Thứ Tư, 09/09/2009 19:49

Trung Quốc đẩy mạnh mua mỏ dầu nước ngoài

Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) – công ty mẹ của Công ty dầu khí lớn nhất thế giới về giá trị thị trường PetroChina – hôm nay đã được vay 30 tỉ đô la Mỹ để mua lại các mỏ dầu ở nước ngoài.

Hãng tin Bloomberg trích thông tin từ trang web của PetroChina hôm nay cho biết, được sự bảo lãnh của chính phủ, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc hôm qua (thứ Ba 8-9-09) đã ký hợp đồng cho CNPC vay 30 tỉ đô la Mỹ, với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 5 năm và không cho biết thêm chi tiết.

Chiến lược thâu tóm tài nguyên dầu mỏ

Trong thời gian gần đây, CNPC đã bỏ ra 12 tỉ đô la Mỹ mua lại các cơ sở khai thác dầu của nhiều nước, kể cả Canada và Singapore.

Giới quan sát bình luận rằng, chính phủ Trung Quốc, qua tập đoàn CNPC, muốn lợi dụng lúc giá tài nguyên đang ở mức thấp để mua càng nhiều càng tốt các nguồn dự trữ dầu mỏ ở nước ngoài, từ đó bảo đảm nguồn cung cấp nhiên liệu trong tương lai và đáp ứng nhu cầu dầu mỏ - đã tăng gấp đôi trong vòng một thập niên - của Trung Quốc. Hoạt động này cũng nhằm đa dạng hóa hình thức đầu tư nguồn vốn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc mà hiện nay chủ yếu là mua trái phiếu chính phủ Mỹ.

Từ mức kỷ lục 147 đô la Mỹ/thùng hồi tháng 7 năm ngoái đến nay giá dầu thế giới đã giảm hơn một nửa, hiện chỉ dao động quanh mức 70 đô la Mỹ/thùng. Trung Quốc hiện có quỹ dự trữ trị giá 2.000 tỉ đô la Mỹ, trong đó có 776,4 tỉ đô la là trái phiếu chính phủ Mỹ. Đến cuối năm ngoái, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc là 8 triệu thùng/ngày, trong đó lượng dầu nhập khẩu là 3,6 triệu thùng/ngày, tương đương 45% nhu cầu.

Theo giới phân tích trong ngành, hiện nay tập đoàn CNPC đang theo đuổi việc mua cổ phần chi phối của công ty dầu mỏ Repsol YPF SA của Argentine. CNPC có thể sẽ trả giá từ 13 tỉ đến 14,5 tỉ đô la cho thương vụ này và nếu thành công thì đây là vụ đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc từ trước tới nay.

Nhưng theo báo cáo tài chính của tập đoàn, tại thời điểm cuối năm ngoái, quỹ tiền mặt của CNPC chỉ có 185,8 tỉ nhân dân tệ, tương đương 27 tỉ đô la Mỹ, vì thế tập đoàn này sẽ không đủ tiền để mua cổ phần chi phối của Repsol Argentine. Theo bà Wang Jing, phân tích viên về dầu khí của công ty chứng khoán Orient Securities, có lẽ đó là lý do mà chính phủ Trung Quốc đứng ra bảo lãnh để CNPC được vay 30 tỉ đô la Mỹ từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Chủ tịch của CNPC, ông Jiang Jiemin, cho biết: “Hợp đồng tín dụng này có tầm quan trọng lớn lao đối với CNPC; nó cho phép chúng tôi đẩy nhanh chiến lược mở rộng hoạt động ở nước ngoài và bảo đảm nguồn cung cấp nhiên liệu của quốc gia”. 

Khoản tín dụng này tương đương với toàn bộ chi phí tài chính của tập đoàn PetroChina trong năm 2009. Lãi suất ưu đãi của khoản vay không được nói rõ song lãi suất hiện hành cho món vay bằng nhân dân tệ kéo dài 5 năm của Trung Quốc là 5,94%/năm.

Thành công và thất bại đã qua

Cho tới gần đây chiến lược thâu tóm các nguồn tài nguyên khoáng sản ở nước ngoài của Trung Quốc thường vấp phải sự phản đối. Năm 2005, Quốc hội Mỹ đã phủ quyết vụ tập đoàn khai thác dầu mỏ hải ngoại quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mua lại tập đoàn dầu khí Unocal của Mỹ với giá 18,5 tỉ đô la Mỹ. Mới đây, tập đoàn khai khoáng Rio Tinto (Anh-Úc) đã phá bỏ hợp đồng bán cổ phần cho tập đoàn Nhôm quốc doanh Chinalco (Trung Quốc). Và mới nhất, ngày hôm qua, một công ty dầu mỏ của Lybia ở Bắc Phi đã từ chối hợp đồng với CNPC.

Những thương vụ thành công của Trung Quốc cũng khá nhiều, gần đây nhất là vụ PetroChina mua 60% cổ phần của công ty cát-dầu (oil sand) Athabsaca của Canada với giá 1,9 tỉ đô la Canada trong tháng trước và mua công ty lọc dầu duy nhất của Singapore là Singapore Petroleum với giá 2,2 tỉ đô la Mỹ.

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Doanh số xe hơi Đức có dấu hiệu hồi phục (09/09/2009)

>   Ngân hàng Canada chắc chắn nhất thế giới (09/09/2009)

>   IMF: Kinh tế thế giới phục hồi sớm nhưng "yếu ớt" (09/09/2009)

>   Hongkong phát hành đồng 150 đôla đầu tiên (09/09/2009)

>   Chứng khoán Châu Á sẩy chân từ mức cao 1 năm (09/09/2009)

>   Đức: Lạm phát Tháng 8 đứng ở mức 0% (09/09/2009)

>   Singapore, New Zealand và Hồng Kông có môi trường kinh doanh tốt nhất TG (09/09/2009)

>   Cựu Chủ tịch FED: “Khủng hoảng sẽ lại xảy ra” (09/09/2009)

>   Kinh tế Nga đã vượt đáy để bắt đầu đi lên (09/09/2009)

>   400 phi công hãng Jet Airways của Ấn Độ bãi công (09/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật