NĐT hoang mang sau đợt phục hồi ấn tượng trên TTCK
(Vietstock) – Đợt phục hồi tới 68% giá trị trong 8 tháng qua của TTCK toàn cầu chưa thể thuyết phục giới đầu tư và phân tích rằng đã đến lúc để mạo hiểm hơn nữa cũng như xua tan mối quan ngại về các chính sách kinh tế và hệ thống ngân hàng của Mỹ.
Theo kết quả cuộc khảo sát đối với các nhà đầu tư và phân tích tại Mỹ, châu Âu và châu Á của Bloomberg, chỉ có 31% phản hồi là nhìn thấy cơ hội đầu tư, thấp hơn con số 35% trong cuộc khảo sát hồi Tháng 7.
Còn theo cuộc khảo sát toàn cầu của Bloomberg trong quý 3, gần 40% phản hồi cho thấy họ đang giữ quan điểm thận trọng. Trong khi đó, giới đầu tư Mỹ thậm chí còn dè dặt hơn nữa, với hơn 50% phản hồi cho thấy họ đang giữ tâm lý phòng thủ.
Thị trường chứng khoán tăng vọt nhờ triển vọng kinh tế được cải thiện. Chỉ số MSCI AC World dành cho thị trường mới nổi và phát triển đã tăng 68% kể từ Tháng 3. Ngoài ra, chỉ số S&P 500 cũng tăng 54% trong suốt thời gian đó.
Hiện tại, giới đầu tư và phân tích trên khắp thế giới xem Mỹ là mắc xích yếu ớt trong nền kinh tế toàn cầu. Đa số người được khảo sát nhận định thị trường Mỹ là một trong các thị trường rủi ro nhất. Có ¼ phản hồi đưa ra dự đoán rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ leo thang lên mức 11% hoặc cao hơn nữa vào năm 2010, trong khi dự báo của chính quyền nước này chỉ ở mức 9.7%. Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên đến 9.8% để xác lập mức cao nhất trong vòng 26 năm qua.
Đồng USD suy giảm
Những hoài nghi về nền kinh tế đang tác động hết sức nặng nề đến giá trị của đồng USD. Đa số người được khảo sát cho hay đồng USD sẽ suy yếu hơn so với hầu hết các giỏ tiền tệ khác trong năm tới. Có 37% số người trong cuộc khảo sát nhận định đồng bạc xanh không thể tiếp tục là đồng tiền dự trữ của thế giới trong 10 năm tới.
Các thị trường mới nổi giàu tiềm năng
Số người được khảo sát nhận định Trung Quốc, Bzazil và Ấn Độ là những thị trường giàu tiềm năng nhất, đồng thời xem việc đầu tư vào hàng hóa của các quốc gia này là sự lựa chọn khả thi, thay thế cho kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong cuộc khảo sát vào quý trước là chứng khoán. Bất động sản, trái phiếu dần mất đi tính hấp dẫn, với 40% số người khảo sát cho biết trái phiếu sẽ là kênh đầu tư đem lại lợi nhuận tồi tệ nhất trong năm tới.
Ông Peter J. Emblin, Giám đốc điều hành tại Công ty Quản lý quỹ Thai Strategic (Bangkok) và là người tham gia cuộc khảo sát nhận xét: "Châu Á là nơi tốt nhất để đầu tư do châu lục này không có các khoản nợ tiêu dùng khổng lồ, hoạt động cho vay thế chấp kém và thâm hụt thương mại, thất nghiệp cao."
Giới đầu tư và phân tích tại Châu Á là những người phấn khởi nhất, trong khi nhà đầu tư và phân tích tại Mỹ lại là những người thận trọng nhất. Phần lớn các nhà đầu tư tại châu Á dự báo chỉ số chứng khoán quốc gia của họ tăng điểm trong khi đa số giới đầu tư tại Mỹ và châu Âu nghĩ rằng thị trường chứng khoán khu vực sẽ đi xuống trong 6 tháng tới.
Thị trường chứng khoán phục hồi
Ông Dan Greenhaus, chiến lược gia kinh tế tại Miller Tabak & Co ở New York nhận định: "Rất nhiều người đã ngạc nhiên bởi tốc độ phục hồi thị trường chứng khoán. Đà phục hồi này có thể được khích lệ từ việc mua vào của các quỹ đầu cơ và giới đầu tư”.
Nhà quản lý quỹ Paulsen cho rằng thị trường chứng khoán tăng phần lớn là do sự biến mất của bên bán. "Tôi không nghĩ rằng thị trường đã tăng do lượng mua vào nhiều. Thị trường có thể tăng khi bạn chỉ cần mua một ít và không có người bán."
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự lạc quan tại Châu Á là điều dễ hiểu. Nguyên nhân là do khu vực này đang dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Ngày 01/10 vừa qua, IMF cho hay nền kinh tế thế giới tăng trưởng 3.1% vào năm 2010 sau khi sụt giảm 1.1% trong năm nay. Trong khi đó, 2 nền kinh tế của Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ ước tăng trưởng lần lượt 9% và 6.4% vào năm tới.
Giới đầu tư và phân tích trên toàn cầu cùng chung nhận định nền kinh tế thế giới đang cải thiện. Gần 75% số người được khảo sát nhận định nền kinh tế toàn cầu ổn định hoặc cải thiện, khả quan hơn so với mức trên 60% trong Tháng 7.
Lãi suất cơ bản sẽ tăng?
Theo dự báo, phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ đẩy lãi suất dài hạn lên cao. Cụ thể, có 55% người được khảo sát dự báo lãi suất tại quốc gia của họ sẽ gia tăng trong 6 tháng tới. Chỉ có 9% nhận định trái phiếu là nơi đầu tư lý tưởng nhất trong năm 2010, chỉ bằng ½ số đáp án trong cuộc khảo sát tương tự hồi Tháng 7.
Có hơn một nửa số người trả lời cho hay lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng trong vòng nửa năm tới, cao hơn so với con số 47% trong cuộc khảo sát vào Tháng 7.
Tại Châu Á, các nhà đầu tư lại ít bị thuyết phục bởi khả năng lợi tức sẽ gia tăng, theo đó 45% số người được khảo sát cho thấy điều này. Được biết, tín phiếu thời hạn 10 năm kết thúc giao dịch tại New York hôm qua ở mức 3.42%.
Theo cuộc thăm dò, hàng hoá dự kiến được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới với sự dẫn đầu của Châu Á. Hơn 1/3 giới đầu tư cho hay hàng hóa sẽ đem đến lợi nhuận cao nhất trong năm tới. Dầu, vàng, đồng, ngô và đậu tương đều là những hàng hóa được dự báo tăng trong 6 tháng tiếp theo.
Giá dầu sẽ leo thang lên 100 USD/thùng ?
Matthew Johnson, Giám đốc chiến lược lãi suất tại UBS AG ở Sydney nhận xét trong cuộc thăm dò: “Đó là câu chuyện tại thị trường mới nổi, nơi nguồn cung dầu phản ứng chậm chạp trước nhu cầu tăng trưởng quá nhanh chóng”. Theo ông, giá dầu sẽ leo thang từ khoảng 77 USD/thùng trong thời điểm hiện tại lên 100 USD/thùng trong các tháng tới.
Trong mục lựa chọn một hoặc hai thị trường cung cấp các cơ hội tốt nhất trong năm tới, Trung Quốc giành vị trí quán quân, còn Brazil xếp vị trí thứ hai, theo sau là Ấn Độ.
Ngược lại, hầu hết các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang bi quan về môi trường đầu tư tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bất chấp sự trì trệ kinh tế tại châu Âu kém bi quan hơn so với các số liệu công bố hồi Tháng 7.
"Thị trường Mỹ có nguy cơ sụt giá nhiều nhất trong năm tới. Mặc dù kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng trong một quý hay lâu hơn nữa, nhưng đó không phải là nhờ sự gia tăng nhu cầu thực sự mà là nhờ vào gói kích thích từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và số tiền chi tiêu khổng lồ của Chính phủ, điều này vốn không bền vững."
Thêm bi quan
Các nhà đầu tư trở nên bi quan hơn về kế hoạch kinh tế của Chính phủ Mỹ kể từ cuộc thăm dò lần trước. Theo đó, hơn 60% thể hiện điều này, so với con số 55% khảo sát hồi Tháng 7. Gần 20% số người được khảo sát dự báo tình hình các ngân hàng Mỹ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2010, cao hơn gần gấp đôi số đáp án tương tự trong Tháng 7. 2/3 trong số đó nhận định tình hình sẽ cải thiện trong các năm tới nhưng các ngân hàng vẫn gặp rất nhiều thách thức.
Giới đầu tư khắp thế giới nhìn nhận tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ trong năm tới. Tính đến ngày 30/09, thâm hụt này leo thang lên đến mức kỷ lục 1.4 nghìn tỷ USD.
Tỷ lệ thất nghiệp liên tục tăng cao được xem là mối đe dọa lớn thứ hai. Có đến hơn ¾ đáp án dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức tối thiểu 9.5% vào năm 2010.
Tăng thuế
Không giống như ở những khu vực khác, giới đầu tư tại Mỹ xem việc tăng cao của các loại thuế là mối đe dọa lớn nhất.
Có đến ¾ giới đầu tư Mỹ cho rằng đồng USD nên duy trì vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới trong thập kỷ tới. Trong khí đó, chưa tới hơn một nữa giới đầu tư tại châu Âu và châu Á kỳ vọng điều này.
Được biết, cuộc khảo sát này dựa trên các cuộc phỏng vấn tiến hành từ ngày 23-27/10, với phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên trên 1,452 độc giả của Bloomberg, đại diện cho những người ra quyết định trên các thị trường, tài chính và kinh tế trải khắp 6 châu lục.
Bội Mẫn (Theo Bloomberg)
|