Cơ hội nào cho nhà đầu tư nhỏ?
Thị trường chứng khoán (TTCK) VN đang khởi sắc. Tuy nhiên, mấy phiên gần đây, khi VN- Index lên mạnh và dấu hiệu bán chốt lời hiện rõ thì xuất hiện nhiều cảnh báo thận trọng. Vậy nhà đầu tư nhỏ có còn cơ hội trong thời gian tới?
Đã hấp dẫn hơn bất động sản, vàng, tiết kiệm
Theo đánh giá của nhiều CTCK thì tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ, mới đổ mạnh vào TTCK từ hai - ba tháng nay do lợi nhuận mang lại từ thị trường này khá cao.
Lý do chính để nhà đầu tư nhỏ lao vào TTCK thời gian qua là: “Lãi suất huy động chưa thu hút, vàng và nhà đất trồi sụt thất thường nên chứng khoán đang là kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút các nguồn tiền nhàn rỗi” - TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Tin học ứng dụng TPHCM phân tích.
Tháng 8/2009, Vn-Index vượt qua mức đỉnh cũ 512 điểm hồi giữa tháng 6 và chỉ trong một tháng đã tăng hơn 80 điểm.
Tại sàn TPHCM, trong một tháng, nhiều mã chứng khoán tăng đến 30 phần trăm và đa số những ai mua chứng khoán từ đầu tháng 7 đến nay đều lời lớn so với nhà đất, gửi tiết kiệm hay mua vàng.
Đây là mức lợi nhuận ấn tượng trong thời kỳ khó khăn này và đang trở thành lực hút nhiều nhà đầu tư.
Nỗi lo lớn nhất của nhà đầu tư nhỏ là vốn ở đâu đổ vào chứng khoán khi NHNN đang siết tín dụng?
Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải cho rằng, chính sách tiền tệ được NHNN thắt chặt nhưng chưa có biện pháp cụ thể, trong khi đó, giới hạn cho vay chứng khoán dưới 20 phần trăm vốn tự có của nhiều NH cho vẫn còn nên các NH vẫn tiếp tục cho vay chứng khoán.
Theo CTCK Âu Việt, đến cuối tháng 6/2009, dư nợ cho vay chứng khoán mới đạt khoảng 8.830 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,4 phần trăm tổng vốn điều lệ của các ngân hàng. Tỷ lệ này khá an toàn so với mức cho phép của NHNN là 20 phần trăm.
Hạn mức tín dụng dành cho vay kinh doanh chứng khoán trong sáu tháng cuối năm đang được dự đoán còn đến 25.000 tỷ đồng và đây được xem là một trong các nguồn vốn chính của nhà đầu tư nhỏ, lẻ.
Không thiếu vốn, chỉ lo sóng
Giám đốc môi giới một CTCK nhận định, nhà đầu tư nhỏ chỉ lo thiếu kinh nghiệm, thông tin chứ không lo thiếu vốn. Ông này khẳng định nhiều nhà đầu tư bỏ chứng khoán chạy lấy người năm 2008, nay trở lại thị trường nhưng vẫn còn dè dặt.
Theo số liệu của một CTCK lớn thì chỉ hai tuần cuối tháng Tám, có khoảng 3.500 tài khoản ngừng hoạt động từ sáu tháng trước đã khởi động trở lại.
Nhà đầu tư Vũ Hải Anh (sàn ACBS TPHCM) nói lý do anh quay trở lại TTCK: “Thị trường có dấu hiệu hồi phục lâu dài. Nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng tôi cũng có kinh nghiệm, nhiều thông tin và không còn bị tâm lý đám đông chi phối như trước nữa”.
Bên cạnh đó, các tín hiệu hồi phục của nền kinh tế trong nước ngày càng rõ ràng hơn, chính sách tiền tệ không thắt chặt như lo ngại, kết quả kinh doanh của đa số doanh nghiệp niêm yết tốt, kỳ vọng về gói kích cầu thứ hai... cũng là cơ sở để nhà đầu tư hy vọng vào TTCK trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, trước hiện tượng nhà đầu tư ngoại giảm mua vào trong tháng Tám và động thái bán chốt lời (bán cổ phiếu với mức giá mà nhà đầu tư có lời) liên tục trong năm phiên gần đây của nhà đầu tư nội, nhà đầu tư nhỏ, lẻ cần thận trọng vì sóng (những đợt tăng và giảm chỉ số VN-Index) đang được tạo ra, non tay rất dễ bị nhấn chìm.
Trên thực tế, nhiều thời kỳ các chuyên gia dự báo thị trường sáng sủa, tín hiệu tốt, các chỉ số đều đẹp nhưng VN- Index vẫn xuống và người thiệt hại nhiều nhất vẫn là cá bé.
Đã có ý kiến cho rằng, TTCK Việt Nam đã bớt hấp dẫn vì tăng quá nhanh. Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP HCM ghi nhận: “Có những quan ngại của giới đầu tư về tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam do tăng quá nhanh trong thời gian qua nhưng, với mức P/E (mức lợi nhuận trên cổ phiếu) khoảng 19,7 lần, VN-Index vẫn tỏ ra tương đối hấp dẫn so với nhiều TTCK khác.
Theo những số liệu thống kê gần đây nhất, ngoại trừ P/E của TTCK Hồng Kông đang ở mức thấp tương đối là 15,4 lần, P/E các thị trường còn lại đều đã vượt trên mức 20 lần.
Như vậy, có thể thấy rằng, tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm xét trên phương diện tương quan P/E với các TTCK khác”.
Hà Phan
Tiền Phong
|