Cổ phiếu thủy sản: "Điểm sáng" đầu tư trung và dài hạn
Sau một thời gian dài giảm giá và đi ngang thì trong tuần vừa qua các cổ phiếu ngành thủy sản đột ngột nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Mức tăng giá trung bình của ngành thủy sản trong tuần vừa qua là 8%, đứng thứ 4 về mức biến động giá trong tổng số 30 ngành phân tích. Vậy liệu có phải cổ phiếu ngành thủy sản bắt đầu lấy lại được sức sống của mình?
Ngành thủy sản VN trong thời gian qua đã chịu sự tác động rất lớn của khủng hoảng kinh tế với việc giảm sút nghiêm trọng các đơn đặt hàng cũng như giá nhập tại các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU và Nhật và các điều kiện khắt khe hơn về chất lượng hàng xuất nhưng không phải là không có tiềm năng cho ngành này trong các tháng cuối năm. Theo số liệu từ tổng cục thống kê thì sản lượng xuất khẩu của thủy sản trong 8 tháng đầu năm mặc dù chỉ đạt 85% so với cùng kỳ năm trước nhưng có mức độ tăng trưởng khá tốt giữa các tháng trong năm (mức tăng trưởng bình quân là 12%). Giá trị xuất khẩu tháng 8/2009 đã đạt gần sát ngưỡng cùng kỳ năm trước.
Trong các tháng cuối năm, kinh tế thế giới đang có dấu hiện hồi phục rõ rệt đặc biệt là kinh tế Mỹ, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng trở lại trong tháng 7 sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong đó có các sản phẩm thủy sản. Tuy vậy, theo thống kê của chúng tôi, sản lượng xuất khẩu thủy sản thông thường tập trung cao nhất vào quý 3 do nhà nhập khẩu tích cực nhập hàng bán cho dịp lễ hội Noel cuối năm.
Bên cạnh đó, rất nhiều quan điểm đề nghị Chính phủ ưu tiên gói kích cầu 2 cho các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong đó có ngành thủy sản sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho các DN thủy sản tiếp cận được với các nguồn vốn trung hạn giá rẻ, có thể mở rộng quy mô sản xuất với chi phí thấp nâng cao được năng lực cạnh tranh về giá so với các sản phẩm thủy sản của các nước khác như Trung Quốc và Thái Lan.
Trong báo cáo quý 2/2009, 3/12 DN thủy sản niêm yết trên sàn báo lỗ trong đó có 2 DN báo lỗ 2 quý liên tiếp là Cty CP XNK Lâm thủy sản Bến Tre (FBT) và Cty Cổ phần Nam Việt (NAV) các DN còn lại đều có mức lợi nhuận thấp. Trong quý 3, các DN thủy sản được dự kiến sẽ đạt được mức doanh thu và lợi nhuận tốt do đây là tháng hoạt động xuất khẩu đạt giá trị tốt nhất trong năm đồng thời giá một số sản phẩm xuất như tôm, cá tra tại các thị trường truyền thống đặc biệt thị trường Mỹ tốt hơn so với các năm trước.
Các cổ phiếu thủy sản đều có giá trị sổ sách lớn do hầu hết các DN này có thặng dư vốn từ các đợt phát hành lớn. ABT, AGF, FBT đều có thặng dư vốn gấp 2 - 3 lần so với vốn góp của chủ sở hữu. Mức giá hiện tại gần như chỉ bằng hoặc hơn không nhiều so với giá trị sổ sách, đặc biệt là AGF có giá giao dịch chỉ bằng hơn nửa so với giá trị sổ sách.
Trừ một số DN lỗ, các DN còn lại có giá trị EPS cho 4 quý gần nhất tương đối tốt do giá trị xuất tại quý 3/2008 lớn. Dự kiến cuối năm 2009, EPS trung bình của ngành thủy sản đạt mức trên 2,600 đồng/CP, thấp hơn mức trung bình của thị trường. Một số DN dự kiến có kết quả tốt như NGC, ABT, ACL, MPC. Với mức giá giao dịch hiện tại, P/E trung bình của ngành thủy sản dự kiến cuối năm là 11.13.
Như vậy, qua phân tích có thể nói việc đầu tư trung và dài hạn vào cổ phiếu ngành thủy sản hiện nay không phải là một quyết định không có cơ sở. Một số cổ phiếu thực sự hấp dẫn của ngành này có thể được xem xét như BLF, CAD, ICF, NGC.
Trọng Nhân
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|