106 ngân hàng Mỹ “sập tiệm” trong 10 tháng
Nhà chức trách Mỹ đóng cửa thêm 7 ngân hàng trong ngày 23/10, nâng tổng số ngân hàng đổ vỡ ở nước này từ đầu năm lên 106.
Từ cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay xảy ra năm 1992 tới nay, chưa năm nào nước Mỹ chứng kiến sự giải thể của nhiều ngân hàng như năm nay.
Các nhà phân tích dự báo, số ngân hàng Mỹ lâm nạn trong năm nay sẽ không dừng ở con số này. Tình hình các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản thương mại vẫn đang tiếp tục xấu đi khi mà nhiều trung tâm thương mại trống trơn, và không ít các dự án xây dựng văn phòng lâm vào cảnh đình trệ.
7 ngân hàng bị đóng cửa ngày 23/10 đều là những ngân hàng quy mô nhỏ, với tổng tài sản 350 triệu USD. Trong khi đó, ngân hàng Mỹ lớn nhất bị đóng cửa trong lần khủng hoảng này là Washington Mutual, với tài sản lên tới 307 tỷ USD ở thời điểm đổ vỡ vào tháng 9/2008.
Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho hay, 7 ngân hàng bị đóng cửa lần này bao gồm Partners Bank ở bang Florida, American United Bank ở bang Georgia, Hillcrest Bank Florida, Flagship National Bank ở bang Florida, Bank of Elmwood ở bang Wisconsin, Riverview Community Bank ở bang Minnesota, và First Dupage Bank ở bang Illinois.
Loạt nhà băng “sập tiệm” này đã nâng số ngân hàng đổ vỡ tại Mỹ năm nay vượt mốc 100 ngân hàng, cao nhất từ năm 1992 - năm nước này có 181 ngân hàng bị đóng cửa vì khủng hoảng tiết kiệm và cho vay. Vào năm 1989, khi cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay lên tới đỉnh điểm, các nhà chức trách Mỹ đã đóng cửa tới 534 ngân hàng.
Năm 2008, Mỹ có 25 ngân hàng bị đóng cửa, còn trong năm 2007, con số này chỉ là 3 ngân hàng.
Ở thời điểm này, các ngân hàng tại Mỹ vẫn đang ra sức “dọn dẹp” bảng cân đối kế toán đầy rẫy những khoản nợ xấu của họ. Trong thời kỳ bùng nổ tín dụng trước khi xảy ra khủng hoảng, các ngân hàng đã mạnh tay cho vay thậm chí cả những khách hàng có điểm tín dụng thấp. Nhiều khoản vay lãi suất thả nổi giờ đã vượt quá khả năng chi trả của khách hàng.
Chủ tịch FDIC, bà Sheila Bair, cho rằng, sự phục hồi của ngành ngân hàng Mỹ có thể sẽ diễn ra với tốc độ chậm hơn so với sự phục hồi của nền kinh tế nói chung. “Một số ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức nghiêm trọng, nhưng đại đa số các ngân hàng sẽ vượt qua được cơn bão kinh tế này”, bà Bair phát biểu.
FDIC ước tính, 7 ngân hàng đổ vỡ ngày 23/10 sẽ khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi vơi đi 365,7 triệu USD. Mức trần bảo hiểm tiền gửi mà FDIC hiện đang áp dụng là 250.000 USD mỗi tài khoản.
Cuối quý 3 vừa qua, số dư quỹ của FDIC đã trở thành một con số âm. Tuy nhiên, FDIC vẫn còn những nguồn vốn dự phòng để bảo đảm hoạt động. Ngoài ra, cơ quan này cũng đang đề xuất giải pháp yêu cầu các ngân hàng nộp trước 3 năm phí bảo hiểm tiền gửi.
Dự kiến, trong thời gian 2009 - 2010, FDIC sẽ phải chi khoảng 100 tỷ USD để giải quyết các vụ giải thể ngân hàng.
Các nhà chức trách Mỹ cho rằng, các khoản vay dành cho lĩnh vực bất động sản địa ốc đang là thách thức lớn nhất đối với các nhà băng ở nước này. Tính tới tháng 6 vừa qua, tổng dư nợ ngân hàng ở lĩnh vực này là hơn 1.000 tỷ USD, tương đương 14,2% so với tổng dư nợ của ngành ngân hàng Mỹ.
Từ mức đỉnh trong năm 2007, giá bất động sản thương mại ở Mỹ hiện đã giảm 35-40% và được dự báo sẽ còn giảm tiếp.
Mai Phương (Theo Reuters)
TBKTVN
|