Thứ Năm, 10/09/2009 06:47

Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu

Trung Quốc đang đối mặt với sự sụt giảm xuất khẩu tội tệ nhất trong hơn hai thập kỷ qua và vì vậy buộc phải để cho người tiêu dùng trong nước mua sắm nhiều hơn.

Gói kích cầu trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 585 tỉ đô la Mỹ, cùng với việc cho vay kỷ lục, giảm thuế và tăng trợ cấp - đã làm doanh số mua bán tài sản trong 7 tháng đầu năm nay ở Trung Quốc tăng 60% so với năm ngoái, doanh số xe hơi trong tháng 7 tăng 70% và nhu cầu mua tivi và máy vi tính cũng tăng mạnh. Theo Ngân hàng Credit Suisse AG (Thụy Sĩ), kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong quý 4 năm nay có thể đạt 313 tỉ đô la Mỹ, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhanh nhất kể từ khi cuộc suy thoái toàn cầu bắt đầu. Nhu cầu lớn của Trung Quốc cũng đang thúc đẩy doanh số của các nhà xuất khẩu Đài Loan và Hàn Quốc.

Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc mạnh hơn cũng có thể giúp nền kinh tế toàn cầu giảm sự phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ và châu Âu, giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc, hạn chế sự mất cân bằng toàn cầu giữa tiêu dùng và tiết kiệm - một trong những yếu tố góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Tăng nhập khẩu, giảm xuất khẩu và thặng dư thương mại

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong quý 2/2009, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 24,5 tỉ đô la Mỹ tăng 26,6% so với quý 1, nhập khẩu từ Đài Loan tăng gần 41% lên 20,3 tỉ đô la Mỹ. Trong các đối tác thương mại chính, nhập khẩu từ Nhật Bản tăng 30,2% lên 31,5 tỉ đô la Mỹ, từ Liên minh châu Âu tăng 23,5% lên 31,3 tỉ đô la Mỹ và từ Mỹ tăng 11,5% lên 18,5 tỉ đô la.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã giảm 16,6 tỉ đô la Mỹ trong bảy tháng đầu năm nay, xuống còn 108 tỉ đô la Mỹ, mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2003. Mặc dù lượng hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu có thể giảm xuống sau khi Chính phủ thông báo những biện pháp kiềm chế sản xuất ở một số ngành công nghiệp, chẳng hạn như thép và xi măng, vào ngày 26/8 vừa qua, song nhu cầu nội địa vẫn khiến cho nhập khẩu tăng lên mức cao hơn. Kích thích tiêu dùng nội địa trở thành vấn đề cấp bách của Trung Quốc khi xuất khẩu giảm mạnh trong bảy tháng đầu năm nay, chỉ còn 627 tỉ đô la Mỹ so với 803 tỉ đô la Mỹ cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 7/2009, hoạt động xuất khẩu đã giảm tháng thứ chín liên tiếp, giảm 23%, còn 105,42 tỉ đô la Mỹ. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhận định sự sụt giảm này có thể tiếp tục một thời gian dài nữa.

Nhu cầu nội địa tăng đột ngột

Nhưng khi xuất khẩu giảm sút do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, Trung Quốc nhanh chóng ban hành gói kích thích kinh tế trị giá tới 14% GDP. Ngoài ra, trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay hơn 1.100 tỉ đô la Mỹ để hỗ trợ gói kích cầu của chính phủ, gấp ba lần mức cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vậy kinh tế Trung Quốc tăng được 7,9% trong quý 2, so với 6,1% trong quý 1 - là quý tăng trưởng thấp nhất trong một thập niên qua.

Chi tiêu Chính phủ cho đường bộ, đường sắt, năng lượng đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu các nguyên liệu chiến lược như quặng sắt và đồng. Chính phủ Trung Quốc cũng đã giảm một nửa thuế bán lẻ xe hơi và trợ cấp 20 tỉ nhân dân tệ cho nông dân mua sắm máy vi tính, máy lạnh, ti-vi, tủ lạnh và máy giặt, dẫn tới việc nhu cầu tăng đột biến.

Các doanh nghiệp lớn của Đài Loan và Hàn Quốc hưởng lợi nhiều từ sự gia tăng nhu cầu này. Công ty AU Optronics, nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng lớn thứ ba thế giới, dự kiến lượng màn hình bán cho các nhà lắp ráp ti-vi Trung Quốc sẽ tăng hơn 40% trong năm nay nhờ chính sách tài trợ đưa hàng về nông thôn của chính phủ Trung Quốc. Tỉ lệ doanh thu từ thị trường Trung Quốc trong tổng doanh thu của công ty đã tăng lên 20% từ mức 8% năm ngoái.

Tập đoàn Kia Motors, nhà sản xuất xe hơi lớn thứ hai Hàn Quốc cho biết, số xe bán ra thị trường Trung Quốc trong quý 2 của hãng này đã tăng 52%, lên 61.000 chiếc, góp phần đưa lợi nhuận của công ty tăng gấp 4 lần, lên 347 tỉ won (278 triệu đô la Mỹ). Sự phục hồi hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc và Đài Loan - chủ yếu xuất khẩu các mặt hành không phải là nguyên liệu như xe hơi, hàng điện tử và máy móc công nghiệp - chứng tỏ rằng “xu hướng chuyển sang tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc đang diễn ra”, theo nhận định của ông Tom Gordon, nhà kinh tế chính về châu Á làm việc tại Singapore của ngân hàng Hà Lan ING Groep NV.

Điều này đang làm cho thặng dư thương mại của Đài Loan và Hàn Quốc với Trung Quốc phình lên. Theo dự báo của ngân hàng Thụy Sĩ UBS AG, thặng dư thương mại của Đài Loan trong buôn bán với Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong năm nay lên 30 tỉ đô la Mỹ, trong khi của Hàn Quốc sẽ tăng gấp ba lên 37 tỉ đô la Mỹ.

Nhưng khó duy trì tăng trưởng

Duy trì sự tăng trưởng là “một nhiệm vụ khó khăn” vì bốn phần năm sự phát triển của Trung Quốc trong năm nay được sinh ra từ các dự án đầu tư do Chính phủ tài trợ vào các chương trình xây dựng hạ tầng, theo nhận định của ông Vikram Nehru, nhà kinh tế chính về châu Á của Ngân hàng Thế giới. Các chương trình này phải có tác dụng “lấp khoảng trống” trong lúc vốn đầu tư và sản lượng của khu vực kinh tế tư nhân chưa kịp hồi phục trở lại và kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu ớt. Nếu không thực hiện được vai trò này, tăng trưởng kinh tế sẽ không thể bền vững.

Dù quy mô kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong năm 2007, bình quân thu nhập quốc dân đầu người của Trung Quốc vẫn chưa bằng 10% so với các nước giàu. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2008, với thu nhập 2.912 đô la Mỹ/người/năm, Trung Quốc xếp thứ 98 trên thế giới, sau cả Angola và Azerbaijan. Chính vì thế tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc có giới hạn rất rõ. Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế cao cấp về Trung Quốc của Ngân hàng Thế giới tại Bắc Kinh, lưu ý rằng, Trung Quốc chỉ có thể duy trì đà tăng trưởng nhập khẩu nếu cho phép đồng bản tệ được chuyển đổi tự do, làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn, cùng với việc tiếp tục thực thi những chính sách kích cầu. “Người Trung Quốc đã hoàn thành nhiều ‘nhiệm vụ khó khăn’ trong quá khứ. Nếu có ai thắng lần này thì đó chắc là người Trung Quốc”.

108 tỷ USD là thặng dư thương mại của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm, giảm 16,7 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng đã làm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và ngành xây dựng ở Trung Quốc bùng nổ

Phương Huỳnh (Theo Bloomberg)

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Châu Âu điều tra giá sữa cao (10/09/2009)

>   Hàn Quốc "rót" thêm 10 tỷ USD cho nền kinh tế (10/09/2009)

>   Trung Quốc ra mắt mô hình máy bay thương mại cỡ lớn (09/09/2009)

>   Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách kích cầu (09/09/2009)

>   TT Barack Obama: Kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi (09/09/2009)

>   Trung Quốc đẩy mạnh mua mỏ dầu nước ngoài (09/09/2009)

>   Doanh số xe hơi Đức có dấu hiệu hồi phục (09/09/2009)

>   Ngân hàng Canada chắc chắn nhất thế giới (09/09/2009)

>   IMF: Kinh tế thế giới phục hồi sớm nhưng "yếu ớt" (09/09/2009)

>   Hongkong phát hành đồng 150 đôla đầu tiên (09/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật