Vì sao Trung Quốc mua 50 tỷ USD trái phiếu IMF?
Trung Quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa ký thỏa thuận về việc Bắc Kinh sẽ mua một lượng lớn trái phiếu đợt phát hành đầu tiên của của IMF có tổng mệnh giá 32 tỷ đồng Quyền Rút Đặc biệt (SDR), tương đương 50 tỷ USD.
*Trung Quốc sẽ mua 50 tỷ USD trái phiếu của IMF
Tân Hoa Xã cho biết, Tổng giám đốc Điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn và Phó Thống đốc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc Yi Gang đã ký hiệp định mua trái phiếu này hôm 2/9, tại trụ sở của IMF ở Washington D.C, Mỹ.
Hiệp định mua trái phiếu IMF trên là hiệp định đầu tiên về lĩnh vực này trong lịch sử của IMF - một tổ chức tài chính quốc tế đa phương có 186 nước thành viên.
SDR là loại tiền do IMF phát hành mà giá trị của tiền này được tính hằng ngày trên cơ sở một gói đồng tiền mạnh trên thế giới như USD, yên Nhật Bản, euro, và bảng Anh.
Người sở hữu SDR có quyền chuyển đổi vốn và rút vốn linh hoạt đối với bốn loại tiền mạnh nói trên chứ không bị phụ thuộc cứng nhắc vào tỷ giá đồng USD.
Cho đến nay, Trung Quốc cũng như hầu hết các quốc gia khác giữ hoặc đầu tư khoản tiền dự trữ ngoại tệ của mình ở dạng đồng USD, hoặc mua trái phiếu USD của các tổ chức tài chính Mỹ.
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, đặc biệt là khi đồng USD mất giá, khoản dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD của các nước cũng mất giá theo. Đấy là chưa kể những lúc chuyển đổi vốn sang loại tiền khác luôn phải chịu những thiệt thòi đau đớn do bị ép tỷ giá hối đoái.
Hồi đầu năm nay, nhóm bốn nước hàng đầu khối các nước đang phát triển gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc - viết tắt theo chữ cái tiếng Anh là nhóm BRIC - thỏa thuận với nhau tăng cường sử dụng đồng SDR để giảm bớt phụ thuộc vào đồng USD.
Nga và Ấn Độ công bố ý định mua trái phiếu của IMF bằng đồng SDR tương đương 10 tỷ USD mỗi nước. Brazil cũng có kế hoạch đa dạng hóa loại tiền trong khoản dự trữ ngoại tệ của mình bằng cách mua trái phiếu đồng SDR của IMF.
Hiện, Trung Quốc có khoản dự trữ ngoại tệ chính thức hơn hai ngàn tỷ USD. Để bảo toàn nguồn vốn này, Bắc Kinh muốn đa dạng hóa loại ngoại tệ dự trữ của mình. Đây là lý do chính khiến Ngân hàng T.Ư Trung Quốc quyết định mua 32 tỷ SDR trái phiếu IMF lần này.
Hồi tháng Tư vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở London, các cường quốc tài chính đều nhất trí tăng cường nguồn lực tài chính cho IMF. Nhật Bản thông báo quyết định cấp tín dụng 100 tỷ USD cho IMF. Mỹ, EU cũng công bố khoản tín dụng tương tự cho IMF để xây dựng quĩ khẩn cấp can thiệp khủng hoảng.
Ngoài ra, để có thêm nguồn lực tài chính giúp giải cứu nền kinh tế các nước đang phát triển khỏi bị phá sản, IMF có kế hoạch bán 500 tỷ USD trái phiếu.
Tại Hội nghị G-20 vừa qua, Trung Quốc mới công bố mua 40 tỷ USD trái phiếu IMF. Tuy nhiên sau đó, Tân Hoa Xã dẫn lời quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có thể đầu tư đến 50 tỷ USD vào trái phiếu IMF nếu trái phiếu này có lãi hợp lý và bảo toàn được giá trị dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Thực tế Trung Quốc đã làm đúng như vậy.
Nguyễn Đại Phượng
Tiền Phong
|