Thứ Sáu, 18/09/2009 09:30

Lãi suất: Điều hành bằng niềm tin ?

Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất ngân hàng (nhất là lãi suất đầu vào) đang trên đà tăng. Các cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn đà gia tăng này nhưng dường như đà tăng vẫn cứ căng. Gần đây các ngân hàng hội viên Hiệp Hội Ngân hàng VN đã đạt được đồng thuận giữ ổn định thị trường tiền tệ những tháng cuối năm. Như vậy, lãi suất đang được điều hành bằng niềm tin.

Nếu suy luận và xét trong một thời gian tương đối dài, NHTM tăng lãi suất huy động khi một số trường hợp cơ bản sau: nhu cầu vay vốn của nền kinh tế đang gia tăng mạnh mẽ mà ngân hàng không đủ nguồn và ngân hàng vẫn còn có lãi. Thứ hai là NHTM hoạt động bình thường nhưng thị trường khan hiếm nguồn vốn và đặc biệt là khi NHTM cạn vốn, khó khăn về thanh khoản phải huy động với mọi giá...

Có cần tăng lãi suất ?

Vậy NHTM VN đang ở trạng thái nào ? Có rất nhiều bằng chứng cho thấy, các NHTM có thể tăng lãi suất đầu vào mà không cần tăng lãi suất đầu ra. Thông báo vừa qua của một  loạt NHTM cho thấy, khu vực này đang lãi lớn. Số liệu 6 tháng đầu năm, các NHTM đều công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2009 của nhiều NHTM là khá cao. Gần đây, số liệu 8 tháng đầu năm 2009 cũng cho thấy các NHTM vẫn tiếp tục lãi lớn: SacomBank đạt 136 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau khi đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính và rủi ro tín dụng (chưa bao gồm lợi nhuận từ các công ty trực thuộc). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2009, ngân hàng này đạt 1.177 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế;  EximBank đạt lợi nhuận trước thuế là 1.054 tỷ đồng, LienVietBank có lợi nhuận 372 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch cả năm 2009...

Điều này có nghĩa rằng về cơ sở kinh tế, các NHTM có thể tăng lãi suất huy động mà không cần tăng lãi suất đầu ra. Trên phương diện chính sách, nhất là chính sách khuyến khích và tập trung cho khu vực sản xuất vật chất, Nhà nước cần đảm bảo để mặt bằng lãi suất cho vay thấp, hạn chế những chi phí (phụ thu của NHTM áp đặt lên nền kinh tế như phí tài khoản, phí tư vấn dàn xếp vốn, phí ATM...). Để nắn dòng vốn vào khu vực sản xuất, đảm bảo khu vực này được hưởng lợi nhiều hơn nữa. Trên phương diện vi mô, các NHTM có thể duy trì lãi suất đầu vào hợp lý để đảm bảo có lãi. Theo ước tính, mức chênh lệch bình quân hợp lý về lãi suất đầu ra đầu vào hiện nay khoảng 2%/năm thì NHTM có lãi. Nếu chênh lệch lãi suất trung bình mà thấp hơn nữa quá lâu thì khó NHTM nào có lãi (trừ phi NHTM đó có quy mô hoạt động phi tín dụng đủ lớn). Tuy nhiên, với điều kiện VN hiện nay các nhận định của giới phân tích cho rằng, khi lãi suất đầu ra bị  khống chế (10,5%/năm) NHTM nào tiếp tục tăng lãi suất huy động và huy động bằng  mọi giá, chứng tỏ là NHTM đó đang khó khăn về thanh khoản.

Kích cầu qua hỗ trợ lãi suất, kích cả lãi suất ?

Việc kích cầu qua lãi suất, xét về mặt mục đích là quá tốt. Tuy nhiên, rõ ràng việc ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn về cân đối ngân sách sau các gói kích thích kinh tế đang là vấn đề quan ngại. Đối với VN, nhìn về ngắn hạn đã thấy một vài hiệu ứng của việc ngân sách gia tăng huy động vốn trên thị trường tiền tệ để tài trợ cho các gói kích thích kinh tế. Khi các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ không thành công, chứng tỏ thị trường đang đòi hỏi một mức lãi suất cao hơn và từ đó cũng là sự tham chiếu cho lãi suất trên thị trường tiền tệ trong nước. Kinh nghiệm ở các nước và các nhận định của giới chuyên gia cho rằng rõ ràng đang có hiệu ứng tiêu cực do ngân sách tăng cường huy động trên thị trường tiền tệ: vì từ khi ngân sách tăng cường huy động, lãi suất trên thị trường đã tăng liên tục. Nếu NSNN đảm bảo cân đối tốt và bền vững trong dài hạn, điều này sẽ được phản ánh vào lãi suất trái phiếu chính phủ (lãi suất thấp), NSNN không rơi vào tình trạng huy động bằng mọi giá, khi đó lãi suất trên thị trường tiền tệ nhất định sẽ thấp... NSNN tốt, bền vững thường đưa đến một mức lạm phát thấp, hoặc hợp lý và đó cũng là cơ sở để có mặt bằng lãi suất thấp.

Xét trên phương diện vĩ mô, rõ ràng, nền kinh tế mà cụ thể là khu vực sản xuất đang cần lãi suất thấp hơn nữa và các chính sách cần đảm bảo để khu vực này thực sự có sự hưởng lợi từ các giải pháp kinh tế.

Như vậy về mặt kinh tế, các NHTM hiện nay không cần tăng lãi suất mà cần đạt được sự đồng thuận là giảm cả lãi suất đầu vào và đầu ra nhưng vẫn đảm bảo mức chênh lệch lãi suất phù hợp. Khi mặt bằng lãi suất thấp dần dần được tái thiết lập, bản thân NHTM vẫn có lợi, DN có lợi do nguồn vốn vay với giá thấp hơn và suy rộng ra đến lượt nó, nền kinh tế có lợi.

Tuy nhiên, vấn đề cân đối NSNN cũng cần được đảm bảo ở mức hợp lý. Lãi suất trái phiếu Chính phủ luôn là một chỉ số niềm tin của thị trường; khi đó các NHTM và người gửi tiền sẽ căn cứ hay tham chiếu vào đó để “cùng nhau” tạo nên mặt bằng lãi suất thị trường. Các nhà kinh tế có thể nói, lãi suất là niềm tin, điều đó có thể hiểu là niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng và vào nền kinh tế, niềm tin của ngân hàng vào nền kinh tế vào người gửi tiền và khi đó có thể điều hành lãi suất bằng cơ chế niềm tin – khi đó những người tham gia thị trường phải đồng thuận.

Thạc sỹ Lê Văn Hinh

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Nan giải bái toán phát hành trái phiếu Chính phủ (18/09/2009)

>   4.000 tỉ đồng trái phiếu cho dự án Thủ Thiêm (18/09/2009)

>   Nhìn thuế để bỏ vốn (18/09/2009)

>   Doanh nghiệp chóng mặt vì giá vàng tăng (17/09/2009)

>   Kinh doanh vàng có chiều hướng khó khăn (17/09/2009)

>   Bộ Tư pháp góp ý dự thảo quản lý sàn vàng (17/09/2009)

>   Citibank mở dịch vụ ngân hàng bán lẻ (17/09/2009)

>   Ngân hàng ANZ Việt Nam được chấp thuận tăng vốn điều lệ (17/09/2009)

>   Tọa đàm về Cơ chế giám sát khu vực tài chính trong tương lai (17/09/2009)

>   Toạ đàm "Các phương pháp quản lý, điều hành có hiệu quả Nhà máy in tiền" (17/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật