Chủ Nhật, 25/10/2009 15:28

Những giám đốc nội gián ở Phố Wall

Quỹ đầu tư Galleon Group từ cuối tuần trước đã trở thành trung tâm của một vụ án gián điệp tài chính khi tỉ phú sáng lập Galleon là Raj Rajaratnam, người gốc Sri Lanka, bị FBI còng tay tại văn phòng riêng ở New York.

Tội của Rajaratnam là khai thác bất hợp pháp những thông tin tài chính nội bộ của nhiều tập đoàn lớn trên thị trường chứng khoán để đầu cơ trục lợi. Cũng trong sáng 16-10, năm tỉ phú đồng lõa với Rajaratnam đã bị bắt giữ. Ủy ban Giao dịch chứng khoán (SEC) và các công tố viên buộc tội cả sáu người này đã trục lợi hơn 20 triệu USD trong gần ba năm qua từ những thông tin tài chính mật của những tập đoàn như Google, Akamai và Hilton Hotels, chưa kể các giao dịch chứng khoán bất chính khác.

Galleon là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất của thị trường chứng khoán Phố Wall và có một mạng lưới liên lạc rộng khắp trong giới giám đốc điều hành các tập đoàn. Nhiều giám đốc trong số này lại là nhà đầu tư vào Galleon. Chính hệ thống do Rajaratnam điều hành và quản lý danh mục đầu tư đã tố cáo ông ta. Ba đồng nghiệp cũ của Rajaratnam đã bí mật hỗ trợ chính quyền trong quá trình điều tra.

Đây cũng là lần đầu tiên tòa án cho phép FBI thực hiện biện pháp nghe trộm điện thoại các đối tượng thuộc ngành tài chính, trong khi trước đây nó chỉ được sử dụng khi điều tra các vụ án ma túy hoặc có liên quan đến bọn tội phạm, khủng bố. Một cựu nhân viên của Galleon đã giúp FBI cài đặt hệ thống nghe trộm và ghi âm các cuộc điện đàm. Nhân chứng nặc danh này lúc đầu cũng là một người thường xuyên cung cấp thông tin mật cho Rajaratnam để củng cố việc làm ở Galleon. Từ tháng 11-2007, nhân chứng này đã nhận tội và chấp thuận hợp tác để giảm nhẹ bản án.

Nội gián ­khắp nơi

“Tôi có món quà lớn cho cô đây, Danielle. Thông tin!” - một nhà điều hành của Tập đoàn công nghệ mạng Akamai đã điện thoại cho Danielle Chiesi, đồng lõa của Rajaratnam nhưng lại là người của Quỹ đầu tư New Castle.

Bằng chứng từ những cuộc điện thoại được ghi âm cho thấy chuyện trục lợi bằng thông tin nội bộ không chỉ dừng lại ở Galleon! Những nội gián đã cung cấp thông tin cho Rajaratnam và đồng lõa để đổi lấy tiền hoặc thông tin mật tương đương.

Danielle bị buộc tội đã tiết lộ thông tin về Tập đoàn Akamai và Hãng sản xuất chip AMD cho Quỹ Galleon để đổi lấy thông tin cho Quỹ New Castle của bà ta. Tổng giám đốc Mark Kurland của New Castle bị bắt cùng với bà Danielle. Anil Kumar, giám đốc Công ty tư vấn McKinsey & Co., cũng bị bắt trong vụ án này lại là người cố vấn tài chính cho Tập đoàn AMD.

Trong sáu người bị bắt giữ tuần trước, Rajiv Goel là người trong bộ phận chuyên trách đầu tư của Tập đoàn Intel nhưng lại cung cấp cho Galleon thông tin về thu nhập và kế hoạch đầu tư của Intel với đối tác Clearwire chuyên về công nghệ wi-fi. Còn Robert Moffat, bạn của bà Danielle, là một phó giám đốc công nghệ của IBM, đã chỉ điểm về những hợp tác giữa IBM và AMD.

Danh sách những người liên can đến Quỹ đầu tư Galleon và nhà tài phiệt Rajaratnam còn dài và nhiều người có khả năng sẽ bị truy tố. Với thù lao từ 10.000 USD trở lên, rất nhiều người trong nhiều tập đoàn có niêm yết trên thị trường chứng khoán sẵn sàng bán thông tin nội bộ cho Galleon. Mạng lưới quan hệ chằng chịt những nguồn tin mật của Rajaratnam và các đồng lõa khi bị phanh phui đã khiến chỉ số Dow Jones, lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 điểm trong năm nay, lập tức tụt xuống 9.995,91 ngay trong ngày nhóm này bị FBI bắt giữ.

Thị trường chứng khoán Colombo ở Sri Lanka liền sau đó cũng rối loạn vì Rajaratnam là một trong những nhà đầu tư lớn nhất nước này. Tệ hại hơn, những chứng cứ mới cho thấy Rajaratnam có dấu hiệu tài trợ cho lực lượng phiến quân Hổ Tamil của nước này - một tổ chức vốn được Mỹ xem là khủng bố.

Thừa biết hậu quả

Bị quy vào bốn tội danh mưu đồ và chín tội danh lừa đảo chứng khoán, Rajaratnam phải nộp 100 triệu USD để được tại ngoại hầu tra. Các đồng lõa cũng bị buộc những tội danh tương tự. Tất cả đều cho là mình vô tội. Luật sư của Rajaratnam cho rằng việc khai thác và kiếm lợi nhuận từ thông tin là điều thường tình ở Phố Wall. Một ngày sau khi bị bắt, Rajaratnam nói với báo giới: “Mỗi tuần tôi nhận được hàng ngàn cú điện thoại gợi ý”.

Galleon bắt đầu nổi lên trên thị trường chứng khoán công nghệ của Phố Wall vào những năm 1990. Vào thời đó, các chuyên gia phân tích và những thân chủ được ưu đãi luôn được xem trước các báo cáo phân tích, biết trước tình hình thu nhập của các công ty niêm yết và được chia phần đầu tư vào những công ty “ngon lành” lần đầu tiên lên sàn chứng khoán. Thời kỳ vàng son đó kết thúc sau khi bong bóng dot-com nổ tung vào năm 2000 và các quy định mới của SEC ngăn cấm các công ty tiết lộ những thông tin có khả năng tạo ra đầu cơ bất chính.

Thu thập thông tin độc quyền vẫn là yếu tố then chốt trong chiến lược đầu tư của Galleon. Công ty này tích cực theo đuổi các tin đồn và tận dụng mọi quan hệ - mua chuộc lẫn gây sức ép - để thu thập những thông tin không được phép công khai. Một lần vào năm 2005, Galleon đã đi quá đà.

Trong năm ngày liên tiếp, Galleon đã mua đầu cơ một lượng lớn cổ phiếu của 17 công ty niêm yết. SEC đã phạt Galleon 2,4 triệu USD vì mua bán cổ phiếu không hợp lệ và tạo ra những giao dịch không có thực. Galleon đóng đủ tiền phạt nhưng không hề thừa nhận hay bác bỏ những cáo buộc của SEC.

Những cuộc điện thoại ghi âm lén giữa Rajaratnam và Danielle cho thấy nhóm này nhận thức rõ những thông tin của họ vượt xa những gì thị trường biết được.

“Nếu hai chúng ta mà không gần gũi với công ty đó như thế này thì ông có muốn ghìm cổ phiếu lại chờ lên giá không?” - Danielle đã hỏi Rajaratnam vào ngày 26-8-2008, liên quan đến chuyện tài chính của Tập đoàn AMD.

“Không. Chắc chắn là không” - Rajaratnam đáp.

Nhưng cả hai chắc chắn đều biết rõ hậu quả nếu như mưu đồ của họ bị phanh phui. Trong cuộc điện đàm ghi âm được sau đó một ngày, Danielle nói với một đồng lõa không rõ tên: “Chuyện này mà lộ ra thì tôi chết. Cả tôi và sự nghiệp của tôi cũng tiêu tan”.

Lần đầu tiên tòa án cho phép FBI thực hiện biện pháp nghe trộm điện thoại các đối tượng thuộc ngành tài chính, trong khi trước đây nó chỉ được sử dụng khi điều tra các vụ án ma túy hoặc có liên quan đến bọn tội phạm, khủng bố.

Raj Rajaratnam là ai?

Khi thành lập Quỹ đầu tư Galleon Group năm 1997, Raj Rajaratnam (sinh 1957) cho báo giới biết câu danh ngôn yêu thích của mình là lời của Andrew Grove - cựu tổng giám đốc huyền thoại của Tập đoàn Intel: “Chỉ những kẻ hoang tưởng mới sống sót”.

Cho tới ngày thứ sáu 16-10, cả Galleon lẫn Rajaratnam đã chứng tỏ là những kẻ sống sót tài giỏi. Giữa năm 2008, với trị giá tài sản gần 8,3 tỉ USD, Galleon là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Phố Wall. Galleon đã thưởng công cho người điều hành kiêm sáng lập Rajaratnam với những khoản tiền đưa ông ta lên hàng đầu các tỉ phú chứng khoán. Chỉ riêng thu nhập trong năm 2007 từ Galleon đã giúp Rajaratnam lọt vào nhóm các nhà điều hành công ty tài chính được trả lương cao nhất thế giới.

Tháng 9-2009, tạp chí Forbes đã đưa Rajaratnam vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ. Rajaratnam xếp hạng 236 với tài sản, theo Forbes, ước tính 1,8 tỉ USD.

Sinh trưởng ở Sri Lanka, Rajaratnam học trường nội trú Anh ngữ rồi du học ở Anh. Rajaratnam tốt nghiệp cử nhân khoa học ở Đại học Sussex rồi sang Mỹ học MBA ở Trường kinh tế Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. Với bằng MBA, Rajaratnam gia nhập Ngân hàng đầu tư Needham & Co ở New York đầu những năm 1980 và trở thành giám đốc ngân hàng này năm 1991.

Một năm sau, Rajaratnam thiết lập một quỹ đầu tư nội bộ của Ngân hàng Needham chuyên về các cổ phiếu công nghệ. Năm 1997, thấy được cơ hội ở các công ty công nghệ cao, Rajaratnam bỏ Needham, mang theo quỹ đầu tư nội bộ và lập ra Galleon.

Đầu tư vào cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ như Google, Intel, IBM, AMD... luôn là cốt lõi của hoạt động kinh doanh tại Galleon. Trước khi thị trường tài chính Mỹ bắt đầu suy thoái vào tháng 9-2008, Galleon luôn tự hào mang lại cho các khách hàng đầu tư lợi nhuận trung bình hăng năm là 23%.

AN NHIÊN (Theo WSJ, NYT, CSM)

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   FED mở rộng "kiểm tra sức bền" các ngân hàng Mỹ (24/10/2009)

>   Số phận Wall St. chờ đợi LN quý 3 và loạt số liệu kinh tế (24/10/2009)

>   100 ngân hàng Mỹ phá sản trong năm 2009 (24/10/2009)

>   Wall Street chao đảo do chốt lời cuối tuần (24/10/2009)

>   Châu Á: Trái phiếu bùng nổ (23/10/2009)

>   Morgan Stanley bán chi nhánh lấy 1,5 tỷ USD (23/10/2009)

>   Toyota và Honda sẽ gia tăng sản xuất tại nước ngoài (23/10/2009)

>   Tình hình KT - TC thế giới từ ngày 15/10 - 22/10/2009 (23/10/2009)

>   Chứng khoán châu Á khép lại tuần trong sắc xanh (23/10/2009)

>   Cái giá đắt của thuế chống bán phá giá (23/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật