Thứ Năm, 17/09/2009 10:36

Ngành bảo hiểm: Nâng cấp dịch vụ, đón lõng thị trường

Nếu vào giai đoạn đầu năm 2009 - thời điểm đáy của cuộc suy thoái, các DN "thắt lưng buộc bụng", ngân sách dành cho bảo hiểm bị thắt chặt nên các công ty bảo hiểm chú trọng nhiều hơn đến các sản phẩm và nhằm vào thị trường bán lẻ, thì thời điểm từ nay đến cuối năm, khi nền kinh tế dần phục hồi, ngành bảo hiểm cũng sẽ có những định hướng mới trong kế hoạch kinh doanh.

Các chuyên gia trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, những nghiệp vụ truyền thống như bảo hiểm tài sản kỹ thuật sẽ lại được chú trọng vì tỷ suất doanh thu cao và chất lượng rủi ro tốt. Ngoài ra, các nghiệp vụ mới phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của khách hàng như bancas, bảo hiểm tín dụng… cũng sẽ được nhiều DN tập trung triển khai.

Đa dạng sản phẩm

Theo ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), trong 6 tháng đầu năm 2009, các sản phẩm bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, cháy nổ, hàng không sụt giảm, tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt như: bảo hiểm xây dựng lắp đặt 55%, bảo hiểm xe cơ giới 26%, bảo hiểm tai nạn con người 22%. Sự tăng trưởng của các sản phẩm chủ lực đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng cả thị trường đạt 15,8% so với cùng kỳ năm trước. "Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, các sản phẩm bảo hiểm xây dựng lắp đặt, tài sản, xe cơ giới, con người sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngoài ra, các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm bảo lãnh cũng hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng cao", ông Tùng nhận định. Hiện BIC đang nghiên cứu triển khai các dạng sản phẩm bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho lãnh đạo các tập đoàn, công ty tài chính, nhằm đón đầu sự phục hồi và đi lên của nền kinh tế.

Đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng những sản phẩm bảo hiểm tài sản, trách nhiệm, bảo hiểm hàng hóa và xe cơ giới thương mại cho các DN nhỏ và vừa…, mới đây Libetry cũng tuyên bố sẽ mở rộng thị phần bằng cách khai thác sâu thị trường bảo hiểm dành cho khách hàng cá nhân. Bên cạnh một loạt sản phẩm dành cho cá nhân như bảo hiểm ô tô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhà cửa, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm xe gắn máy và bảo hiểm tai nạn con người…, Libetry sẽ cho ra mắt thêm sản phẩm bảo hiểm y tế dành cho người lao động Việt Nam làm việc trong các DN.

Nhằm tạo hành lang cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bảo hiểm, Cục Quản lý bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý khuyến khích các DN bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm mới, đặc biệt là các sản phẩm về y tế, giáo dục, hưu trí..., chính sách khuyến khích phát triển bảo hiểm trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp… Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, đặc điểm chung của lĩnh vực này là sản phẩm của các công ty có nhiều điểm tương đồng nhau, chính vì vậy yếu tố cạnh tranh, thu hút khách hàng quan trọng nhất lại là chất lượng dịch vụ.

Nâng cấp dịch vụ

Theo ông Tùng, để phát triển thị trường bảo hiểm, điều quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về lợi ích, giá trị nhân văn của bảo hiểm, đồng thời các công ty bảo hiểm phải chung tay xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. "Chúng tôi coi chất lượng dịch vụ là yếu tố quan trọng để giữ chân khách hàng và đảm bảo việc duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. Với đường dây nóng hoạt động 24/24, BIC sẽ giải đáp mọi thắc mắc, khiếu nại của khách hàng một cách nhanh nhất", ông Tùng chia sẻ.

Sau nhiều tháng ấp ủ, Công ty Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) đã chính thức triển khai dịch vụ đường dây nóng (hotline) 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin tai nạn và tư vấn cho khách hàng các công việc và thủ tục cần thiết khi có sự cố xảy ra. Viễn Đông cũng ký kết hợp đồng cứu hộ 24 giờ/7 ngày với CTCP Dịch vụ Vân Sơn (cứu hộ Sài Gòn) để khi có tổn thất, khách hàng chỉ cần gọi điện thoại vào số hotline của VASS, Công ty sẽ liên hệ với công ty cứu hộ để phục vụ khách hàng… Công ty liên doanh Bảo hiểm quốc tế Việt Nam thì thiết lập Ban thỏa mãn dịch vụ khách hàng - là một kênh nội bộ nhằm mục đích thu thập và quản lý những góp ý và phản ảnh từ khách hàng…

Đánh giá của Ernst&Young Việt Nam cho thấy, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang được các công ty nước ngoài quan tâm. Với thế mạnh về kinh nghiệm khai thác thị trường và chiến lược marketing bài bản, sự xâm nhập của các DN bảo hiểm 100% vốn nước ngoài sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các DN trong nước. Tuy nhiên, đại diện Ernst&Young Việt Nam cũng cho rằng, các DN bảo hiểm Việt Nam vẫn có thể đối phó được với những thách thức này nếu nhanh chóng tiếp thu các công nghệ mới và phương thức quản lý tiên tiến. Các công ty bảo hiểm trong nước còn có một thế mạnh là nắm bắt tốt hơn phong tục tập quán, tính cách của người Việt Nam, nên các sản phẩm họ đưa ra sẽ thích hợp với nhu cầu của người Việt. Ngoài ra, họ cũng có đội ngũ đại lý khai thác tương đối rộng, có mối quan hệ gắn kết lâu dài nên dễ dàng hơn trong việc củng cố, mở rộng thị phần bảo hiểm.

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sáng 17/09, thị trường vàng tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư (17/09/2009)

>   Ngân hàng lại kêu khó vì lãi suất (17/09/2009)

>   Khó chống đầu cơ nhà đất vì thiếu cơ sở tính thuế (17/09/2009)

>   Chiều 16/09, giá vàng tăng gần 300.000 đồng/lượng (16/09/2009)

>   Lần đầu tiên có bảo hiểm với mức trách nhiệm tới 8 triệu USD (16/09/2009)

>   Techcombank điều chỉnh dịch vụ cho vay mua xe hơi (16/09/2009)

>   VPBS là thành viên thứ 18 hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt (16/09/2009)

>   Kết quả đấu thầu TPCP Cty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc VN (16/09/2009)

>   TPHCM: Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 80.222 tỷ đồng (16/09/2009)

>   Điều chỉnh lương tối thiểu: “Nhà nước lo cho DN quá nhiều” (16/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật