Khi châu Á kéo thế giới thoát khỏi khủng hoảng
Trong những cuộc suy thoái toàn cầu trước đây, Mỹ lúc nào cũng là nước tiên phong tìm ra lối thoát, tiếp sau là châu Âu và các nước khác. Nhưng lần đầu tiên, lịch sử không còn lặp lại, Trung Quốc và các nước châu Á hồi phục đã trở thành chất xúc tác giúp phương Tây dần đứng lên sau cơn khủng hoảng sâu nhất kể từ Thế chiến II.
Các nhà kinh tế từ lâu đã tiên đoán rằng một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh sẽ tiến tới ganh đua và thậm chí vượt Mỹ về ảnh hưởng kinh tế. Trong khi kinh tế Mỹ vẫn lớn gấp 3 lần Trung Quốc về quy mô, thì sự phục hồi kinh tế toàn cầu mới đây là dấu hiệu cho thấy, sự thay đổi được dự đoán có thể đến sớm hơn mong đợi.
Dường như có sự chuyển dịch đáng kể dành cho Mỹ và các nước phương Tây khác, thậm chí cả sau khi kinh tế toàn cầu phục hồi ổn định.
“Trọng tâm sức hút kinh tế sẽ thay đổi vào một lúc nào đó, nhưng cuộc suy thoái này đánh dấu một bước ngoặt lớn”, Neal Soss, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Credit Suisse ở New York nói. “Bước ngoặt đó chính là châu Á đang nâng thế giới đứng lên, hơn là Mỹ và điều này chưa từng xảy ra trước kia”.
Nền kinh tế do chính phủ chi phối của Trung Quốc đang hồi sinh sau khi các ngân hàng đại lục tung ra hơn 1 nghìn tỷ USD cho vay trong nửa đầu năm nay, cộng thêm gần 600 tỷ USD cho chương trình kích cầu của chính phủ.
Mặc dù lợi ích là hiển nhiên, nhưng một số nhà kinh tế vẫn đang tự hỏi, liệu Trung Quốc có đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững hay chỉ gia tăng khả năng xuất khẩu bất chấp thực tế chi tiêu tằn tiện hơn ở một bộ phận người tiêu dùng phương Tây.
“Câu hỏi lớn đặt ra là điều gì sắp xảy ra tiếp theo”, Kenneth S. Rogoff, giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Harvard nói. “Nếu khách hàng ở Mỹ và châu Âu không trở lại, tôi không chắc châu Á có kế hoạch B hay không”.
Hướng về phía Đông
Tuy nhiên, nhu cầu trong tiêu dùng và kinh doanh của Trung Quốc là một nguyên nhân khiến giá dầu tăng lên gấp đôi tới hơn 70 USD/thùng kể từ mức thấp nhất hồi đầu năm nay. Trung Quốc cũng tiếp tục mua các khoản nợ Mỹ khi Washington vay mượn lớn để cấp vốn cho vô số gói kích thích và những kế hoạch cứu trợ tài chính của nước này.
Mỹ cũng đang bị gạt sang bên khi khách hàng tập trung vào các quốc gia nghiêng về xuất khẩu như Đức hoặc Nhật Bản. Trung Quốc đã vượt Mỹ khi là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2009, trong khi các hãng sản xuất châu Âu lại đang hướng về phía Đông thay vì phía Tây.
“Những gì đã mất trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương với Mỹ, chúng tôi đang giành lại được ở Trung Quốc”, Jens Nagel, phụ trách đối ngoại Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Đức cho biết.
Tuy vậy, trong ngắn hạn, Mỹ đang được lợi từ một châu Á hồi sinh, vì nền kinh tế Mỹ cuối cùng đã có hy vọng tăng trưởng trở lại vào vào nửa cuối năm nay. “Sự bật dậy mạnh mẽ từ nước ngoài, đặc biệt là Đông Á, sẽ khiến nhập khẩu và xuất khẩu Mỹ nhanh chóng cải thiện”, ông Soss nói.
Tuần trước, Hewlett-Packard đã báo cáo mức doanh thu tăng gấp đôi tại Trung Quốc như một đốm sáng hiếm hoi trong bản thống kê lợi nhuận không mấy sáng sủa. Tổng lượng hàng xuất khẩu Mỹ sang Trung Quốc đã "lấy lại phong độ", tăng tới 5,5 tỷ USD vào tháng 6 so với 4,1 tỷ USD hồi tháng 1.
“Những con số vẫn chưa ổn định, nhưng khuynh hướng đã rõ ràng”, Robert Brusca một nhà kinh tế học Mỹ nói. “Đó là sự tương phản lớn với Nhật Bản, nơi xuất khẩu Mỹ vẫn đang sụt giảm, nhưng Trung Quốc thì khác”.
Dĩ nhiên, các nhân tố khác cũng đóng vai trò đáng kể trong việc giúp kinh tế toàn cầu bắt đầu trở nên ổn định, trong đó có hàng nghìn tỷ USD mà các ngân hàng trung ương bơm ra thị trường tín dụng bị đóng băng; các gói cứu trợ với những thể chế tài chính lớn, công ty bảo hiểm và hãng ô tô…
Nhưng khi động cơ tăng trưởng tương lai chuyển từ chính phủ sang khu vực tư nhân, và người Mỹ vẫn thận trọng với việc quay lại với mức độ chi tiêu tự do, thì tiêu dùng châu Á ít nhất cũng được xem là nơi “lấp chỗ trống”. Và nếu Trung Quốc phát triển chậm lại, như một số chuyên gia lo ngại có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2009, thì nỗ lực thoát khỏi tình trạng suy thoái của Mỹ có thể khó khăn hơn nhiều.
Thế giới đảo chiều
Theo Michael Saunders, phụ trách bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Âu của Citigroup, sau thời kỳ suy thoái 2001-2002, tình trạng sụt giảm kinh tế hồi đầu thập niên 90, kinh tế Mỹ đóng vai trò đầu máy toàn cầu.
Trở lại khi ấy, ông nói, Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác đã thiếu khoản dự trữ tiền mặt khổng lồ giúp họ chống đỡ khủng hoảng. Nhưng ở thập niên qua, Trung Quốc đã có được mức thặng dư thương mại khổng lồ với phương Tây, và có 2,13 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối. Nhờ đó, đại lục đã củng cố vị thế như một cường quốc kinh tế mới nổi nhanh chóng.
Citigroup gần đây đã điều chỉnh ước tính tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc theo hướng tăng lên 8,7% từ mức 8,2% và 9,8% năm tới từ mức 8,8%.
Trong khi các nhà kinh tế như ông Soss trông đợi rằng tăng trưởng sẽ sớm lan sang Mỹ thì người ta đã thấy hiệu quả trước mắt ở châu Âu. Thực tế là, sau khi kinh tế Pháp và Đức “gây sốc” cho hầu hết giới kinh tế học trong tháng này bằng những con số lạc quan trong quý hai, thì Deutsche Bank đã công bố bản báo cáo với tiêu đề: “GDP Khu vực đồng tiền chung châu Âu: Made in China?”.
Cho tới thời điểm này, có vẻ như câu trả lời sẽ là “đúng”. "Thật hết sức bất ngờ, bởi thường châu Á không đóng vai trò lớn trong xuất khẩu hay sản lượng của châu Âu”, Gilles Moec, nhà kinh tế học cấp cao của Deutsche Bank tại London nói.
Giá trị xuất khẩu của Pháp sang Trung Quốc và các nền kinh tế Đông Á khác đã tăng tới 18,7% trong quý II, theo dữ liệu hải quan, một sự thay đổi hoàn toàn từ mức giảm kỷ lục 16,2% quý trước. Tổng lượng hàng xuất khẩu sang khu vực Đông Á từ 16 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng 6,3% trong quý II, đảo chiều từ mức sụt giảm 6,2% trong quý một, ông Moec cho hay.
Trong khi các quốc gia Tây Âu tỏ ra e dè hơn trong việc bắt tay vào các chương trình chi tiêu lớn bởi các khoản thiếu hụt đã tăng cao, và các ngân hàng châu Âu thì “chịu trận” do nắm khoản nợ xấu của Mỹ thì Bắc Kinh lại không vấp phải trở ngại nào.
Trong nửa đầu năm 2009, các ngân hàng Trung Quốc đạt mức cho vay kỷ lục 1,1 nghìn tỷ USD cho các khoản vay mới. Dĩ nhiên, điều này làm dấy lên quan ngại rằng việc ồ ạt cho vay có thể tạo nên sự phát triển bong bóng trong dài hạn.
Động thái của Trung Quốc cũng đã giúp các quốc gia, lãnh thổ láng giềng tăng sản lượng công nghiệp từ đáy vực suy thoái. Kể từ khi sa sút cuối năm 2008 và đầu 2009, sản lượng công nghiệp đã bật lên 28% ở Hàn Quốc và 26% ở Đài Loan.
“Châu Á vẫn tương đối nhỏ so với thế giới, nhưng nó cho thấy thế giới đang thay đổi ra sao, và sức mạnh kinh tế, dĩ nhiên đã biến thành sức mạnh chính trị”, Simon Johnson, cựu chuyên gia kinh tế cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và hiện là chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định. “Bạn có thể sử dụng nó để thu hút bạn bè và những người có ảnh hưởng, như những gì Trung Quốc đang làm ở châu Phi và Mỹ Latinh”.
Kỳ Thư (Theo Nytimes)
Vietnamnet
|