Thứ Bảy, 10/10/2009 14:20

Nóng phân khúc thị trường bán lẻ

Với mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong tương lai gần, nhiều ngân hàng đang ra sức đa dạng hóa sản phẩm, nhằm chiếm lĩnh thị phần tài chính cá nhân. Đó là lý do khiến áp lực cạnh tranh về dịch vụ tài chính bán lẻ ngày một nóng lên.

Hiện hầu hết các ngân hàng đã triển khai việc chi trả lương qua tài khoản, trong đó điểm nhấn nổi bật là dịch vụ thẻ thanh toán. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM, tính đến nay tổng số lượng phát hành của các ngân hàng trên địa bàn đạt 5,787 triệu thẻ. Trong đó, thẻ quốc tế là 630.000 thẻ, ATM đạt 5,144 triệu thẻ và các loại thẻ khác 13.400 thẻ. Bình quân cứ 1,4 người có một thẻ thanh toán. Hiện trên thị trường có 4 liên minh thẻ, trong đó 2 liên minh kết hợp với nhau là Banknet và Smartlink.

Về mạng lưới kênh phân phối, hiện trên địa bàn TP. HCM có 1.553 điểm giao dịch các loại của ngân hàng. Bình quân, cứ 5.333 người trên địa bàn thì có 1 điểm giao dịch cung ứng dịch vụ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn đẩy mạnh phát triển dịch vụ cá nhân, hướng đến một siêu thị tài chính đa sản phẩm. Ngoài hệ thống giao dịch 24h của DongA Bank từng bước được nhân rộng trên địa bàn TP.HCM. Mới đây, ABBank chính thức ra mắt mô hình hoạt động giao dịch dưới dạng một siêu thị. Một trong những sản phẩm được ABBank quan tâm là cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà, đất trả góp. Tính đến tháng 9/2009, dư nợ cho vay cá nhân tại ABBank đạt 3.500 tỷ đồng, trong đó cho vay mua nhà, đất chiếm 50%.

Dịch vụ tài chính bán lẻ cũng là ưu tiên số một của Standard Chartered (SCB) kể từ sau khi được chuyển đổi hoạt động theo mô hình ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam. Chiến lược của SCB trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển sản phẩm tài chính dành cho cá nhân. Ngày 6/10 vừa qua, SCB Việt Nam đã ra mắt dịch vụ "Ưu tiên tại Việt Nam", nhằm cung cấp một chuỗi dịch vụ và giải pháp tài chính đặc trưng trong giao dịch ngân hàng như: cho vay, đảm bảo, đầu tư… Trước mắt, SCB tại Việt Nam nhắm đến khách hàng cao cấp.

Các chuyên gia cấp cao của SCB đánh giá, dịch vụ ngân hàng ưu tiên là một phân khúc vẫn còn nhiều tiềm năng tại thị trường châu Á, khi phần lớn nhu cầu tài chính của khách hàng phân khúc này chưa được đáp ứng đầy đủ. Giám đốc toàn cầu, Ngân hàng cao cấp Tập đoàn SCB - Foo Mee Har cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động, phân khúc khách hàng cao cấp tại khu vực châu Á - khu vực được đánh giá có phân khúc khách hàng cao cấp phát triển nhất thế giới, vẫn có xu hướng gia tăng.

Theo nghiên cứu của SCB tại các thành phố lớn tại Việt Nam (TP. HCM, Hà Nội), lượng khách hàng cao cấp tăng 20%/năm. Tuy nhiên, để được sử dụng dịch vụ ngân hàng ưu tiên của SCB tại Việt Nam, khách hàng phải có tiền gửi qua SCB là 50.000 USD và thu nhập được chi trả qua ngân hàng này đạt 5.000 USD/tháng.

Gia tăng nguồn thu từ dịch vụ cũng là chiến lược trọng tâm được Maritime Bank xác định. Theo đó, Maritime Bank sẽ tiếp cận các khách hàng có thu nhập cao và ổn định, gắn kết với các dự án đầu tư hiệu quả đã và đang đi vào hoạt động. Và trong hoạt động tín dụng tiêu dùng, cho vay mua nhà là hướng đi chiến lược của Maritime Bank (hiện chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của Ngân hàng). Đối tượng là các cá nhân có mức thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.

Ngoài các dịch vụ kể trên, hiện sản phẩm phái sinh qua hệ thống ngân hàng cũng gia tăng 15 - 20%, thanh toán quốc tế 20 - 22% và dịch vụ đầu tư tài chính tăng 15 - 20% so với năm 2008. Riêng về khối lượng khách hàng có quan hệ với ngân hàng tăng đến 15 - 20% trong năm qua và chỉ tiêu tổng quan nhất là tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đạt 85%. Theo ông Dũng, dự kiến lượng thanh toán không dùng tiền mặt trong năm tới sẽ tiếp tục tăng với tốc độ 30 - 35%.

Mặc dù có sự cạnh tranh khá mạnh trên thị trường tài chính bán lẻ, nhưng tại nhiều ngân hàng, hạ tầng công nghệ còn nhiều trở ngại cho người sử dụng. Vì vậy, để chiếm lĩnh được thị phần, các ngân hàng phải xây dựng mục tiêu phát triển ngân hàng bán lẻ rõ ràng; có chiến lược tăng cường năng lực vốn, công nghệ và quản trị rủi ro; củng cố hạ tầng công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ. Đối với dịch vụ phái sinh, cần hoàn thiện quy trình, dần từng bước tham gia vào thị trường tài chính khu vực và quốc tế.                         

Thùy Vinh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Cạnh tranh bằng lãi suất sẽ không bền vững (10/10/2009)

>   Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 409.406 tỷ đồng (09/10/2009)

>   Trong tuần, lãi suất giao dịch USD tăng, VND giảm (09/10/2009)

>   Tín dụng: Cả người vay lẫn ngân hàng đều gặp khó (09/10/2009)

>   NHTM nhà nước và NHTMCP dẫn đầu về dư nợ (09/10/2009)

>   Ngân hàng con đầu tiên của châu Á tại Việt Nam (08/10/2009)

>   Ngân hàng hạn chế cho vay, tăng lãi suất (08/10/2009)

>   Mở đường cho thanh toán off-line (08/10/2009)

>   Ngân hàng kỳ vọng vào tín dụng cá nhân (08/10/2009)

>   Đề nghị cấp đủ vốn điều lệ cho 2 ngân hàng (07/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật