Thứ Sáu, 23/10/2009 21:52

“Nóng” cuộc đua giành thị phần tài chính bán lẻ

Cạnh tranh về thị phần tài chính bán lẻ sẽ nóng từ năm 2010 và tiếp tục gia tăng ở những năm tiếp theo.

Trước sự mở cửa của thị trường, trong suốt 2 năm qua, để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường tài chính, nhất là về dịch vụ bán lẻ, các ngân hàng Việt Nam đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm.

Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài và quá trình xây dựng chương trình hành động để thâm nhập thị trường tài chính bán lẻ Việt Nam, các chuyên gia trong ngành ngân hàng cho rằng, cuộc cạnh tranh sẽ bắt đầu nóng từ năm 2010 và tiếp tục gia tăng ở những năm sau đó.

Là một trong những ngân hàng thuộc nhóm vừa, trong những năm qua, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã từng bước xây dựng hình ảnh, vị thế trên thị trường tài chính.

Với chiến lược phấn đấu trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu, ABBank vừa công bố việc hướng đến mô hình “Siêu thị tài chính”, nhằm đem lại tiện ích tốt nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, ABBank cũng thừa nhận rằng, phải có thời gian mới có thể hình thành được mô hình hoạt động nói trên.

Còn với Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), có thể nói, đến nay, DongA Bank đã phần nào đạt được kết quả trong việc xây dựng mô hình giao dịch 24h đặt tại các cây xăng.

Thế nhưng, để tiến xa hơn nữa trong việc tăng tiện ích phục vụ khách hàng, chiếm lĩnh thị phần cá nhân, vốn được xem là rất tiềm năng, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, dự kiến vào tháng 12/2009, Ngân hàng sẽ khai trương 2 phòng giao dịch dành cho khách hàng VIP và khách hàng đặc biệt tại khu vực TP.HCM và Hà Nội. Dự kiến, đến năm 2010, trong quá trình mở rộng mạng lưới, DongA Bank sẽ có 30 điểm giao dịch trong hệ thống dành cho phân khúc khách hàng trên.

Sản phẩm tài chính bán lẻ hiện được các ngân hàng trong nước từng bước nâng cao chất lượng, giảm chi phí, với mục tiêu thu hút khách hàng cá nhân sử dụng. Trong đó, dịch vụ thẻ được xem là một trong những công cụ tiếp cận khách hàng nhanh nhất. Vì vậy, đến thời điểm này, hầu hết ngân hàng đều thực hiện chủ trương miễn phí phát hành thẻ, nhằm gia tăng số lượng thẻ và thị phần cá nhân sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Song với sự lớn mạnh dần của các ngân hàng nước ngoài đang hiện diện tại thị trường tài chính Việt Nam. Đáng chú ý là các ngân hàng con vừa được mở cửa hoạt động và sẽ đẩy mạnh các dịch vụ bán lẻ trên thị trường nội địa trong năm 2010.

Theo bà Foo Mee Har, Giám đốc toàn cầu Standard Chartered, trong 5 năm qua, tất cả các thị trường mới nổi đã tăng trưởng gấp đôi, đứng đầu là châu Á.

Bà Foo Mee Har còn đưa ra đánh giá, trong 4 năm tiếp theo, tài sản khu vực châu Á sẽ tăng gấp 3 lần so với châu Âu và Bắc Mỹ. Dân số cao cấp khu vực châu Á đang tăng, với tỷ lệ phần trăm thành phần mới cao và có thêm 46% dân số giàu có tính đến năm 2012. Đây là khoảng trống đáng kể để gia tăng giá trị, cũng như đa dạng hóa cao cấp tài sản từ tiền mặt. Chính vì vậy, Standard Chartered vừa ra mắt dịch vụ tài chính bán lẻ, cũng là ưu tiên số một dành cho các đối tượng khách hàng cấp cao tại Việt Nam.

Cũng theo nhận định của bà Foo Mee Har, tiềm năng phát triển và tư vấn tài chính ở thị trường Việt Nam là rất lớn. Điều này đã được chứng minh qua kết quả khảo sát được thực hiện bởi Standard Chartered mới đây (42% người dân Việt Nam cho biết, họ sẵn sàng chi trả cho dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân, trong khi chỉ có 15% người tiêu dùng Hồng Kông đồng ý khi đưa ra câu hỏi trên) và tại Việt Nam, số lượng sản phẩm/dịch vụ tài chính cá nhân trên đầu người hiện chỉ đạt tỷ lệ tương đối thấp.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng, các ngân hàng nước ngoài vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, song tốc độ vào có lẽ không như dự báo trước đây và sẽ chậm hơn về thời điểm, do ảnh hưởng bởi khủng hoảng toàn cầu. Đây chính là cơ hội cho các ngân hàng trong nước có thêm thời gian để phát triển, mở rộng thị phần, tạo thế đứng vững chắc và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2010 là năm có 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài gia nhập sân chơi thị trường tài chính Việt Nam. Có thể, đến nay, tiếng nói của họ chưa quá lớn trong mảng thị trường bán lẻ các sản phẩm tài chính - ngân hàng Việt Nam, nhưng theo ông Hải, các ngân hàng trên đã có sự chuẩn bị kỹ càng và tiếng nói của họ sẽ lớn dần.

Điều này làm cho tính chất của cuộc cạnh tranh sẽ có những thay đổi về chất, trước hết là góc độ sản phẩm, bán hàng và tổ chức bán hàng, quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng và rủi ro vận hành... Đây là những điểm mà ngân hàng Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều thì mới có thể theo kịp.

Thùy Vinh

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Dư nợ cho vay HTLS đạt 412.100 tỷ đồng (23/10/2009)

>   Tăng mạnh lãi suất VND: “Ẩn số” cho vay tiêu dùng! (23/10/2009)

>   Ngân hàng lại đua lãi suất? (23/10/2009)

>   Giảm lãi suất cho người vay mua bất động sản (23/10/2009)

>   Nỗi lo lãi suất thỏa thuận (23/10/2009)

>   Chuẩn bị hậu kích cầu (22/10/2009)

>   Cho vay hơn 50 triệu USD khai thác mỏ dầu Cá Ngừ Vàng (22/10/2009)

>   Ngân hàng Đại Á tăng lãi suất huy động VND (22/10/2009)

>   Chính sách tín dụng sẽ tiếp tục được nới lỏng (21/10/2009)

>   BIDV và Kexim ký hiệp định khung hợp tác tài trợ xuất khẩu (21/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật