"Động lực của nền kinh tế Mỹ đang thay đổi"
Mạng tin của Forbes ngày 3/9 đăng bài của ông John Zogby, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức thăm dò dư luận Zogby International, cho rằng động lực của nền kinh tế Mỹ đang thay đổi.
Theo ông, nhiều thập kỷ qua, nước Mỹ đã chuyển từ quốc gia chế tạo sang mua sắm những sản phẩm nhập khẩu. Mô hình đó đưa kinh tế Mỹ chuyển sang phụ thuộc chủ yếu vào tiêu dùng và bán lẻ để phát triển và tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, ông Zogby nêu rõ các cuộc điều tra gần đây của Zogby International cho thấy xã hội Mỹ đang thoát khỏi mô hình này.
Trong cuộc điều tra chéo hồi tháng 7, Zogby International đã hỏi hơn 40.000 người lớn ở Mỹ về việc họ có bỏ đi những đồ dùng không còn cần tới không. Một xu hướng rõ ràng là ngày càng nhiều người muốn loại bỏ những đồ dùng mà họ không cần tới nữa. Chỉ có 20% cho biết không bỏ đi đồ dùng cũ trong năm qua. Xét về thu nhập, những gia đình có thu nhập thấp nhất, dưới 25.000 USD/năm, là những người ít bỏ đồ dùng cũ nhất.
Có khoảng 60% những người được hỏi nói rằng số lượng đồ dùng trong nhà của họ là bình thường, nhưng khi không cần tới nữa là họ loại bỏ. 17% cho biết họ bỏ bớt đồ dùng vì có quá nhiều. 21% ý kiến khẳng định hiếm khi loại bỏ đồ dùng cũ. Như vậy là gần 1/5 số người Mỹ nói rằng họ có quá nhiều đồ dùng và vì thế ít có khả năng đi mua sắm thêm đồ dùng mới. Kết quả điều tra cho thấy hầu hết các nhóm dân cư đều cắt giảm tiêu dùng.
Một câu hỏi có liên quan khác mà Zogby International đặt ra là lượng đồ dùng mà họ bỏ đi trong năm qua nhiều hơn hay ít hơn so với trước đây. Hơn 50% trả lời rằng họ không chắc chắn, 28% cho biết họ bỏ đi nhiều đồ dùng hơn và chỉ có dưới 20% nói rằng họ bỏ đi ít đồ dùng hơn.
Zogby cũng đặt ra một câu hỏi lựa chọn, đó là họ sẽ chọn phương án nào nếu mua một món hàng trị giá 500 USD ở cửa hàng vàng bạc Tiffany và 250 USD ở siêu thị bình dân Wal-Mart. Chỉ có 10% chọn món hàng ở Tiffany, trong khi 78% sẵn sàng đến Wal-Mart sắm đồ.
Kết quả các cuộc điều tra nói trên đang đặt ra một câu hỏi rất nghiêm túc, đó là xu hướng trên sẽ tác động như thế nào tới kinh tế và xã hội Mỹ.
Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế Liên bang cho thấy mức tăng tiền tiết kiệm cá nhân trong quý II vừa qua là cao nhất trong suốt thập kỷ qua. Kinh tế suy thoái có thể là nguyên nhân khiến người Mỹ phải tiết kiệm hơn. Khoảng 25% người Mỹ đang phải làm việc với thu nhập thấp hơn công việc trước đây.
Tuy nhiên, ngay cả khi kinh tế phục hồi, ít có khả năng người Mỹ quay trở lại với thói quen tiêu sài tự do và chấp nhận những khoản nợ không kiểm soát nổi trước đây. Lối sống mới của người Mỹ không phải là tậu nhà to hơn hay mua nhiều xe ô tô hơn, mà là cốt lõi của nó sẽ là cuộc sống đơn giản hơn và nội tâm hơn.
Điều đó có nghĩa là cơ hội đang đến với những công ty du lịch, giải trí, các cơ sở tâm sinh lý và những phương tiện giúp kết nối người thân, bạn bè ở những cự li xa cách nhau.
VIETNAM+
|