Lehman Brothers - bài học khó quên
Cách đây gần 1 năm, ngày 15.9.2008, Cty tài chính khổng lồ Lehman Brothers Holdingscủa Mỹ chính thức sụp đổ với khoản nợ 613 tỉ USD, trở thành vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Cho đến giờ, nhiều người vẫn bàng hoàng khi nhắc tới cái tên Lehman.
Biến mất
Bà Yu Lia Chun, 66 tuổi, một phụ nữ về hưu ở Hồng Kông, chưa bao giờ nghe tên Lehman Brothers Holdings. Cho tới khi bà nhận được một cú điện thoại từ nơi bà gửi tiền. "Bà có nghe tin gì không? Điều tồi tệ đã xảy ra với Lehman". "Tôi không biết gì cả" - bà Yu đáp.
Với trình độ học vấn lớp 6, Yu nghĩ rằng bà đã gửi tiền trong một tài khoản an toàn. Bà không hề biết mình đã đầu tư vào một CTCK Mỹ vừa bị phá sản. Chỉ trong chốc lát, khoản tiền dành dụm cả đời, trị giá 1,2 triệu dollar HK (tương đương 155.000USD) của bà đã biến mất. Đã thế, các con bà cũng mất 3,8 triệu dollar HK vì nghe lời bà đầu tư để lấy lãi cao. "Tôi không hiểu điều gì đã xảy ra" - bà Yu nói và lau nước mắt khi nhớ lại những gì xảy ra năm ngoái. "Có lúc, tôi muốn nhảy khỏi toà nhà cao tầng".
Yu cho biết, bà gặp Chow Chi Chung - nhân viên bán hàng cho Ngân hàng ABN Amro Holding (trụ sở ở Amsterdam) tại một hội chợ thương mại ở Hồng Kông cách đây 2 năm. Ông này đề nghị trả lãi cho bà 20%/năm, nếu bà giao tiền cho ông ta để mua trái phiếu của Lehman, liên quan tới việc đầu tư vào 3 Cty lớn nhất trên TTCK Trung Quốc. Vì tin tưởng Chow, bà Yu không đọc hợp đồng và không biết rằng, nếu Lehman có mệnh hệ gì, tiền của bà cũng sẽ theo đó mà ra đi. Nghiệt ngã là, trong số tiền dành dụm đó, có tới 2/3 (100.000USD) là khoản mà bà Yu nhận bồi thường từ chủ lao động, sau khi bị tai nạn làm vỡ xương chậu.
Sun Kwan, 58 tuổi, về hưu, cũng lâm vào tình cảnh như bà Yu. Vào ngày 15.9.2008, ông Sun cùng với bà Yu và khoảng hơn 50 người khác đã đứng trong mưa, gào thét: "Trả lại tiền cho tôi. Đó là tiền chúng tôi kiếm bằng mồ hôi và máu". Nhưng họ không có cơ hội nào.
Thuỷ triều "Tôi gần như muốn tự sát. Tôi đã khóc trong nhiều tháng dù tôi là đàn ông" - ông Sun nói. Sự sụp đổ của Lehman đã tạo thành cơn thuỷ triều dâng cao trên toàn thế giới. Không chỉ có những người về hưu như ông bà Yu, Sun, mà ngay cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng dính vào Lehman.
Ông Kirk Stephenson - GĐ một quỹ đầu tư ở London đã lao đầu vào đoàn tàu hoả tự sát vì đã gửi gắm tiền của Cty vào Lehman. Một giám đốc người Israel của một dự án xây dựng khách sạn ở đảo West Caicos, Cuba bị các công nhân bắt làm con tin vì không trả lương cho họ, do vỡ nợ.
Sự thật về việc một CTCK gắn bó chặt chẽ với hệ thống tài chính Mỹ lại không thể được trả nợ đã gây hoảng loạn cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Các nhà quản lý quỹ buộc phải tìm kiếm tiền mặt trả cho nhà đầu tư của mình. Họ cố bán tống, bán tháo CK đang sở hữu nhưng không thể. Thị trường bị lụt bởi lệnh bán ra, khiến cho giá CP xuống dốc không phanh.
Nước Mỹ đã phản ứng nhanh chóng để cố gắng đảm bảo sự ổn định của thị trường tiền tệ và quá trình cho vay liên NH. Trong vòng 1 tháng, Quốc hội Mỹ đồng ý chi 700 tỉ USD để nâng đỡ các nhà, băng trong Chương trình Hỗ trợ tái sản xuất. Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang cũng đứng ra bảo lãnh nhiều khoản nợ mới của NH. Còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bơm 1.000 tỉ USD cho các Cty và tổ chức.
Những chương trình đó đã thành công trong kiềm chế cơn hoảng loạn và vẫn còn hiệu lực cho đến nay. Nhưng nó không thể cứu bà nội trợ Yu và hàng ngàn nhà đầu tư khác ở Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và bất cứ đâu trên thế giới đã mua các trái phiếu liên quan tới CK của Lehman. Châu Á là khu vực tăng trưởng cao nhất của Lehman trong năm 2007, với lợi nhuận đạt hơn 3,1 tỉ USD, chiếm 16% tổng lợi nhuận của Cty.
Bài học
Sở dĩ những người như bà Yu bị mất tiền, một phần do bà hám lợi nhuận cao. Các nhà quan sát cho rằng, sự sụp đổ của Lehman cũng chính là do lòng tham của Cty này. Lehman đã tham gia những canh bạc mạo hiểm, với những khoản đầu tư có khả năng đem lại lợi nhuận cực cao, nhưng cũng vì thế mà có độ rủi ro cực lớn. Và để có tiền cho những "canh bạc" này, Lehman chủ yếu là vay nợ.
Sự sụp đổ của Lehman cũng đã làm lộ rõ những thách thức đối với vai trò dẫn đầu thế giới của Mỹ trong lĩnh vực tài chính. Phố Wall đã tìm kiếm lợi nhuận bằng việc tổ chức các ngân hàng để sao cho các nước bên ngoài có thể "mở vòi" lấy tiền để xây nhà máy, văn phòng, khu nghỉ dưỡng và nhà ở... Nhưng ông Phillip Yin một chuyên gia tài chính ở Hồng Kông, niềm tin mà thế giới đã trao vào các ngân hàng của Mỹ giờ đã hết. "Tất cả những gì đã xảy ra sau đó, thất nghiệp, suy thoái, mọi thứ... đều gắn với một chủ thể và một sự kiện. Đó là Lehman" - Yin kết tội.
Ngọc Huân - Trí Minh (Theo Bloomberg)
Lao Động
|