lãi suất cơ bản bằng tiền đồng ở 7%/năm, được nhiều ý kiến coi là tín hiệu ổn định của thị trường tiền tệ, giải toả nỗi lo đồng vốn đắt đỏ hơn cho doanh nghiệp. Nhưng theo phó tổng giám đốc một ngân hàng, điều đó cũng sẽ khó kìm được xu hướng tăng của lãi suất huy động tiền gởi, bởi ba lý do.

Thứ nhất, lãi suất tiết kiệm dù được nâng lên, nhưng vốn người dân vẫn nghiêng về chứng khoán. Theo ngân hàng Nhà nước, tính đến quý 3, huy động vốn tăng khoảng 22,45%, trong khi tín dụng tăng khoảng 28% so với cuối năm 2008. Sự cần vốn khiến lãi suất huy động chưa có dấu hiệu dừng. SeABank, ABBank, Maritime bank là các ngân hàng vừa nâng lãi suất, với các kỳ hạn ngắn 1, 2, 3 tuần lên tới 7 – 8%/năm, Maritime điều chỉnh mức lãi suất tiết kiệm tiền đồng cao nhất là 10%/năm. Việc nâng lãi suất, dù chưa hút nhiều vốn như kỳ vọng, nhưng cũng đạt mức nhất định, khiến nhu cầu vay đang giảm trên thị trường liên ngân hàng gần đây.

Thứ hai, bị giới hạn 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, hàng loạt các ngân hàng đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài 24 – 36 tháng, và cũng tập thói quen gởi tiết kiệm dài hạn cho người dân, song song là tăng lãi suất các kỳ ngắn hạn để người dân không rời bỏ ngân hàng.

Lý do thứ ba, theo ông Nguyễn Đình Tùng, phó tổng giám đốc Maritime bank, khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất, Maritime cũng buộc lòng nâng theo để giữ chân khách hàng.

Giới hạn trần đầu ra là bài toán khó. Tuy nhiên, việc có thể san sẻ một phần gánh nặng này lên người vay bằng lãi suất thoả thuận, cho thấy ngân hàng, dù kìm tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn đảm bảo lãi. Và như vậy, lãi suất huy động được “bật đèn xanh” để tiếp tục nhích lên.

Vĩnh Bình

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   NHTM nhà nước và NHTMCP dẫn đầu về dư nợ (09/10/2009)

>   Ngân hàng con đầu tiên của châu Á tại Việt Nam (08/10/2009)

>   Ngân hàng hạn chế cho vay, tăng lãi suất (08/10/2009)

>   Mở đường cho thanh toán off-line (08/10/2009)

>   Ngân hàng kỳ vọng vào tín dụng cá nhân (08/10/2009)

>   Đề nghị cấp đủ vốn điều lệ cho 2 ngân hàng (07/10/2009)

>   Việt Nam-Malaysia hợp tác phòng chống rửa tiền (07/10/2009)

>   9 tháng đầu năm, ngân hàng có lãi nhưng không cao (07/10/2009)

>   MSB tài trợ 1,450 tỷ đồng cho Waseco và Becamex (07/10/2009)

>   Oceanbank tăng lãi suất tiết kiệm lên 10,15%/năm (07/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật