TTCK và 5 xu hướng hình thành từ mùa BCTC
(Vietstock) – Nếu lướt nhanh qua kết quả kinh doanh quý 3 công bố trong Tháng 10 này, chúng ta sẽ thấy các công ty Mỹ đang giành lại vị thế của mình và sẵn sàng tăng tốc trở lại. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện phản ứng của thị trường chứng khoán thì không hẳn là thế.
Điều này được thể hiện rõ qua việc mặc dù lợi nhuận quý 3 có sự phân hóa rõ rệt, trong đó kết quả kinh doanh tích cực trội hơn tiêu cực với tỷ lệ 4:1 nhưng thị trường chứng khoán lại có phản ứng câm lặng trước kết quả đầy bất ngờ và khả quan này.
Trên thực tế, kể từ khi Dow vượt 10,000 điểm vào ngày 14/10, thị trường chứng khoán hầu như không hề biến chuyển bất chấp lợi nhuận “đình đám” từ các đại gia hàng đầu phố Wall.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng tỏ ra khá lưỡng lự trước các thông tin tốt đẹp này.
Ông Gary Flam, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Bel Air Investment Advisors (Los Angeles) nhận xét: “Nhìn chung, thị trường thực sự có vẻ mệt mỏi tại thời điểm này. Vấn đề quan trọng là, thị trường chỉ tạm dừng do các báo cáo lợi nhuận đều đúng như kỳ vọng và sau đó sẽ tiếp tục tăng tốc, hay thị trường đuối sức dần và sắp sụt giảm trở lại ?”
Đó chỉ là một trong các vấn đề cần xem xét khi 5 xu hướng rõ rệt đã được hình thành vào giữa lúc mùa công bố lợi nhuận đang đạt được những kết quả hết sức lạc quan:
1. Mọi việc không quá xấu
Điều nhận được sự đồng thuận duy nhất trên thị trường gần đây là giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc suy thoái đã kết thúc, đặc biệt là so với thời điểm bê bết nhất của thị trường tài chính phố Wall cách đây một năm.
Điều này được phản ánh qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Điển hình như các kết quả lợi nhuận đầy ấn tượng công bố hôm Thứ Sáu của Microsoft, JPMorgan Chase, 3M và Caterpillar đều thể hiện được sự phục hồi sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề.
Đối với một số chuyên gia, biến động của thị trường là không đáng lo ngại. Có thể thị trường chỉ tạm dừng sau khi tăng tốc hơn 50% trong 7 tháng qua, một sự chuyển biến lành mạnh thay vì một đợt xả hàng lớn do kết quả kinh doanh đáng thất vọng gây ra.
Ông Tom Higgins,chuyên gia kinh tế tại Payden & Rygel (Los Angeles) nhận định: “Tôi nghĩ rằng đó là một điều không có gì xấu khi thị trường nghỉ xả hơi, ngược lại đó là một điều tốt tại thời điểm này."
2. Song mọi việc cũng không quá lạc quan
Hầu hết các kết quả kinh doanh đều thể hiện đà tăng trưởng trong doanh thu chứ không phải chỉ đơn thuần là tăng trưởng lợi nhuận nhờ cắt giảm chi phí vốn là đặc điểm chung của mùa lợi nhuận quý 2. Được biết, khi đó số báo cáo tài chính khả quan vượt các kết quả kinh doanh tiêu cực theo tỷ lệ 3:1.
Thực ra, trong một số trường hợp sự tăng trưởng mạnh chưa chắc đã đủ tốt. Goldman Sachs là một ví dụ điển hình, được biết ngân hàng này công bố doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng vẫn đem đến sự thất vọng cho giới phân tích bởi họ không hài lòng về nguồn gốc tăng trưởng của ngân hàng này.
“Những gì chúng tôi mong đợi chính là sự tăng trưởng lợi nhuận từ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Lấy ví dụ trong lĩnh vực tài chính, hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh là điều tốt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta muốn hoạt động tín dụng gia tăng và giúp các ngân hàng sinh lãi thông qua hoạt động cốt lõi chứ không phải việc tăng giá cả tài sản.”
Hơn nữa, trong khi lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng lớn đạt kỳ vọng, thì bức tranh tổng thể trong ngành này vẫn khá ảm đạm.
Trong số 39 báo cáo tài chính của các ngân hàng do Keefe, Bruyette & Woods (KBW) khảo sát, có 19 ngân hàng vượt kỳ vọng, 19 không đạt kỳ vọng và chỉ có 1 là khớp với dự đoán. Trong đó, không một số liệu nào cho thấy khả năng xoay chuyển mạnh mẽ của ngành này.
Điều này cho thấy sự chênh lệch lớn giữa các kết quả kinh doanh hàng quý.
3. Các nhà đầu tư bị kẹt ở giữa
Một trong các nguyên nhân chủ yếu khiến các thị trường không thay đổi nhiều trong vài tuần qua là giới đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng mạnh mẽ. Và khi các kết quả này đã vượt kỳ vọng thì nhà đầu tư lại thêm các thông tin thuyết phục hơn nữa để theo kịp tốc độ mua vào nhanh chớp nhoáng.
Theo ông Michael Cohn, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Công ty Quản lý Quỹ Atlantis ở New York: "Chúng ta đang ở trạng thái cân bằng dựa trên lợi nhuận doanh nghiệp, thu nhập và sự kỳ vọng. Thị trường cho bạn biết những gì sẽ xảy ra trong tương lai, và khi kỳ vọng được đáp ứng nhà đầu tư sẽ bán ra.”
Theo ông, thị trường đã thể hiện một chút thất vọng do lợi nhuận của doanh nghiệp không vượt quá xa dự báo của giới phân tích.
4. Thị trường có đứng vững bằng thực lực của mình?
Các nhà đầu tư thường chú ý nhiều đến triển vọng lợi nhuận hơn so với số liệu thực tế trong quý. Tuy nhiên, các dự báo thậm chí còn quan trọng hơn trong năm nay khi Chính phủ đang chuẩn bị rút dần các biện pháp kích thích kinh tế.
Trong khi vẫn còn hoài nghi về việc liệu lạm phát hay giảm phát có phải là mối đe dọa lớn hay không, thị trường đều thống nhất rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Bộ Tài chính sẽ khéo léo trong cách triển khai các chiến lược thoái lui tương ứng.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc thu hồi các biện pháp kích thích kinh tế quá sớm sẽ xóa sạch đà tăng trưởng còn yếu ớt, song nếu thực hiện điều này quá muộn, lạm phát có nguy cơ xảy ra. Do đó, FED và Bộ Tài chính sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi rút lại các chính sách này.
5. Phòng thủ khi thiếu hụt niềm tin
Các nhà phân tích tiếp tục lo lắng về sự thiếu thuyết phục của thị trường, và tâm lý lưỡng lự của nhà đầu tư nhiều khả năng tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Vào tuần trước, dòng tiền đổ vào chứng khoán tăng đến 6.55 tỷ USD, mức lớn nhất kể từ Tháng 5 năm nay, song nhiều cố vấn thị trường vẫn khuyên giới đầu tư có các quyết định thận trọng.
Bà Emily Sanders, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Sanders tại Atlanta cho biết họ đang giữ chiến lược đầu tư phòng thủ. Còn theo ông Cohn, đây là thời điểm tốt để chốt lời cho đến khi thị trường sẵn sàng cho một đợt tăng điểm mới.
Bội Mẫn (Theo CNBC)
|