Tăng mạnh lãi suất VND: “Ẩn số” cho vay tiêu dùng!
Khoảng cách chênh lệch nguồn vốn đầu vào - đầu ra hẹp hơn khoảng cách lãi kỹ thuật cho thấy sự điều chỉnh tăng lãi suất huy động của các NHTM thời gian gần đây chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng khách hàng riêng biệt.
Biến động ồ ạt
Chênh lệch trung bình thực tế giữa huy động vốn đầu vào và cho vay bình quân đầu ra của nhóm các NHTM có thể sẽ không còn ở mức 1,76% như đánh giá của Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Giàu mới đây khi một loạt các NHTM tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động VND hoặc gián tiếp tăng thêm thông qua rất nhiều hình thức khuyến mãi.
Chỉ tính từ sau cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng VN (VNBA) với các hội viên vào đầu tháng 9 đến nay, hầu như toàn bộ các NHTMCP đều điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn 1-12 tháng với mức tăng rất lớn cho hầu hết các kỳ hạn, đặc biệt ở các kỳ hạn dưới 6 tháng. Những điều chỉnh này tạo nên một biểu lãi suất huy động các kỳ hạn 1-6 tháng chênh lệch không đáng kể với các kỳ hạn 9-12 tháng tương ứng với mức cao nhất cho từng nhóm kỳ hạn là 8,7-9,2%/năm và 9,2-9,4%/năm.
Một số NHTMCP, như theo dõi của VNBA cho thấy, còn đồng loạt áp dụng mức lãi suất cao nhất trong khoảng lãi suất phổ biến cho nhiều kỳ hạn khác nhau 1,6 và 12 tháng như Western Bank, VPBank, Maritime Bank, Oceanbank hay GP.Bank. Các NHTM nhà nước hoặc mới chuyển lên CP cũng tiến hành điều chỉnh nhẹ hoặc phải chăng đối với lãi suất huy động VND nhằm bắt nhịp thị trường...
Tìm kiếm khách hàng
Những điều chỉnh mang rất nhiều yếu tố cạnh tranh trên đây cho thấy, nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn tại các NHTMCP đang tăng cao là có thực nhằm đáp ứng nhu cầu vay thường tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Song với chỉ tiêu huy động vốn giảm mạnh từ mức tăng 10,65% trong quý II xuống còn 4,45% trong quý III trái ngược với xu hướng tăng liên tục lãi suất huy động cho thấy, tiền mặt trong dân cũng bắt đầu cạn và thay vì gửi NH, vốn được đầu tư vào sản xuất nhiều hơn. Nguồn vốn huy động do đó cũng khó có khả năng tăng mạnh hay tạo được đột biến trong các tháng cuối năm.
Thêm vào đó, với tỉ lệ chênh lệch thực tế giữa huy động và cho vay chỉ còn ở mức 1,76%, hoặc có thể còn thấp hơn khi so với trần lãi suất thông thường 10,5%/năm, nguồn vốn huy động mà các NHTM đang tìm kiếm chỉ có thể nhắm đến nhóm khách hàng vay tiêu dùng theo lãi suất thoả thuận. Với biểu lãi suất phổ biến hiện ở mức 14-16,5%/năm, các NH vẫn có thể tìm kiếm được lợi nhuận từ nhóm khách hàng vay tiêu dùng ngay cả khi vốn đầu vào đạt ngưỡng lãi suất trần 10,5%/năm.
Những bước tăng ồ ạt đối với lãi suất huy động VND thời gian qua cho thấy, cho vay thoả thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống hay cho vay tiêu dùng vẫn là mảnh đất vàng mang lại lợi nhuận cho các NHTM.
Chỉ sau hơn 8 tháng được phép triển khai, dư nợ cho vay theo lãi suất thoả thuận tại các NHTM hiện đạt khoảng 100.000 tỉ đồng và có khả năng còn tăng cao trong các tháng cuối năm.
Văn Nguyễn
LAO ĐỘNG
|