Ngân hàng kỳ vọng vào tín dụng cá nhân
Tuy không được đẩy mạnh phát triển như hai quý đầu năm nay, song hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn là sản phẩm chủ lực của một số ngân hàng hiện nay. Cho vay đối với khách hàng cá nhân, các nhà băng thu lợi nhuận cao hơn do được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận, không bị vướng trần 10,5%/năm.
Do đầu ra không bị giới hạn trần lãi suất nên các ngân hàng có điều chỉnh lãi suất đầu vào tiệm cận 10%/năm thì vẫn còn đủ khoảng chênh lệch lãi suất cần thiết để hoạt động. Điều này cũng lý giải cho câu hỏi, lãi suất huy động "sát trần" cho vay thì các ngân hàng lấy lãi từ đâu?
Trên thực tế, nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân luôn tồn tại ở mức cao. Đặc biệt trước nhận định đây là giai đoạn tốt để mua căn hộ, đất ở. Đồng thời, trước sức nóng của chứng khoán, vàng nhiều nhiều nhà đầu tư cần đến sự hỗ trợ vốn của ngân hàng.
Nhu cầu vốn cao cũng được coi là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng cố gắng tăng lãi suất huy động để hút thêm nguồn vốn, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng đẩy lãi suất huy động tăng lên là kỳ vọng vào việc phát triển tín dụng cá nhân, với mong muốn có lợi nhuận cao hơn.
So với tín dụng doanh nghiệp, hiện lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân như vay tiêu dùng, mua nhà trả góp, cầm cố hiện cao hơn từ 3,25 - 6%/năm. Các ngân hàng cho rằng, với mức lãi suất này mới có thể bù đắp được chi phí và rủi ro trong hoạt động. Gần đây, một số ngân hàng bắt đầu tăng nhẹ lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân mua nhà trả góp, tiêu dùng khi xu hướng lãi suất đầu vào tiếp tục nhích lên.
Chẳng hạn tại ACB, lãi suất cho vay mua nhà, đất trả góp vừa điều chỉnh tăng từ 12,75%/năm lên 13,47%/năm, tức tăng thêm 0,72%/năm so với 8 tháng trước.
Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ABBank, ông Đàm Thế Thái cũng cho biết, đối với tín dụng mua nhà, đất trả góp cũng như cho vay tiêu dùng dành cho khách hàng cá nhân, ABBank vừa tăng thêm 0,6%/năm, đạt 13,2%/năm, thay vì cao nhất chỉ có 12,6%/năm như 8 tháng trước đây. Riêng với tín dụng cầm cố chứng khoán, ABBank vẫn áp dụng mức lãi suất tương đối hấp dẫn là 10,5%/năm. Tuy nhiên, theo ông Thái, ABBank không có chủ trương đẩy mạnh tín dụng cầm cố chứng khoán và có sự chọn lọc cao.
Tính đến nay, dư nợ cho vay đối với khách hàng cá nhân chiếm khoảng 30% trên tổng dư nợ của ABBank. Nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân vay tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng còn lại của năm 2009. Song do chủ trương của NHNN là kiểm soát chặt cho vay tiêu dùng, cầm cố và cả cho vay bất động sản, vì vậy với các ngân hàng dù kỳ vọng rất cao vào sự phát triển của loại hình tín dụng này, cũng chưa thể "bơm" mạnh vốn cho khách hàng.
Kế hoạch đưa ra của các ngân hàng trong thời gian tới là đẩy mạnh chiến lược phát triển tín dụng cá nhân. Trong đó, đối tượng khách hàng được các nhà băng nhắm đến là những người có thu nhập ổn định có nhu cầu vốn mua nhà, đất để ở hoặc mua sắm vật dụng trong gia đình. Bởi đây cũng được xem là mảng tín dụng có sự đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận của các nhà băng.
Theo Maritime Bank, kết quả thu về sau 9 tháng hoạt động đầu năm nay đạt mức khả quan (700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), vượt 100 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2009, là nhờ những chính sách hợp lý trong hoạt động kinh doanh ở từng thời điểm cụ thể của Ngân hàng.
Trong hoạt động tín dụng tiêu dùng của Maritime Bank, cho vay mua nhà là hướng đi chiến lược. Hiện dư nợ cho vay mua nhà trả góp chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của Maritime Bank. Đối tượng trọng tâm là khách hàng cá nhân có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.
Vân Linh
Đầu tư chứng khoán
|