Toạ đàm "Các phương pháp quản lý, điều hành có hiệu quả Nhà máy in tiền"
Ngày 17/9/2009, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Toạ đàm về “Các phương pháp quản lý, điều hành có hiệu quả Nhà máy in tiền”. Tham dự Toạ đàm có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, Nhà máy in tiền Quốc gia, Cục Bảo vệ An ninh kinh tế (A17) - Bộ Công an cùng nhóm chuyên gia tư vấn của Cục In tiền Quốc gia Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ NHNN nhấn mạnh: Tổ chức in, đúc, bảo quản, vận chuyển tiền; thực hiện nghiệp vụ phát hành, thu hồi, thay thế và tiêu huỷ tiền là một trong những chức năng cơ bản của một Ngân hàng trung ương mà NHNN Việt Nam đang thực hiện.Trong thời gian tời, công tác này cần được đổi mới một cách đồng bộ, khoa học, theo hướng hiện đại hoá, phù hợp với yêu cầu thực tế và phát huy hiệu quả cao, đồng thời đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Trung ương hiện đại. Do đó, Toạ đàm lần này là cơ hội để NHNN nói chung, Nhà máy In tiền Quốc gia nói riêng tiếp thu ý kiến và học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn đến từ Cục In tiền Quốc gia Nhật Bản về việc quản lý, điều hành có hiệu quả Nhà máy In tiền.
Tại buổi Toạ đàm, chuyên gia Hachimura Takeshi – Cố vấn trưởng dự án JICA đã trình bày chuyên đề “Chính sách tiền tệ Nhật Bản”. Ông đã phân tích về việc phân chia chức năng trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản bao gồm: Cơ quan sản xuất, Cơ quan phát hành và Cơ quan quản lý lưu thông cũng như tỷ trọng chi tiêu của Ngân hàng Nhật Bản đối với từng cơ quan chính sách. Ông Hachimura Takeshi nhấn mạnh: Thể chế tiền tệ của Nhật Bản đặc trưng bởi sự đơn giản, thể hiện ở việc Nhật Bản có ít loại tiền giúp đơn giản trong tính toán, tiện đóng gói và giảm bớt chi phí vận chuyển đồng thời tạo thuận lợi cho việc sử dụng các máy ATM, máy bán hàng tự động… Thể chế trên đem lại sự tiện lợi cho cả cơ quan phát hành tiền lẫn người sử dụng tiền.
Trong chuyên đề “Quản lý nhà máy trong sản xuất tiền giấy”, ông Okada Shigeru – Giám đốc Nhà máy In tiền Takinogawa, Cục In tiền Quốc gia Nhật Bản đã giới thiệu cơ cấu tổ chức của Cục In tiền quốc gia Nhật Bản. Đồng thời, ông cũng phân tích các nội dung khác như phương pháp tăng cường thể chế quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, cải thiện nơi làm việc và đào tạo nhân sự của các Nhà máy in tiền Nhật Bản. Chuyên gia cũng đưa ra danh mục quản lý nhà máy in tiền để tham khảo bao gồm: Quản lý quy trình; chất lượng; năng suất; bảo trì thiết bị; nguyên vật liệu; nhân sự; an toàn vệ sinh; hoạt động cung ứng bên ngoài và quản lý doanh thu - lợi nhuận.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm đặt ra nhiều câu hỏi và đã được chuyên gia của Cục In tiền Quốc gia Nhật Bản cung cấp thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tổ chức in, đúc, bảo quản và phát hành tiền tại Nhật Bản. Đây thực sự là những kiến thức quý báu cho các cán bộ của NHNN Việt Nam học hỏi và ứng dụng trong việc quản lý, điều hành có hiệu quả Nhà máy in tiền cũng như trong công tác phát hành và kho quỹ.
Sao Nguyễn
SBV
|