Thứ Năm, 17/09/2009 15:07

Tài nguyên khoáng sản và... thuế

Khung thuế suất của hầu hết các loại tài nguyên khoáng sản sẽ tăng mạnh từ ngày 1-1-2010 nếu kỳ họp vào tháng 10 tới đây Quốc hội thông qua dự luật Thuế Tài nguyên như dự kiến.

Một câu hỏi đặt ra là, tăng thuế tài nguyên khoáng sản có giúp Nhà nước “bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên... đồng thời góp phần tăng thu cho ngân sách” như mong muốn của cơ quan soạn thảo dự luật - Bộ Tài chính?

Thuế cũ bất cập

Thuế tài nguyên là một trong những công cụ về tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của các tổ chức, cá nhân. Vì thế nên Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Thuế Tài nguyên từ năm 1990; cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hai lần sửa đổi, bổ sung cho pháp lệnh này vào năm 1998 và 2008.

Bộ Tài chính cho rằng, dù vừa được sửa đổi, bổ sung hồi cuối năm 2008 nhưng Pháp lệnh Thuế Tài nguyên vẫn còn nhiều bất cập. Trong tờ trình Dự án Luật Thuế tài nguyên, bộ cũng đã dẫn ra nhiều quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, sản lượng tính thuế, giá tính thuế, miễn giảm thuế... trong Pháp lệnh Thuế Tài nguyên không còn phù hợp.

Điển hình như quy định về trường hợp bên Việt Nam tham gia liên doanh với nước ngoài mà góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên thì doanh nghiệp liên doanh không phải nộp thuế tài nguyên đối với số tài nguyên mà bên Việt Nam dùng để góp vốn pháp định.

Theo Bộ Tài chính, quy định như thế là chưa bao quát hết các trường hợp xảy ra trên thực tế, gây thất thoát thuế. Vì, bên Việt Nam mang tài nguyên đi góp vốn (tài nguyên đã khai thác) thì bên Việt Nam phải nộp thuế tài nguyên; nếu bên Việt Nam góp vốn bằng quyền khai thác tài nguyên thì liên doanh là đối tượng phải nộp thuế tài nguyên.

Có lẽ vì những khoảng trống pháp lý “chết người” đó nên Bộ Tài chính mới cho rằng, phải luật hóa Pháp lệnh Thuế Tài nguyên để khắc phục những hạn chế của chính sách thuế hiện hành nhằm khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Thống kê về số thu thuế tài nguyên từ năm 2004-2008 cho thấy có xu hướng tiền thu thuế giảm dần. Năm 2004, tổng thu thuế tài nguyên là 31.830,4 tỉ đồng thì năm 2008 chỉ còn 17.346 tỉ đồng; và tiền thuế này chủ yếu từ dầu khí (97,5%).

Thuế mới khả thi?

Ngoài việc “bít” một số kẽ hỡ trong các quy định về miễn giảm thuế, giá tính thuế, đối tượng chịu thuế... thì điểm mới của dự luật Thuế Tài nguyên so với Pháp lệnh Thuế Tài nguyên (1998) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung điều 6 Pháp lệnh Thuế Tài nguyên (2008) là khung thuế suất tăng cao nhiều lần!

Theo cơ quan soạn thảo thì việc tăng thu thuế tài nguyên, nhất là tài nguyên khoáng sản, góp phần tăng thu cho ngân sách để có nguồn kinh phí cho việc cải tạo môi trường, sửa chữa hạ tầng quanh khu vực khai thác, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của nguồn tài nguyên quốc gia.

Nhưng theo Nhóm công tác Khoáng sản tại Việt Nam (Nhóm công tác Khoáng sản là một trong những nhóm công tác trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam), dự luật Thuế Tài nguyên (điều 7) không ổn khi xóa hết quyền được khấu trừ một số chi phí phát sinh trong quá trình chế biến khoáng sản đạt tới giá trị thành phẩm mà thuế tài nguyên đánh trên giá trị đó.

Thông lệ quốc tế đối với một số chi phí như nghiền, sàng lọc, thử nghiệm và phân tích, vận chuyển đến điểm bán hàng, một số chi phí quản lý và khấu hao... phải được khấu trừ khi xác định giá trị để đánh thuế tài nguyên.

Tại hội thảo góp ý cho dự luật này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hồi đầu tháng 9, nhiều ý kiến không chỉ tỏ ra quan ngại về tỷ lệ thuế tài nguyên cao, mà còn quan ngại về khung thuế tài nguyên rất rộng từ 5-30% (điều 8).

Theo ông Bill Howell, thành viên Nhóm công tác Khoáng sản tại Việt Nam, với mức thuế tài nguyên 30% trên giá trị của thành phẩm khoáng sản thì không nhà đầu tư nào có thể tính đến chuyện cam kết đầu tư vào dự án khoáng sản ở Việt Nam. Kể cả khi áp dụng mức thấp nhất là 5%, nhà đầu tư cũng phải nghĩ kỹ vì phần lớn các quốc gia khác chỉ áp dụng mức 2-4%.

Nhóm công tác Khoáng sản cho rằng thuế tài nguyên là một công cụ hợp lý được áp dụng khắp nơi nhằm trao cho Nhà nước công cụ quản lý quyền được khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên. Thuế tài nguyên cần được đặt ở mức công bằng và hợp lý để Nhà nước có thể sử dụng nguồn tài nguyên không thể tái tạo được này, nhưng cũng đồng thời không nên quá cao vì sẽ làm nản lòng việc khai thác và phát triển trong hiện tại cũng như trong tương lai những nguồn tài nguyên này.

Với mức thuế cao này, cùng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32-50% áp dụng đối với một số dự án khoáng sản và mức thuế xuất khẩu 20%, Việt Nam sẽ khó có thể thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài vào khoáng sản.

Tại hội thảo nói trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thuế không chỉ dẫn đến việc các nhà đầu tư ngại đầu tư mà còn dễ dẫn đến hiện tượng trốn thuế, tiêu cực. Cũng có ý kiến cho rằng, cần có chiến lược dài hơi cho ngành khai thác khoáng sản, nên ưu đãi cho các nhà đầu tư đầu tư công nghệ hiện đại, ít tác động xấu đến môi trường trong các dự án khai khoáng.

Quang Chung

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   MB tăng lãi suất huy động VND, USD và Euro (17/09/2009)

>   Maritime Bank phát hành 2100 tỷ đồng trái phiếu dài hạn (17/09/2009)

>   Nhu cầu vay ngoại tệ tăng (17/09/2009)

>   Ngành bảo hiểm: Nâng cấp dịch vụ, đón lõng thị trường (17/09/2009)

>   Sáng 17/09, thị trường vàng tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư (17/09/2009)

>   Ngân hàng lại kêu khó vì lãi suất (17/09/2009)

>   Khó chống đầu cơ nhà đất vì thiếu cơ sở tính thuế (17/09/2009)

>   Chiều 16/09, giá vàng tăng gần 300.000 đồng/lượng (16/09/2009)

>   Lần đầu tiên có bảo hiểm với mức trách nhiệm tới 8 triệu USD (16/09/2009)

>   Techcombank điều chỉnh dịch vụ cho vay mua xe hơi (16/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật