Đánh thuế tài nguyên: Khó đồng thuận thuế suất
Rất khó để tìm được quan điểm thống nhất về chính sách thuế, giữa một bên là quyền lợi của doanh nghiệp và một bên là cơ quan soạn thảo luật đại diện cho lợi ích của Nhà nước.
* Doanh nghiệp FDI có thể sẽ phải nộp thuế tài nguyên
Đó là nhận xét của Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Hữu Huỳnh tại Hội thảo góp ý Dự thảo luật thuế tài nguyên được VCCI tổ chức ngày 1/9.
Cố định thuế suất hay sử dụng “biên độ”?
Một trong những vấn đề nổi cộm được bàn thảo nhiều nhất tại buổi hội thảo ngày 1/9 là thuế suất thuế tài nguyên.
Đại diện cho ban soạn thảo, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) giải thích rằng, sở dĩ Dự thảo đưa mức thuế suất theo biên độ rộng (một số sắc thuế có thể được quy định từ 10% đến 40%) là để có thể điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.
Ông Phụng phân tích, nếu để cố định thuế suất, việc trình và thông qua Quốc hội sẽ mất nhiều thời gian. Trong trường hợp giá cả thế giới tăng thì có thể gây thất thoát ngân sách nếu áp thuế quá thấp. Hoặc ngược lại, nếu giữ mức thuế cao, trường hợp thị trường khó khăn sẽ không thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phía các hiệp hội, doanh nghiệp lại có quan điểm trái ngược.
Ông Will Howell, đại diện Nhóm công tác khoáng sản, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, dải thuế cao và không được giải thích rõ ràng trong luật khi nào được áp dụng, dễ dẫn đến những bất ổn trong suy nghĩ của nhà đầu tư.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài xem xét đầu tư dự án khoáng sản sẽ phải áp mức thuế cao nhất để tính toán. “Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu luật đưa ra được mức thuế rõ ràng để nhà đầu tư có thể vững tin”, ông Howell nói.
Chủ tịch Công ty Khoáng sản Olympus Thái Bình Dương, ông Rod Murfitt dẫn ví dụ, nguồn vốn FDI vào ngành mỏ Việt Nam đã giảm từ xấp xỉ 10% trước năm 2006 xuống mức 1% như hiện nay.
Ba nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, theo ông Murfitt, là Luật Khoáng sản hiện hành thể hiện sự rắc rối, phức tạp; cơ chế quản lý không rõ ràng giữa các cơ quan chủ quản; và cơ chế tài chính bất lợi như tăng thuế suất thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, bãi bỏ ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT)…
Đại diện của VBF “chốt” lại: “Việt Nam nên đảm bảo mức thuế suất hợp lý và cố định”.
Đồng loạt xin giảm
Chuyện than phiền về thuế suất ở đây đó vẫn là phổ biến, nhưng tại hội thảo ngày 1/9, nhiều ý kiến còn thể hiện bức xúc về mức thuế suất quá cao.
Đại diện cho Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chuyên gia lâm nghiệp Vũ Long thẳng thắn nêu quan điểm, mức thuế suất từ 10% đến 40% như hiện nay là quá cao. Dự thảo mới quy định “mức thuế suất đối với gỗ cành ngọn từ 10-30% là quá bất hợp lý”, ông Long bức xúc nói.
Phân tích tình hình phát triển rừng và những chính sách đã áp dụng trong hàng chục năm qua, ông Long đưa kết luận, chính sách bảo vệ, phát triển rừng dựa chủ yếu vào việc áp thuế suất cao đã “không đạt được mục đích khuyến khích việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên rừng được tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả”.
Thậm chí, ông Long còn cho rằng chính sách thuế không hợp lý như vừa qua đã thúc đẩy việc khai thác rừng trái phép.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam mạnh dạn đề xuất nghiên cứu mức thuế suất có thể bằng với thuế tài nguyên thủy sản tự nhiên từ 1-2%; hoặc bằng thuế suất thuế sử dụng đất đối với trồng rừng sản xuất 4%.
Phản ứng trước khung thuế suất 5-30% dự kiến áp cho khoáng sản kim loại, phía Hiệp hội thép cho rằng mức này là “quá lớn”. Đại diện Hiệp hội đề nghị nên khống chế mức trần tối đa là 15% để tránh trốn thuế, duy trì tính cạnh tranh về giá thành của sản phẩm, và khuyến khích khai thác tại vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, Hiệp hội thép cũng kiến nghị bổ sung điều khoản miễn giảm đối với tài nguyên có đặc thù không thuận lợi trong việc đầu tư khai thác.
Cũng đồng quan điểm này, ông Howell cho rằng mức thuế đánh vào khoáng sản lên đến 30% là quá cao. Ngay mức 5% cũng nhỉnh hơn nhiều quốc gia khác. “Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, nhiều quốc gia thậm chí còn giảm thuế tài nguyên, một số nước áp thuế suất từ 2-4%”, ông Howell nói.
Cũng “xin” giảm, đại diện Ban Pháp chế Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Vũ Khắc Thư đề nghị áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên nước thiên nhiên sản xuất thủy điện là 2% (khung thuế suất quy định tại Dự thảo là 2-5%).
“Đây cũng nên là mức thuế suất ban đầu. Về lâu, về dài nên xem xét miễn thuế tài nguyên nước”, ông Thư nêu quan điểm.
EVN cũng kiến nghị giảm 50% thuế tài nguyên nước đối với các công trình thủy điện sử dụng lại nước của nhà máy thủy điện ở bậc trên; giảm thuế tài nguyên nước thiên nhiên dùng cho sản xuất điện đối với các công trình thủy điện đa mục tiêu, đảm bảo nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ công ích như điều tiết nước chống lũ lụt và phục vụ tưới tiêu nông nghiệp…
Anh Quân
TBKTVN
|