Thứ Ba, 27/10/2009 14:23

“Chết chìm” theo DSB Bank 

 "Nếu tôi là Wellink, tôi sẽ không cố tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, bởi ông ấy đã 66 tuổi và đã… phá hoại đủ rồi" Giáo sư Jaap Koelewijn.

Sự sụp đổ của DSB Bank - một trong những ngân hàng hàng đầu Hà Lan, đã cuốn theo danh tiếng của nhiều nhân vật tai to mặt lớn trong ngành tài chính nước này, trong đó có hai nhân vật chủ chốt là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương và Giám đốc điều hành của ABN Amro Holding NV.

Nout Wellink, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Hà Lan, người sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2011, chịu trách nhiệm trong việc giám sát ngân hàng. Còn Gerrit Zalm, cựu Phó thủ tướng, cựu Bộ trưởng Tài chính, từng là Giám đốc tài chính của DSB trước khi chuyển sang lãnh đạo ABN Amro khi ngân hàng này bị quốc hữu hoá hồi năm ngoái.

Theo các nguồn tin, có thể hai ông này cùng với một số nhân vật khác liên quan đến bộ máy điều hành và giám sát DSB sẽ bị liên đới khi Bộ Tài chính Hà Lan tiến hành điều tra vai trò của các nhà điều tiết trong chuỗi sự kiện dẫn tới sự phá sản của ngân hàng này trong tuần trước.

“Tôi cho rằng, Ngân hàng Trung ương Hà Lan đã biết về những vấn đề tại DSB”, Jaap Koelewijn, giáo sư về quản trị và tài chính doanh nghiệp của Trường đại học Kinh doanh Nyenrode ở Breukelen, Hà Lan, cho biết. “Nếu tôi là Wellink, tôi sẽ không cố tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, bởi ông ấy đã 66 tuổi và đã… phá hoại đủ rồi”, Koelewijn gay gắt.

Vụ DSB có tầm quan trọng lớn bởi sự liên quan chồng lấn giữa chính trị và tài chính. Các cựu Bộ trưởng Nội các Zalm và Ed Nijpels (cựu Bộ trưởng Môi trường) từng là thành viên Hội đồng quản trị DSB trước khi chuyển sang chức vụ mới. Nijpels, 59 tuổi, là thành viên Ban kiểm soát DSB trong 5 năm, bị cho là đã biết mọi điều. Ông này còn là Chủ tịch Stichting Pensioenfonds ABP, công ty đang quản lý khoảng 180 tỷ USD tiền lương hưu từ 1 tháng 8.

Wellink và Zalm, đều 57 tuổi, từ chối đưa ra bình luận về vụ việc.

Theo phát ngôn viên của Bộ Tài chính, bộ này đề ra mục tiêu phải kết thúc việc điều tra càng nhanh càng tốt. Ngân hàng Trung ương và đơn vị điều tiết thị trường tài chính, được gọi tắt là AFM, cũng tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc điều tra độc lập về những thành viên Hội đồng quản trị DSB.

“Các bộ trưởng thường ngụ ý rằng, những lãnh đạo cấp cao của ABN Amro cần phải có một thanh danh không tì vết”, Ewout Irrgang, một nghị sỹ Đảng Xã hội chủ nghĩa từng là cựu nhân viên Ngân hàng Trung ương nhận xét, ám chỉ Zalm. “Nếu cuộc điều tra độc lập, có thể kéo dài vài tuần, không gột rửa được vết bùn trên người ông ta, ông ta nên ra đi”, Irrgang nhấn mạnh.

Zalm, Bộ trưởng Tài chính từng có nhiệm kỳ lâu nhất trong lịch sử Ha Lan, được bổ nhiệm làm Giám đốc tài chính của DSB tháng 12/2007. “Tôi đã thành công trong việc đạt được những cải tiến về chính sách. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, điều này sẽ được làm sáng tỏ bởi đoàn thanh tra”, Zalm phát biểu hôm 12/10 và cho biết, sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra.

Ngân hàng Trung ương tiếp quản DSB từ ngày 12/10, khoảng 2 tuần sau khi luật sư bảo vệ người tiêu dùng Pieter Lakeman tố cáo rằng, ngân hàng này đã thu phí thế chấp quá cao và điều này là ngòi nổ khiến người dân đổ xô đến rút tiền khỏi DSB với tổng giá trị lên tới 600 triệu USD. Ngày 19/10, DSB buộc phải tuyên bố phá sản.

Tài khoản hàng năm của DSB trong các năm 2007 và 2008 có vẻ “quá lạc quan”, bởi ngân hàng này chỉ dành 1% giá trị các khoản nợ để trang trải những khoản nợ xấu, trong khi tiêu chuẩn của ngành ngân hàng là khoảng 2%, Sweder van Wijnbergen, giáo sư kinh tế của Trường đại học Amsterdam cho biết.

“Ba ngày sau khi Lakeman kêu gọi mọi người rút tiền, Ngân hàng Trung ương yêu cầu Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành DSB Scheringa từ chức và bán lại cổ phiếu DSB, khi cơ quan điều tiết tìm kiếm giải pháp khôi phục lại lòng tin vào Ngân hàng”, Charles Huijskens, phát ngôn viên của ban quản trị DSB cho biết.

“Sự sụp đổ của DSB là một liều thuốc đắng đối với các đơn vị quản lý, Ngân hàng Trung ương và AFM”, Elly Blanksma-van den Heuvel, một luật sư của Liên minh Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền phát biểu và nhấn mạnh, tác động của vụ việc là vô cùng lớn. “Tất cả mọi người đều đặt câu hỏi về tình trạng mất kiểm soát ở đây”, Heuvel cho biết.

Trở lại số phận của DSB, sau khi phá sản, tài sản của ngân hàng này thuộc quyền sở hữu của Ngân hàng Trung ương Hà Lan. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nout Wellink dự đoán rằng, việc giải thể của DSB sẽ gây ra sự thua lỗ cho các ngân hàng khác và sẽ khiến 2.000 người mất việc làm.

Xuân Hoà (Theo báo chí nước ngoài)

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   PTKT: Dải giá không ủng hộ đà phục hồi của S&P 500 (27/10/2009)

>   Sự hồi phục của châu Âu vắng mặt nước Anh (27/10/2009)

>   Wall Street chìm sâu khi USD leo thang  (27/10/2009)

>   Lời khuyên từ nhà hiền triết Warren Buffett (27/10/2009)

>   Tập đoàn Capmark đệ đơn xin bảo hộ phá sản (26/10/2009)

>   TTCK và 5 xu hướng hình thành từ mùa BCTC (26/10/2009)

>   Nhật Bản có thể ra luật đặc biệt cứu Japan Airlines (26/10/2009)

>   GDP Hàn Quốc tạo lực đẩy giúp CK Châu Á tăng điểm (26/10/2009)

>   Đức công bố kế hoạch giảm 24 tỉ euro thuế thu nhập (25/10/2009)

>   106 ngân hàng Mỹ “sập tiệm” trong 10 tháng (25/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật