Tọa đàm về Cơ chế giám sát khu vực tài chính trong tương lai
Ngày 17/9/2009, trong khuôn khổ Hỗ trợ kỹ thuật 7087 “Hỗ trợ phát triển thị trường vốn và tăng cường năng lực khu vực tài chính”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á tổ chức Tọa đàm về Cơ chế giám sát khu vực tài chính trong tương lai.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia Văn phòng đại diện ADB tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và các Vụ chức năng của NHNN, Bộ Tài chính, UBCKNN, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, một số các NHTM.
Mục đích của Hội thảo là tọa đàm về việc xây dựng một khuôn khổ các vấn đề cần quan tâm liên quan đến cơ chế thanh tra, giám sát tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Peter Hayward-chuyên gia tư vấn về thanh tra giám sát của ADB cho rằng vấn đề cơ chế giám sát khu vực tài chính trong tương lai là rất quan trọng và cần thiết để đảm bảo khuôn khổ thể chế vẫn phù hợp để thỏa mãn những thách thức đặt ra với sự phát triển của khu vực tài chính. Đồng thời, đảm bảo cơ chế thanh tra, giám sát không ngăn cản sự thay đổi trong khu vực tài chính mà các quốc gia mong muốn. Để đáp ứng như vậy, hoạt động thanh tra phải có các mục tiêu là: Rõ ràng và công khai; Không quá nhiều luật lệ; Nhất quán.
Cũng theo ông Peter Hayward, thực trạng của hệ thống tài chính Việt Nam hiện nay vẫn chưa phức tạp; các ngân hàng vẫn đóng vai trò chi phối; những cấu trúc tập đoàn đang manh nha xuất hiện. Vì vậy, hệ thống giám sát hiện thời là phù hợp với hệ thống tài chính đơn giản; các tổ chức là đơn chức năng và các cơ quan quản lý cũng vậy. Những vấn đề mà hoạt động thanh tra, giám sát của Việt Nam sẽ phải đối mặt là: Sự phát triển của các tập đoàn; Sự phát triển của thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu sẽ liên quan đến tất cả các tổ chức và cơ quan quản lý; Nhu cầu điều phối và hợp tác. Việc thanh tra, giám sát chặt chẽ sẽ là một biện pháp cần thiết nếu các tổ chức tài chính hình thành nên các nhóm hoặc thiết lập các công ty con hay công ty mẹ; Phải đánh giá rủi ro trên chuẩn cơ sở nhóm nhiều tổ chức; Đánh giá rủi ro đối với các ngân hàng có các công ty con hoặc đầu tư không được điều chỉnh theo luật.
Trong gợi ý về tiếp cận khả thi cho Việt Nam, ông Peter Hayward cho rằng một mô hình trong tương lai cần phải tạo lập là Hội đồng phát triển khu vực tài chính (Financial Sector Development Council-FSDC) để giúp Thủ tướng lập ra các mục tiêu và giám sát việc thực hiện đạt yêu cầu. Thành viên bao gồm tất cả các cơ quan giám sát, NHNN và Bộ Tài chính. UBGSTCQG đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ.
Vấn đề các đại biểu tham dự Hội thảo quan tâm là phải có những quan điểm sâu sắc, tổng thể, toàn diện về cơ chế giám sát trong bối cảnh hệ thống tài chính đang có sự phát triển nhanh chóng, đồng thời có những thay đổi to lớn, đa dạng hóa hơn; Vấn đề tính chuyên nghiệp của các cơ quan giám sát trong thu thập, xử lý thông tin và kinh nghiệm giám sát khu vực tài chính của các nước trên thế giới.
Trịnh Ngọc Lan
SBV
|